thế nào là “chịu khó” trong công việc
tiếp theo bài trước
Khách hàng thì luôn có nhiều câu hỏi, có nhiều băn khoăn, cần nhiều phương án và thông tin cụ thể. Khách hàng phải đối mặt với thị trường, tìm cách kiếm tiền từ thị trường chứ chẳng phải họ rảnh rỗi/ tự dưng làm khó chúng ta đâu. Chúng ta thì chỉ phải đối mặt với khách hàng mà thôi chứ chưa phải lo nhiều thứ bằng họ đâu!
Kỹ năng của chúng ta chưa đủ, đó là sự thật. Đôi khi chúng ta thấy ngợp và đuối trước tình huống đặt ra. Trong lúc tình thế khó khăn, câu hỏi từ khách hàng chồng chất và dường như không có phương án nào để làm khách hàng hài lòng cả: Hạn (deadline) không thể rút ngắn, tiền không thể tăng, người không thể tăng…? Cảm giác không thể đưa ra giải pháp, không thể đưa ra tư vấn, không biết trả lời khách hàng thế nào. Lúc đó, cần làm gì?
VI. Học hỏi và tiến lên
Không có công thức trả lời, hoặc ít ra là tôi cũng không hy vọng đưa ra công thức trả lời tổng quát cho bạn. Tôi chỉ biết điều gì sẽ giúp ích chúng ta trong những hoàn cảnh đó, tư duy gì sẽ giúp chúng ta đối mặt tốt hơn với khách hàng?
Điều thứ nhất, trước cả khi có giải pháp hay không, là chúng ta có sẵn sàng đương đầu với khó khăn hay không?
Quay lại cuộc nói chuyện với D. Ở đây, tôi hoàn toàn chia sẻ khi D. tâm sự :
Khi có lỗi production, hệ thống dừng, KH yêu cầu khẩn cấp, ngay lập tức leader họp team và yêu cầu hành động. Điều đặc biệt không ở buổi họp team hay ở yêu cầu gấp, mà là ở điểm mà D. đã chia sẻ với team cuối buổi họp:
Chúng ta hãy hiểu đây là cơ hội để chúng ta học hỏi, cơ hội để chúng ta rèn luyện phản ứng trong những trường hợp khẩn cấp. Đừng nghĩ rằng đây là OT, đây là gánh nặng. Đây cơ hội để chúng ta trở nên cool ngầu như đội đặc nhiệm SWAT. …. (nhạc nền nổi lên 🙂 ) bằng tiền/chi phí của khách hàng 😉
Từng tham dự nhiều dự án khó khăn, từ trải nghiệm bản thân tôi có thể chắc chắn mỗi một dự án khó là một lần tôi trưởng thành, và càng tích luỹ thêm nhiều dự án khó tôi càng trở nên không sợ hãi trước các tình huống cam go về sau. Tôi biết mình đã sống sót qua các tình huống cam go nhiều hơn các member khác và thậm chí nhiều hơn cả KH! Tôi đã tích luỹ kỹ năng sinh tồn của kẻ sống sót (survivor)!
Vì thế, nếu là một Dev., lần sau khi gặp một dự án khó, ít nhất hãy ở lại với nó, chiến đấu tối thiểu vài tháng, tự mình nỗ lực cũng như học hỏi cách những người kinh nghiệm hơn xoay xở để vượt qua, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được nhiều hơn cả năm trời ở những tình huống êm đềm, đều đều hàng ngày.
Chính ở những tình huống khó nhất lại ẩn giấu những cơ hội trưởng thành lớn nhất.
Điều thứ hai: Tìm mọi cách để tiến lên.
Ta không thể làm X, ta không được làm Y, ta không có thời gian để thử Z. Ta có thể không thể đưa ra giải pháp nào. Nhưng ta sẽ tìm cách không giậm chân tại chỗ, nhai đi nhai lại về X, về Y, về Z. Ta sẽ tiếp tục mở rộng những khía cạnh chưa được khai phá của vấn đề. Thế còn K thì sao, còn beta thì sao, sigma … thì sao.
Không dễ để khai phá vấn đề và nhìn đến những khía cạnh chưa được người khác nhìn đến. Trong rất nhiều người tôi gặp, đa phần là không nghĩ ra được khía cạnh mới, thậm chí nhớ đủ những khía cạnh cũ thôi cũng còn yếu. Một Dev. tầm tầm điển hình sẽ thấy cái gì cũng cũ (anh ta không tin có thứ gì anh ta chưa nghĩ đến), một Comtor. tầm tầm điển hình sẽ thấy cái gì cũng mới (cô ta không hiểu những gì đang diễn ra và cũng dừng nỗ lực để hiểu từ lâu).
Đó có lẽ cũng là một điểm yếu của người VN trong cái ngành cần sự sáng tạo tương đối nhiều này. Có vài người khác, có lẽ may mắn tích luỹ nhiều trải nghiệm khó khăn và cũng nhiều lần rèn luyện tư duy “thoát ra khỏi cái hộp”, thường trăn trở để đưa ra phương án tiến lên: ta thử làm thế này, thế kia…. bạn thấy sao. Theo tôi trong trường hợp này làm thử theo hướng này x ngày, sau đó nếu không ăn thua thì sẽ tạm đối ứng manual phần abcd… Ít nhất là unstuck được tình huống, ít nhất là vượt qua bế tắc ngày hôm nay, ngày mai biết đâu vài cánh cửa mới có thể mở ra rõ hơn.