Review sách: “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”
“Tôi thừa nhận rằng lúc này có nhiều điểm trong bản Hiến pháp tôi không thể chấp nhận, nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng chúng ta không nên dựa quá nhiều vào sự phán xét của chính bản thân mình. Tôi thường thấy mình sai lầm ngay tại những điều ưng ý nhất. Khi tôi càng nhiều tuổi, tôi càng nghi ngờ sự phán xét của chính mình và quan tâm chú ý hơn đến những nhận xét của người khác.
… Với những suy nghĩ đó, thưa Ngài Chủ tịch, tôi đồng ý với bản Hiến pháp này với mọi lỗi lầm của nó, nếu có, bởi tôi nghĩ rằng chúng ta cần một chính quyền chung… Tôi cũng nghi ngờ rằng không một Hội nghị nào có thể làm ra được một bản Hiến pháp tốt đẹp hơn. Thưa Ngài, tôi nghĩ bản Hiến Pháp này cũng khiến kẻ thù của chúng ta ngạc nhiên, những kẻ đang tin tưởng trông chờ rằng chúng ta cũng như những người xây dựng Tháp Babel; rằng các tiểu bang của chúng ra đang bên bờ miệng vực của sự tan rã, gặp nhau tại đây chỉ để cắt cổ họng người khác.”
— Trích từ “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”
Những lời lẽ vô cùng chân thành và xúc động trên được trích từ bài phát biểu của quý ngài Benjamin Franklin trong buổi gặp mặt lần cuối cùng của các đại biểu từ các bang trong hội nghị lập hiến. Benjamin Franklin là một trong những người nổi tiếng khắp châu Âu và nước Mỹ hơn bất kì cá nhân nào cùng thời đại với những đóng góp vô cùng to lớn trong công cuộc giành độc lập, xây dựng và phát triển nước Mỹ cũng như các lĩnh vực khác. Bài phát biểu trên nhằm cầu xin sự thống nhất đối với bản Hiến pháp mà Hội nghị đã cùng nhau soạn thảo trong suốt hơn 4 tháng vừa qua.
Đôi khi hành trình chứ không phải đích đến mới là thứ mang lại cho con người nhiều điều có ý nghĩa. Bản thân Hiến pháp Mỹ đã và đang là một thành tựu vô cùng xuất sắc, đưa nước Mỹ vươn lên hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên việc nghiên cứu về quá trình hình thành nó đem lại cho ta một cái nhìn đa chiều về bối cảnh nước Mỹ thời bấy giờ, các khó khăn, mâu thuẫn mà các tiểu bang cũng như toàn liên bang gặp phải và cách những bộ óc vĩ đại nhất thế kỉ 18 cùng nhau thảo luận, tranh luận để giải quyết chúng mà vẫn dung hoà lợi ích chung và riêng. Qua đó ta có thể học cách nhìn nhận sự việc một cách đa chiều, phân tích những điểm lợi hại, trau dồi suy nghĩ phản biện để rồi áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Tác giả Nguyễn Cảnh Bình đã đem hành trình đó đến với người đọc thông qua cuốn sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”. Bản thân tác giả không phải là một luật gia hay nhà sử học, mà lại là một Thạc sĩ khoa học tự nhiên – chuyên ngành hoá học. Nhưng niềm đam mê mãnh liệt về Hiến pháp – Chính quyền của tác giả là không thể phủ nhận. Từ kho tư liệu đồ sộ về quá trình soạn thảo và làm ra bản Hiến pháp Mỹ được lưu trữ tại thư viên điện tử của Quốc hội Mỹ (mà tác giả ước tính nếu in ra có thể lên tới hàng chục nghìn trang), tác giả đã nghiên cứu, tổng hợp, phân tích và dịch để tạo nên một cuốn sách cô động, tinh gọn những vẫn cung cấp được một bức tranh toàn cảnh về quá trình soạn thảo và làm ra bản Hiến pháp Mỹ. Đặc biệt, đây là cuốn sách được biên soạn bởi người Việt và viết cho người Việt, nên ngôn ngữ, văn phong cũng gần gũi, người đọc từ đó mà tiếp cận dễ dàng hơn.
Cuốn sách được chia làm 5 phần:
- Phần I: Tóm tắt quá trình xây dựng Hiến pháp Mỹ
- Phần II: Các cuộc tranh luận tại hội nghị lập hiến
- Phần III: Một số bức thư và tranh luận điển hình về Hiến pháp Mỹ
- Phần IV: Chân dung những đại biểu tham dự hội nghị lập hiến
- Phần V: Hệ thống văn bản hiến pháp Mỹ
Bố cục của cuốn sách đi từ chung đến riêng. Phần I mở ra với khắc hoạ một khung cảnh nổi tiếng của nước Mỹ thế kỉ 18 – toà nhà Hạ viện tiểu bang Pennsylvania, hay giờ được gọi là Independence Hall:
Nguồn ảnh: Internet
Đây chính là nơi mà các đại biểu tham dự Hội nghị Liên bang, được các tiểu bang cử tới nhằm sửa đổi những thiếu sót của chính quyền đương thời năm 1787. Trong phần này, những ý kiến, đề xuất, phương án, quyết định được trình bày một cách ngắn gọn như đúng như tên gọi của nó. Sau quá trình lập hiến còn là quá trình vận động các tiểu bang thông qua bản Hiến pháp mới cũng vô cùng căng thẳng và gay cấn. Phong trào chống chủ nghĩa Liên Bang được dấy lên ở khắp nhiều tiểu bang với quan điểm chỉ thông qua bản Hiến pháp khi một số điều kiện, quyền lợi được đảm bảo, và cuối cùng thì:
Ngày 31 tháng Bảy năm 1788, Bắc Caroline là tiểu bang cuối cùng, trừ Rhode Island phê chuẩn Hiến pháp với 183 phiếu thuận và 84 phiếu chống. Ngày 4 tháng Ba năm 1789, Quốc hội Liên bang họp phiên đầu tiên tại thành phố New York bỏ phiếu hoàn toàn nhất trí bầu George Washington làm Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Ngày 30 tháng Tư năm 1789, Washington chính thức tuyên thệ nhậm chức. Sau đó, Quốc hội lần lượt thông qua các đạo luật thiết lập Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh và Bộ Tài chính.
— Trích từ “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”
Phần II là quá trình thảo luận chi tiết của các đại biểu về các vấn đề quan trọng của bản Hiến pháp như phương án Virginia, phương án New Jersey, cách thức bầu chọn Hạ nghị sĩ, Thượng nghị sĩ, bộ máy hành pháp, Tổng thống… Trong phần này các nhiều đề xuất được đưa ra, những mặt lợi và mặt hại của từng phương án được đem ra cân đo đong đếm một cách kĩ lưỡng để chắc chắn rằng các đại biểu nắm rõ và đưa ra lựa chọn bỏ phiếu (tán thành/phản đối/không quyết định) một cách chính xác nhất. Rất nhiều phương án với lượng phiếu tán thành/phản đối xấp xỉ nhau thể hiện sự căng thẳng tột độ của các buổi họp, sự khó khăn trong những quyết định mang tính đại cục, sự xung đột về lợi ích giữa các tiểu bang của nước Mỹ. Một trong những vấn đề ảnh hưởng nhiều đến hội nghị và được nhắc đến nhiều lần trong sách là quyền đại diện của các bang ở một mảng nào đó sẽ dựa vào dân số, hay diện tích, hay bình đẳng theo số lượng các bang. Nhiều tiểu bang có diện tích và dân số đủ lớn để có thể đứng ra thành lập một chính quyền quốc gia riêng. Nếu quyền đại diện theo dân số hay diện tích, những bang lớn có thể phủ quyết hoàn toàn những ý kiến của các bang nhỏ lẻ. Còn nếu quyền đại diện bình đẳng theo số lượng các bang thì các bang lớn hơn, phát triển hơn, số lượng dân số lớn hơn, lại chỉ có lượng phiếu bình đẳng với những bang nhỏ hơn, kém phát triển hơn, ít người hơn. Cùng đọc sách để tìm hiểu xem cách thức các đại biểu giải quyết những vấn đề hóc búa như thế nào nhé.
Phần III là cái nhìn trực tiếp nhất của người trong cuộc thông qua những bức thư và những tranh luận. Kết hợp với phần IV, phần mô tả chân dung các đại biểu tham dự hội nghị, nắm được xuất thân, học vấn, hoàn cảnh xã hội xung quanh các vị đại biểu khiến ta hiểu thêm phần nào những ý kiến, quan điểm mà họ đưa ra trong suốt Hội nghị lập hiến.
Phần kết là bản Hiến pháp Mỹ hoàn chỉnh. Đây chính là kết quả của một Hội nghị tuyệt vời giữa những con người tuyệt vời.
Nguồn ảnh: Internet
“Đó thật sự là cuộc hội tụ những người con của Thánh thần.”
Thomas Jerfferson, thư gửi John Adams, 1787
— Trích từ “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”
Bản Hiến pháp đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một nước Mỹ thịnh vượng, hùng mạnh trong suốt hơn 200 năm qua, và (mong là) sẽ tiếp tục như vậy, như cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã từng nói:
“Những người cha của chúng ta đã mang đến lục địa này một quốc gia mới, công nhận sự tự do và cống hiến cho một mục tiêu cao cả rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng. Thành công của Hội nghị ở Philadelphia chính là việc thiết lập một bản Hiến pháp để hình thành một liên minh hoàn hảo hơn, thiết lập sự công bằng đảm bảo một sự an toàn chung, thúc đẩy sự thịnh vượng chung và bảo đảm sự tự do cho chính chúng ta và cho sự thịnh vượng của chúng ta.”
— Trích từ “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”
Bạn đọc có thể lựa chọn đọc phần V đầu tiên, biết được nội dung bản Hiến pháp, rồi lật lại tìm hiểu quá trình tạo nên kết quả đó cũng là một hành trình khám phá thú vị.
Cuốn sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” dù đã trải qua nhiều lần xuất bản những giá trị nó mang lại vẫn không đổi. Quá trình xây dựng Hiến pháp từ hơn 2 thế kỷ trước vẫn là đề tài vô cùng thú vị đối với bất kì ai, đặc biệt là những người học về luật và lịch sử. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ khiến mọi người cảm thấy hứng thú với cuốn sách nghe tên có vẻ nhàm chán và lớn lao này 🙂