Đánh giá hiệu quả đầu tư: Sử dụng ROI, NPV và IRR để đưa ra quyết định thông minh
Đầu tư là một phần quan trọng của kinh doanh, tuy nhiên, việc quyết định đầu tư vào một dự án cụ thể có thể là một thách thức lớn đối với các nhà quản lý và nhà đầu tư. Để đưa ra quyết định đầu tư thông minh, các chỉ số đánh giá hiệu quả như ROI, NPV và IRR đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các chỉ số này và cách sử dụng chúng để đánh giá hiệu quả đầu tư của bạn.
Hãy giả sự bạn có 1 khoản đầu tư là 90 triệu đồng và bạn có thể thu về 108 triệu đồng thì lợi nhuận của bạn là bao nhiêu % ?. Với câu hỏi này tôi tin rằng mọi người đều có thể rễ ràng trả lời là 20%. Chính là tính tỷ lệ giữa lợi nhuận nhận được trên tổng số vốn bỏ ra. và chỉ số này được nói một cách “hoa mỹ” là ROI.
Vậy ROI (Return on Investment) là gì? Nó chính là chỉ số được sử dụng để đánh giá mức độ sinh lời của một khoản đầu tư. Chỉ số này được tính bằng cách chia tổng lợi nhuận thu được từ đầu tư cho số tiền đã đầu tư, sau đó nhân 100 để tính ra phần trăm lợi nhuận.
Với công thức như thế này chúng ta thấy rằng ROI là một chỉ số khá dễ để tính toán, dễ dàng so sánh dữ liệu giữa các dự án, khoản đầu tư. Với những dự án ROI càng cao thì người đầu tư càng cảm thấy dự án là tốt, càng đáng đầu tư. Nhưng liệu có phải lúc nào cũng đúng như thế?
Chắc hẳn nhiều bạn ở đây đã từng nghe được những lời mời chào mua nhà mua đất kiểu như: “Anh chị mua căn hộ này đi, sau 4,5 năm nữa thể nào giá cũng tăng gấp rưỡi, gấp đôi”. Nghe câu nói này mọi người dễ dàng nhận thấy ROI ở đây sẽ rơi vào từ 50%~100%. Một con số đáng ngưỡng mộ.
Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn một tý chúng ta có thể thấy rằng ROI chưa tính đến các yếu tố như thời gian đầu tư, lãi vay ngân hàng…… vì thế sau 4,5 năm căn hộ bạn mua ở trên giá có thể tăng gấp rưỡi nhưng chưa chắc bạn đã có lãi.
Để làm rõ thêm chúng ta lấy một ví dụ như sau: Bạn dự định mở một cửa hàng cafe với chi phí ban đầu cho việc thuê mặt bằng, xây dựng quán là $100,000 và với dự kiến hoạt động của các năm tiếp theo như sau:
- Năm đầu tiên sẽ tốn khoảng $50,000 cho các chi phí thuê nhân viên, quảng cáo và doanh thu đạt được là $60,000 lợi nhuận là $10,000
- Năm thứ 2 tiêu tốn $45,000 và doanh thu đạt được về $55,000 lợi nhuận là $10,000
- Năm thứ 3 tiêu tốn $35,000 và doanh thu đạt được về $55,000 lợi nhuận là $20,000
- Năm thứ 4 tiêu tốn $25,000 và doanh thu đạt được về $60,000 lợi nhuận là $35,000
- Năm thứ 5 tiêu tốn $25,000 và doanh thu đạt được về $60,000 lợi nhuận là $35,000
- Năm thứ 6 tiêu tốn $25,000 và doanh thu đạt được về $60,000 lợi nhuận là $35,000
Dựa vào giả thiết như trên ta sẽ thu được lợi nhuận sau 6 năm là $45,000 và ROI sẽ là 45%.
Nếu nhìn vào con số 45% hay $45,000 ở trên có thể bạn đang nghĩ rằng mình lãi nhưng liệu thật sự có phải như thế?
Ta thấy rằng các con số lợi nhuận qua hàng năm đều là con số trong tương lai. Giả sử lãi suất ngân hàng là 10% thì lợi nhuận trong tương lai đó tính tại thời điểm hiện tại là bao nhiêu? Chúng ta cần quy đổi về cùng một mốc thời gian để tính toán.
Ở năm thứ nhất bạn đang có lợi nhuận là $10,000 nhưng vì lãi ngân hàng là 10% như vậy quy đổi ra giá trị tiền hiện tại sẽ tương đương với $9,091. Có thể hiểu ngược lại rằng nếu gửi $9,091 vào ngân hàng thì 1 năm sau bạn sẽ được trả $10,000
Làm tương tự chúng ta sẽ quy đổi lãi của các năm về tiền tại thời điểm hiện tại và ta sẽ được một bảng quy đổi như sau:
Ở đây cột Rt ứng với lợi nhuận thu được hàng năm.
NPVt ứng với tiền quy đổi tương ứng với hiện tại
i = 10% thể hiện cho lãi ngân hàng 10% chúng ra giả định như ở trên.
Vậy sau khi quy đổi tất cả về thời giá hiện tại. Trừ đi chi phí $100,000 bỏ ra đầu tư chúng ta được một con số -$2.224. Như vậy dự án trên của chúng ta tính ra tưởng là lãi nhưng tính lại thì hoá ra lại lỗ.
Và con số -$2.224 chúng ta tính ra ở trên đây được gọi là NPV của dự án trên.
Hay nói một cách khác NPV (Net Present Value) có nghĩa là giá trị hiện tại ròng, tức là giá trị toàn bộ dòng tiền của một dự án nào đó trong tương lai được chiết khấu(Quy đổi) về thời điểm hiện tại. Hiện nay, NPV được sử dụng khá phổ biến trong việc tính toán ngân sách vốn cũng như lập dự án đầu tư để có thể phân tích được lợi nhuận và xem xét về tính khả thi mà nó mang lại.
NPV sẽ được tính theo công thức như sau:
Co : Chi phí đầu tư ban đầu (năm 0 )
Rt: Dòng tiền thuần tại thời gian t ( thường tính theo năm)
i: tỷ lệ chiết khấu(lãi suất)
n : thời gian thực hiện dự án ( thường tính theo năm)
Nếu NPV dương thì dự án đáng được đầu tư vì nó thu được lợi nhuận lớn hơn phương án thay thế (là phương án dùng để tính tỷ lệ chiết khấu). Nếu tính cho 2 dự án đầu tư độc lập thì NPV nào lớn hơn thì dự án đó đáng được đầu tư hơn.
Bây giờ chúng ta lại có một câu hỏi. Liệu rằng với tỷ lệ chiết khấu (lãi suất) bằng bao nhiều thì để NPV = 0? với dữ liệu bài toán như trên chúng ta dễ dàng tính ra được khi i = 9,388%. Và con số này người ta gọi là IRR của dự án trên.
Vậy Ta có thể hiểu rằng IRR (Internal Rate of Return ) là tỷ suất hoàn vốn nội bộ. Nó được coi là chỉ số được sử dụng nhiều trong phân tích tài chính để ước tính khả năng sinh lời của những khoản đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, chỉ số IRR là tỷ lệ chiết khấu làm cho giá trị hiện tại ròng (NPV) của tất cả những dòng tiền = 0 trong phân tích dòng tiền chiết khấu.
IRR là công cụ đánh giá tính khả thi của dự án và từ đó giúp nhà đầu tư quyết định có nên đầu tư dự án hay không. Nếu IRR có giá trị lớn hơn hoặc bằng tỷ lệ chiết khấu (thường được lấy bằng giá trị lãi suất thị trường), điều này biểu thị khả năng thu hồi vốn và sinh lời của dự án tốt. Vì thế, doanh nghiệp hay nhà đầu tư nên đầu tư vào dự án. Và không nên đầu tư vào dự án trong trường hợp ngược lại.
Hơn nữa, khi cân nhắc giữa nhiều khoản đầu tư thì doanh nghiệp/nhà đầu tư sẽ lựa chọn khoản đầu tư mang về chỉ số IRR cao nhất. Còn nếu doanh nghiệp/nhà đầu tư có nhiều dự án, thì sẽ ưu tiên những dự án có chỉ số IRR cao hơn.
Tạm kết
Với những chia sẻ về chỉ số ROI, NPV, IRR trên đây, tôi hy vọng các bạn đã hiểu rõ đặc điểm và cách tính của chỉ số này. Tuy đây là là công cụ tài chính hữu ích giúp đánh giá tính khả thi của dự án và từ đó đưa ra quyết định có nên đầu tư hay không nhưng nó vẫn tồn tại một số hạn chế. Vì thế, các nhà đầu tư hãy sử dụng chỉ số này một cách thông minh nhé.