Tư duy hướng kết quả

Làm không phải để có cái để báo cáo, mà làm để tạo ra giá trị thật!

Tư duy hướng kết quả không phải là chăm chăm hoàn thành task rồi vô JIRA kéo done. Cũng không phải là đếm số giờ cày, đếm số task để tự thấy mình “năng suất”. Mà là làm một việc gì đó, rồi đặt câu hỏi: “Cái này có thay đổi gì không? Có ai dùng? Có gì đem lại giá trị gì không?”. Làm gì thì làm, cuối cùng cũng phải ra kết quả có ích. Không có tác động, coi như chưa làm.

Đối với Developer, kiểu tư duy này giúp thoát khỏi cái bẫy “cứ xong task là xong việc”. Nhiều người viết xong tính năng, push code xong, test pass là thấy hết trách nhiệm. Nhưng Dev mà thật sự muốn tạo giá trị thì phải nghĩ xa hơn: “Tính năng này ai dùng?”, “Nó giúp được gì?”, “Cái mình tối ưu có ai quan tâm không?”. Làm việc kiểu này mới chọn được việc đáng làm, chứ không phải việc khó hay việc mình thích.

Ví dụ: Ở Intercom, có kỹ sư build tính năng “pause notifications” cho chatbot. Làm xong, test đầy đủ, rollout luôn. Nhưng sau đó đo lại thì chưa tới 0.5% người dùng xài. Nghĩa là làm một cái mà gần như không ai cần. Mất công, tốn sức mà không có gì thay đổi thật.

Còn với manager, tư duy này càng quan trọng hơn nữa. Không thể nào chỉ lo project chạy đúng tiến độ, hay đảm bảo code chuẩn. Làm quản lý mà không biết kỹ thuật của mình đang tạo ra ảnh hưởng gì thì coi như đứng ngoài trận. Phải luôn hỏi: “Thứ này giải quyết được chuyện gì?”, “Có giúp team nhanh hơn không?”, “Có giúp khách hàng dễ chịu hơn không?”. Một tính năng xong deadline mà không giúp gì cho người dùng thì cũng vô nghĩa

Google có vụ team Gmail A/B testing test 41 sắc độ màu xanh để tìm ra màu khiến người ta click nhiều nhất. Nghe tưởng màu mè phông bạt, nhưng thật ra từng chi tiết nhỏ cũng phải đo được tác động. Không phải làm xong là xong, mà phải xem có khác gì thật không.

Kỹ sư giỏi không phải là người làm nhiều nhất, mà là người làm ra tác động rõ ràng nhất. Có người mất cả tuần tối ưu SQL chạy nhanh gấp ba, nhưng không ai từng phàn nàn vì chậm thì cũng vô nghĩa. Ngược lại, có người tweak nhẹ cái màn onboarding, giữ được thêm 5% user mới ở lại thì giá trị rõ ràng hơn hẳn.

Tư duy hướng kết quả bắt ta phải gác cái tôi qua một bên. Không phải cứ task đúng thì nên làm. Nhiều cái từng quan trọng, giờ hết xài cũng nên bỏ. Nhiều cái làm được nhưng không cần thiết. Phải quen với việc xem xét để bỏ bớt, cắt gọn, chọn cái đúng để đầu tư.

Muốn rèn tư duy này, cần đổi cách đặt câu hỏi. Trước khi làm, đừng hỏi “Làm sao để làm được?” mà phải hỏi “Làm để làm gì?”. Làm xong, đừng tự hào vì tick done task, mà hỏi lại: “Có ai dùng chưa?”, “Có số nào chứng minh là mình làm đúng không?”. Ghi nhận kết quả bằng data, không phải bằng danh sách công việc.

Với Manager, xây dựng văn hóa này trong team là chuyện sống còn. Đừng chỉ hỏi dev là đang làm gì, mà phải hỏi vì sao làm cái đó. Kết thúc sprint, đừng chỉ nhìn burn-down chart, mà phải hỏi: “Chúng ta có tạo được gì không?”. Task xong chưa chắc đã có giá trị.

Có một hiểu lầm khá phổ biến là: tư duy hướng kết quả = bám KPI. Không phải. KPI chỉ là một phần. Làm việc có kết quả không nhất thiết phải quy về số ngay lập tức. Nhiều việc như nâng cấp kiến trúc, xử lý tech debt… có tác động dài hạn. Nếu làm đúng lúc, đúng cách, vẫn cực kỳ quan trọng.

Chốt lại, Dev và Manager thời nay không được đánh giá bằng việc bạn làm bao nhiêu, mà bằng việc bạn làm ra được cái gì. Làm cho xong thì dễ, làm để có chuyện xảy ra thật thì mới đáng nể. Người kỹ thuật giỏi không phải chỉ biết giải bài toán, mà phải biết chọn đúng bài toán đáng giải.

Add a Comment

Scroll Up