Tầm quan trọng của Growth Mindset trong phát triển phần mềm

Hi, I’m Nguyen Thu Hang from Flinters Viet Nam. This is the 112th post of 133 days blogging challenge to commemorate the Flinters’s 10th anniversary.

Trong ngành phát triển phần mềm, việc làm ra một sản phẩm không chỉ là về việc viết code mà còn liên quan đến cách tiếp cận vấn đề và quan điểm của nhóm phát triển. Nhiều lỗi trong quá trình phát triển có thể đến từ nguyên nhân liên quan đến mindset.

Chắc hẳn mọi người vẫn thường nghe những câu đại loại như: “Lỗi này nguyên nhân là do mindset”, “Mindset có vấn đề, cần thay đổi”, …

Vậy thì mindset là gì và vì sao lại quan trọng trong công việc?

Mindset là gì?

Mindset là tư duy, quan điểm, là niềm tin và cách nhìn nhận về mọi thứ xung quanh trong công việc và cuộc sống. Nó định hình cách chúng ta suy nghĩ, hành động và phản ứng đối với các tình huống mà chúng ta gặp phải hàng ngày.

Có thể coi mindset như một “bộ lọc” trong tư duy của chúng ta, ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận và hành động.

Mindset được hình thành từ trải nghiệm bản thân, từ giáo dục, từ ảnh hưởng của môi trường gia đình và xã hội.

Một mindset tốt thường tập trung vào việc tìm giải pháp thay vì chìm đắm trong vấn đề. Mindset tốt thường đi kèm với khả năng thích nghi với thay đổi và nhìn nhận các tình huống từ góc nhìn tích cực.

Lỗi do mindset là gì? Vì sao chúng ta thường xuyên nghe thấy những nhận định kiểu như vậy khi phân tích nguyên nhân bug/issue trong phát triển phần mềm?

Mindset chủ quan

  • Chỉ sửa có 1 dòng code thì không cần phải sửa và thử nghiệm trên môi trường dev, sửa luôn trên production cũng không sao
  • Tự quyết định bỏ qua 1 vài test case vì nghĩ không cần thiết
  • Đã từng làm việc tương tự nhiều lần trong quá khứ nên biết chắc không vấn đề gì, do đó không cần trao đổi hay nhờ người khác hỗ trợ

Đây là loại mindset khiến cho một người không thể nhìn nhận được rủi ro mà họ đang đối mặt. Việc chủ quan hoặc quá tự tin vào bản thân khiến họ không ngần ngại bỏ qua quy trình, làm tăng khả năng gây lỗi hoặc làm lọt lỗi, làm giảm chất lượng sản phẩm, thậm chí làm giảm uy tín của khách hàng đối với team dự án.

Mindset cố định

  • Không muốn thực hiện hay thử nghiệm quy trình mới/ phương pháp mới, không muốn thay đổi cách làm đã quen thuộc
  • Từ chối nghe góp ý của đồng nghiệp, từ chối học hỏi kiến thức mới

Người có mindset này thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với thay đổi dẫn tới làm mất đi cơ hội thử nghiệm những phương pháp mới, công nghệ mới hay quy trình tốt hơn. Điều này có thể làm trì hoãn sự tiến bộ của dự án. Hơn nữa, việc từ chối tiếp nhận ý kiến của đồng nghiệp có thể khiến cho mọi người e ngại, không thoải mái hỗ trợ.

Mindset “nhân tiện”

  • Trong khi release chức năng A thì phát hiện ra có đoạn code có vẻ không cần thiết nên tiện thể xóa luôn
  • Trong khi release chức năng A thì phát hiện chức năng B có bug nên tiện thể sửa luôn mà không thông báo
  • Copy dữ liệu trên môi trường production để sử dụng trên môi trường dev cho tiện để khỏi mất công tạo mà không đánh giá rủi ro, không xin phép cấp trên

Tuy có thể giải quyết vấn đề ngay lập tức, nhưng những việc làm tùy tiện này có thể tạo ra những hậu quả không mong muốn, đặc biệt là khi việc chỉnh sửa, thao tác không được kiểm tra kỹ lưỡng.

Mindset trong giao tiếp

  • Sửa nhỏ/ refactor code không theo yêu cầu của khách thì không cần phải báo cáo cho khách vì nghĩ: “khách cần gì phải biết!”
  • PO/ Comtor không biết kỹ thuật nên giải thích cũng chẳng hiểu do đó tự quyết định không cần bàn bạc/ thảo luận

Giao tiếp là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển. Việc không báo cáo, không trao đổi với khách hàng hoặc không nhờ thành viên khác xem xét, đánh giá có thể dẫn đến hiểu lầm, không đồng nhất quan điểm trong dự án và cuối cùng là sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu thực tế của khách hàng.

 

Kết luận

Việc hiểu và thay đổi mindset không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là vấn đề của toàn bộ nhóm phát triển. Tạo ra một mindset tích cực, linh hoạt và chủ động trong việc học hỏi sẽ giúp cải thiện không chỉ quá trình làm việc mà còn cải tiến chất lượng sản phẩm, tạo dựng được lòng tin của khách hàng.

Add a Comment

Scroll Up