“Không biết” cũng là một kĩ năng
知之为知之,不知为不知,是知也
Đây là một câu nói của Khổng Tử trong Luận Ngữ được viết từ hơn 2500 năm trước, nhưng bài học này hoàn toàn có thể áp dụng cho cuộc sống hiện đại. “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới là biết”. Trong môi trường công sở chuyên nghiệp, chúng ta chắc chắn đều hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, việc tự nhận “tôi không biết” lại là một kĩ năng thậm chí còn cần thiết và quan trọng hơn mà chúng ta có thể vô tình bỏ qua hay xem nhẹ.
Vì sao “không biết” lại là một kĩ năng?
Việc nói “không biết” không phải là điều mà chúng ta quen làm. Rất dễ để tự tin chia sẻ những gì mình nắm rõ, nhưng khi không biết, chúng ta lại hay ngại nói ra vì sợ bị đánh giá là kém cỏi. Chính vì vậy, nhiều lúc ta chọn cách im lặng hoặc lảng tránh thay vì thành thật thừa nhận. Nhất là khi có kinh nghiệm lâu năm, hoặc đang giữ những vị trí như manager, leader hay senior trong công ty, thì việc thừa nhận “Anh/Chị không biết” trước những người trẻ hơn hoặc ít kinh nghiệm hơn lại càng trở nên khó khăn. Vì vậy, việc thừa nhận “không biết” không phải là bản năng tự nhiên mà là một kĩ năng mà chúng ta cần rèn luyện mới có được .
Kĩ năng “Tôi không biết” quan trọng như thế nào?
Có lần đi du lịch ở một nơi xa lạ, do không thạo đường nên tôi ghé hỏi thăm một cụ già đang ngồi uống nước ven đường. Cụ rất nhiệt tình, nói như đinh đóng cột rằng cứ đi thẳng rồi rẽ ở ngã ba là sẽ tới nơi. Tin lời cụ, tôi cứ thế mà đi giữa trời nắng gắt, hơn 20 phút trôi qua mà điểm cần tìm vẫn chưa thấy đâu. Hỏi lại một người khác, tôi mới ngã ngửa khi nghe: “Ngược đường rồi em ơi!” Nếu khi ấy cụ nói thật là cụ không biết, có lẽ tôi đã không mất thêm gần một tiếng vừa đi vừa về. Nhiều khi, việc thẳng thắn thừa nhận “không biết” tốt hơn nhiều so với việc không biết nhưng làm như mình biết.
Việc thừa nhận “tôi không biết” không chỉ bao gồm hoàn toàn không biết, mà còn có cả việc “chỉ biết một phần”. Cả hai đều là những kỹ năng quan trọng và cần thiết trong công việc. Chẳng hạn, khi thao tác với hệ thống hạ tầng, nếu chỉ nắm được một phần kiến trúc mà vẫn tự tin thao tác, ta có thể vô tình gây ảnh hưởng đến các tool downstream liên quan, dẫn đến incident làm gián đoạn toàn bộ hệ thống. Tương tự, trong giao tiếp với khách hàng, đôi khi vì kĩ năng ngôn ngữ hạn chế hoặc tâm lý ngại hỏi lại nhiều lần, ta dễ suy đoán để điền vào chỗ trống. Những suy đoán này có thể dẫn đến kết quả đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn của khách hàng, cũng như gây lãng phí nguồn lực phát triển.
Làm sao để luyện kĩ năng “không biết”?
Điều đầu tiên cần làm là dám đối diện với sự thật: gạt sang một bên cảm giác mặc cảm, tự ti hay xấu hổ, và thành thật với chính mình rằng “Tôi chưa biết.” Điều này có nghĩa là chúng ta đã bước đi được bước đầu tiên và sẵn sàng chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Khi không biết hoặc chưa hiểu hết, chúng ta nhất định phải hỏi. Việc hỏi trực tiếp này là cách hiệu quả nhất để nắm được thông tin chính xác, cũng như tránh các trường hợp mà chúng ta hiểu sai ý người nói. Vậy thì hỏi ai? Hỏi người đưa ra yêu cầu, hỏi đồng nghiệp, hỏi trong nhóm Slack, hỏi khách hàng — thậm chí hỏi AI. Không có giới hạn nào cho việc đặt câu hỏi, miễn là bạn thật sự muốn hiểu rõ vấn đề.
Với các công cụ hỗ trợ thuận tiện và một môi trường cởi mở như ở FLINTERS, bạn hoàn toàn có thể yên tâm đặt câu hỏi mà không lo bị đánh giá hay từ chối. Điều “tệ nhất” có thể xảy ra chỉ là: người được hỏi cũng “không biết”. Nhưng ngay cả lúc đó, đây vẫn là một cơ hội học hỏi – để cả hai cùng tìm hiểu và cùng nhau tìm câu trả lời.
“Không biết” cũng là một kiểu biết
Tri thức là vô hạn, và không ai trong chúng ta có thể nắm hết mọi thứ — dù trong công việc hay cuộc sống. Điều này lại càng đúng với ngành IT, nơi mọi thứ thay đổi liên tục và kiến thức mới gần như được tạo ra hàng ngày. Vậy nên, việc “không biết” là chuyện hết sức bình thường.
Trong bối cảnh đó, điều thông minh nhất chúng ta có thể làm, đó là thành thật thừa nhận rằng: tôi chưa biết — nhưng tôi sẽ hỏi và sẽ học.