70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 10)

Nguyên tắc 20. Thử phản biện lại một tiền lệ

Trong hoạt động kinh doanh, chúng ta thường được lưu ý về nhiều loại quy định và tiền lệ. Tuy nhiên, thay vì áp dụng một cách rập khuôn những qui định đó vì nghĩ là “không thể thay đổi”, thì đôi khi chúng ta cũng nên suy nghĩ “Vì sao lại như thế?” và thử phủ định quy định đó xem sao.

Bản thân tôi cũng đã từng thử phản biện lại “Cơ chế bảo lãnh quay vòng” của ngân hàng.

Nếu người vay là cá nhân thì việc phải kí hợp đồng bảo lãnh là đương nhiên. Tuy nhiên, tôi khá thắc mắc khi bên vay là pháp nhân, ngân hàng vẫn ràng buộc chủ doanh nghiệp bằng hợp đồng bảo lãnh liên đới, để trong trường hợp công ty phá sản thì chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Thông thường, “Bảo lãnh tiền vay” chỉ có giới hạn cho một giao dịch. Nghĩa là, khi người vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ xong thì việc bảo lãnh cũng kết thúc. Trong trường hợp việc kinh doanh vẫn đang tiếp diễn, mọi người thường sử dụng cơ chế “Bảo lãnh quay vòng” do mỗi lần vay mà phải sửa lại hợp đồng bảo lãnh thì rất phiền phức. Đây là cam kết bảo lãnh ràng buộc người vay với toàn bộ khoản nợ sẽ phát sinh trong tương lai, chứ không chỉ là giao dịch hiện tại. Cơ chế bảo lãnh nợ này bị phóng đại đến mức khiến không ít người khởi nghiệp phải bỏ trốn khi bị phá sản. Tuy nhiên, thực tế là ngân hàng không tạo ra chế độ này để hủy hoại cuộc sống của người vay, mà họ có thể tạo điều kiện cho người vay xử lý món nợ một cách hợp pháp.

Tôi cũng đã ký hợp đồng “Bảo lãnh quay vòng” với tư cách là người chịu trách nhiệm liên đới khi mới khởi nghiệp. Mặc dù công nợ đã được thanh toán đầy đủ, tuy nhiên khi công ty chuẩn bị lên sàn chứng khoán thì tôi vẫn băn khoăn không hiểu: ” Vì sao trước khi lên sàn, chủ doanh nghiệp bị ràng buộc bởi hợp đồng bảo lãnh quay vòng với tư cách là người vay, nhưng sau khi lên sàn rồi thì điều đó lại không cần thiết nữa?”. Dù có lên sàn hay không thì doanh nghiệp vẫn có nguy cơ “Không thanh toán được công nợ”. Khi tôi thắc mắc điều này với ngân hàng thì họ không đưa ra được lý do nào thuyết phục mà chỉ trả lời là “Vì sau khi lên sàn, doanh nghiệp sẽ được nhiều người biết đến”, hay “Đây là qui định đã có từ xưa”. Lúc đó tôi đã thử đề nghị rằng “Nếu không có lí do rõ ràng thì hãy đóng hợp đồng bảo lãnh quay vòng cho tôi ngay bây giờ (trước khi lên sàn)”, nhưng họ một mực từ chối.

Thực ra, không hẳn là tôi nhất định muốn đóng hợp đồng bảo lãnh quay vòng mà chỉ muốn nhận được lí do thuyết phục của việc này thôi.

Nhưng rồi có một ngân hàng nói với tôi rằng không nhất thiết phải có bảo lãnh quay vòng, đó chỉ là một thủ tục hành chính cứng nhắc. Vì vậy, tôi quyết định xin vay vốn từ ngân hàng này. Ngay sau đó, những ngân hàng lúc đầu từ chối lại quay sang mời chúng tôi vay vốn mà không yêu cầu bảo lãnh quay vòng nữa.

Từ câu chuyện này, có thể thấy trước khi khẳng định rằng “không còn cách nào khác”, thì cần phải hiểu rõ vì sao lại tồn tại những quy định như vậy.

Nguyên tắc 21. Luôn tự hỏi “Bản chất là gì?” chứ không kết luận dựa trên bề nổi của vấn đề

Chúng ta không nên phán đoán hay kết luận dựa trên bề nổi của vấn đề mà luôn phải đặt câu hỏi “Bản chất là gì?”

Khi nghe người khác giải thích rằng “Vì đây là quy định từ trước đến nay nên không thể khác được”, thì người lãnh đạo sẽ phải tự hỏi “Thật sự có đúng như vậy không?”, “Bản chất của quy định này là gì?”

Điều này không chỉ giới hạn trong các chế độ, quy định mà còn cả ở nhiều tình huống khác.
Ví dụ, khi có phàn nàn từ khách hàng, nếu chúng ta chỉ giải quyết mỗi vấn đề mà ai cũng thấy ngay được thì liệu có được coi là xử lý xong? Trước khi bàn đến cách giải quyết vấn đề, thì đầu tiên chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân gốc rễ vì sao khách lại phàn nàn như vậy. Khi bị ốm, chúng ta không chỉ điều trị các triệu chứng như ho, sốt, mà thường đi kiểm tra xem liệu căn nguyên gây ra các triệu chứng đó có phải là do một căn bệnh nào đó hay không. Nếu chỉ điều trị các triệu chứng bên ngoài, có khả năng nó sẽ lại tái phát hoặc khiến cho bệnh tình ngày càng chuyển biến xấu đi. Đối với phàn nàn của khách hàng cũng vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc đưa ra các giải pháp tình thế thì có thể trong tương lai sẽ lại phát sinh những phàn nàn tương tự hoặc những vấn đề nghiêm trọng hơn nữa.

Hãy thử lấy ví dụ khác: Tôi đã từng nhận được nhiều đề xuất của nhân viên về việc cải thiện điều kiện làm việc, trong đó có đề cập đến việc “Giảm thời gian làm ngoài giờ (OT)”. Trong trường hợp này, nếu chỉ đơn thuần đưa ra quy định “Cấm OT từ ngày mai” thì không mang lại nhiều hiệu quả bởi chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Thay vì thế, chúng ta cần làm rõ bản chất gốc rễ của vấn đề như: Thiếu nhân lực, hệ thống lỗi thời, hay do quy trình làm việc…

Chỉ khi đã hiểu rõ ngọn ngành thì chúng ta mới có thể giải quyết triệt để những vấn đề đang gặp phải.

Add a Comment

Scroll Up