tản mạn nghề IT, chút nhìn ra xa rồi lại gần
Nhờ viết blog, có lần tôi nhận được vài comment trên mạng từ một bạn trẻ có quan tâm đến chủ đề bài viết. Từ comment đến hẹn gặp online để trao đổi …, vài lần như thế là tôi có thêm một người bạn. Gần đây người bạn trẻ ấy công tác ra Hà nội, thế là chúng tôi có lần đầu tiên gặp nhau trực tiếp.
Bài viết này chia sẻ và mở rộng một vài điểm trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, để tiện trình bầy, xin gọi người bạn đối thoại của tôi là bạn D.
I. Hành trình ấn tượng của D.
Lần gặp này tôi mới được biết bước đường phát triển của D.. Từ một tester level thấp nhất trong dự án, hai năm sau bạn mày mò tự chuyển mình thành Developer, bảy năm sau nữa, giờ D. đã là Delivery Manager của một tập đoàn quy mô tầm cỡ, phụ trách 120 người.
Nhìn lại, bạn đã nỗ lực không ít, chắc chắn rồi. Thế nhưng điều làm tôi thấy ấn tượng và cảm phục hơn là trên quá trình vươn lên, D. đã luôn ý thức rõ cần phải tự thúc đẩy mình, vạch ra được mục tiêu phấn đấu nghề nghiệp, tự phân tích bản thân cần phát triển loại kinh nghiệm nào để đến đích, từ đó vạch ra kế hoạch và từng bước tích luỹ các kinh nghiệm phù hợp một cách chủ động để tiến lên các nấc thang mới trong suốt mười năm qua!
Khi còn làm tester D. đã thấy cần thay đổi sang vị trí gần gũi mà lại có nhiều cơ hội hơn là Dev. Khi đã trở thành Dev., một lần nữa D. lại thấy không phù hợp để làm lâu dài và vạch tiếp lộ trình tự vươn lên thành quản lý, đặt mục tiêu nhắm đến vị trí quản lý ở một tập đoàn IT lớn! Trên đường hiện thực hoá lộ trình đó, D. đã chủ động tìm cách trải nghiệm, thử thách rồi làm chủ các vị trí quản lý, từ thấp lên cao dần ở những công ty quy mô nhỏ hơn và giờ đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu!
Bản thân tôi cũng chưa từng có trải nghiệm quản lý ở quy mô lớn hơn 100 người, vì thế cuộc trò chuyện trở thành cơ hội để tôi lắng nghe những chia sẻ từ D..
II. Lợi thế vốn có của ngành IT Vietnam đang mất đi
Một điểm gây mà D. quan sát và đánh giá là:
Thực tế bao nhiêu năm qua ngành IT Việt nam, nhất là lĩnh vực outsource, nhìn đi nhìn lại cũng chỉ thấy có một lợi thế duy nhất là: Giá nhân công rẻ.
Có thể có người chưa đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên xin nhớ đây là nhận xét từ chính một người trong cuộc, trải nhiều năm lăn lộn với outsource, trực tiếp làm việc với và đi tìm kiếm các khách hàng nước ngoài. Dù đồng tình hay không, đây vẫn là điểm mà mọi người quan tâm đến ngành IT đều cần phải xem xét.
Nếu chưa đồng tình, ít nhất cũng phải nêu ra: vậy nếu không nói đến giá nhân công thì lợi thế của VN trong lĩnh vực này là gì? Là cái gì mà những thị trường nước ngoài hàng đầu của VN như Nhật, Mỹ…. công nhận? Ít lắm.
Và một điểm nữa là kể cả lợi thế này cũng đang dần mất đi. Những đối thủ mới xuất hiện như Indonesia …. đang có những bước tiến đáng kể ở thị trường Nhật là một vài dấu hiệu không thể bỏ qua khi đánh giá về lợi thế của ngành IT Vietnam.
III. Chi phí tăng và cơ cấu dân số
Giá nhân công IT của VN đã tăng lên tương đối, đó là một thực tế.
Có thể có một số người cho rằng về mặt vĩ mô, chỉ số lạm phát CPI bình quân của VN không lớn hơn mấy so với các nước Asean, vậy tại sao có thể nói Giá nhân công của VN tăng lên đến mức làm giảm lợi thế cạnh tranh?
Thực ra không nên nhìn vào CPI của cả nền kinh tế, mà cần nhìn cụ thể hơn vào mức tăng thu nhập trung bình của ngành IT. Nhiều năm liền báo chí đều xếp IT vào nhóm top lương thưởng, thực trạng thiếu nhân công dẫn đến các cty IT cạnh tranh nhau dùng lương cao để thu hút người làm thì ai trong ngành cũng rõ. Tôi còn nhớ một bạn tâm sự với tôi là từ khi các ngân hàng lớn ở VN đua nhau làm App thì tìm người code khó hơn hẳn và mức lương nền cũng trở nên cao hơn hẳn. Ngay ở công ty tôi các bạn trẻ 1-2 năm kinh nghiệm chuyển sang công ty khác với mức lương cỡ gấp đôi cũng không phải chuyện hiếm.
Đó chỉ là xét mức thu nhập của lao động trong ngành IT. Giá nhân công khi VN offer KH nước ngoài còn bao gồm cả những chi phí khác. Qua chia sẻ của D., tôi rõ hơn rằng bản thân giá bất động sản của VN, thứ thường xuyên lên cơn sốt, cũng là một yếu tố chi phí đáng kể. Giá thuê văn phòng tăng, chi phí vận hành các văn phòng tăng cũng góp phần khiến đơn giá (unit price) mà phía VN chào khách hàng tăng lên.
Tôi cũng đóng góp thêm với D. là theo các nghiên cứu, nền kinh tế VN nói chung và ngành IT nói riêng khoảng chục năm gần đây đã được hưởng lợi khá nhiều từ cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trẻ tham gia vào thị trường lao động dồi dào mỗi năm. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cơ cấu dân số này có thể sẽ sớm kết thúc và VN sẽ bước vào thời kỳ dân số già với nhiều gánh nặng an sinh xã hội cho người cao tuổi hơn. Nếu điều đó xẩy ra, sớm hay muộn nó cũng sẽ phản ánh tiêu cực vào đơn giá ngành IT VN đưa ra cho khách hàng nước ngoài.
IV. Tìm hướng đi mới
Nếu các nhận định trên đang tỏ ra là đúng, ngành IT Việt nam sẽ dựa vào điều gì để tiếp tục nối dài đà phát triển ấn tượng trong quá khứ? Ở đây, tôi và D. thống nhất là không nhìn thấy gì khác ngoài việc mà chúng tôi gọi là “nâng cao tiêu chuẩn trong công việc”. Chúng tôi không chọn “nâng cao chất lượng”, vì chất lượng chỉ là một yếu tố trong gói “tiêu chuẩn công việc”.
(Đến đây tôi liên tưởng đến một ngành khác của VN cũng đang tăng trưởng ấn tượng nhưng đồng thời đối mặt với các thách thức phát triển mới: Ngành nông nghiệp. Tương tự nông nghiệp, con đường của ngành IT phần nào chia sẻ đặc điểm: Từ xuất phát điểm Manh mún (dễ dãi và mù mờ) đi lên quy mô. Muốn phát triển quy mô thì chìa khoá là “tuân thủ quy luật thị trường”)
Tiêu chuẩn công việc phải được nâng lên và phải được nâng lên phù hợp với những yêu cầu mới của thời đại. Những tiêu chuẩn hướng đến chính là những từ khoá được nhắc đi nhắc lại trong thời đại hiện nay: Phát triển bền vững, phát triển xanh, giảm phát thải, bảo mật thông tin cá nhân, ứng dụng AI ….
V. Tư duy đối ứng khách hàng, một thực trạng
Vậy là: Nâng cao tiêu chuẩn công việc để tiến lên?
Như mọi khi: nói thì dễ, làm thì khó. Trong phần này thì tôi xin tâm sự dông dài một chút.
Bản thân tôi, từ kinh nghiệm công việc, hoàn toàn chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn mà các leader/ project manager gặp phải hằng ngày. Nhiều vấn đề đặt ra cả trong lẫn ngoài team, luôn cần đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng linh hoạt hơn, nhanh chóng hơn, sẵn sàng tư vấn cho khách hàng giải pháp thay thế….
Khách hàng thì có vô vàn câu hỏi: Tính năng X có release được ngày A không? Trong khi tính năng X mới chỉ có mấy dòng yêu cầu, thậm chí phương án infra sẽ dùng dkz server hay dùng online storage service hay dùng screen ….. hoàn toàn chưa chốt được, từng phương án vẫn còn đang estimate chưa xong …. Để trả lời mỗi câu hỏi như thế cần đặt ra cỡ 5 câu hỏi mới, mỗi câu hỏi đó đều cần mất công sức họp hành, điều tra, estimate đủ thứ trong khi những công việc hàng ngày khác vẫn phải làm không hề được chậm trễ!
Đối diện với hàng đống câu hỏi từ KH, hàng đống task mọc ra tua tủa như vậy người làm việc trực tiếp (contact point) với KH bị áp lực là đương nhiên. Lúc đó là lúc Contact point cần team hỗ trợ nhất. Nếu không đưa ra được giải pháp thì cũng phải có câu trả lời cho KH thế nào đó. Nhưng thực tế là không nhiều team làm được điều này.
Thường xuyên hơn là team trả lời các câu hỏi khá chậm, không đúng trọng tâm và cũng không có giải pháp gì cho khách hàng, KH càng hỏi thì càng rơi vào chờ đợi trong im lặng. Contact point thì sốt ruột, bản thân Contact point cũng đề xuất hướng này hướng kia để team xem xét, tất cả cũng chỉ để đưa ra tư vấn gì đó cho khách hàng, nhưng thường cũng chậm nhận được câu trả lời từ team, đặt hạn trả lời thì cũng chỉ nhận lại là: không biết, không chắc, có lẽ không được….
Thực trạng là như vậy. Dev. ở VN thường chỉ tập trung vào code, tức là công đoạn sau khi infra đã chốt, Spec đã chốt. Thế còn công đoạn trước đó: đưa ra phương án, đánh giá giải pháp, tư vấn khách hàng thì rất lúng túng. Mà trong thực tế những công đoạn này mới quyết định sự hài lòng của khách hàng, những người chỉ biết nghiệp vụ và chỉ có thể ra quyết định khi có các phương án kỹ thuật kèm theo chi phí rõ ràng (cả về tiền bạc lẫn thời gian, rủi ro ….).
Phía Dev. VN thì ngược lại, chỉ muốn tập trung vào code, thụ động và lúng túng khi cần đồng hành với KH ở các công đoạn upstream trước code. Khi được yêu cầu quyết liệt phải tham gia từ phía Contact point/ Product Owner (PO)/ Mgr, nhiều Dev. thấy ngợp và ngày càng trở nên phòng thủ, giữ thái độ rút lui, thậm chí nghỉ việc với lý do “Áp lực quá nhiều”, “yêu cầu của PO quá cao”. Bạn Dev. ấy đã không nhìn xa hơn được ông PO ngồi cách vài bàn làm việc để thấy nhu cầu, mong muốn thực tế là từ khách hàng chứ không phải do ông PO tuỳ tiện đặt ra. Chỉ nhìn nhận hạn chế như thế thì “Customer first” sẽ mãi chỉ là nói suông mà thôi!
Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo 🙂