Review sách “Tìm lại chính mình” – Tiến sĩ Menis Yousry

Tác giả: Tiến sĩ Menis Yousry là một trong nhà tâm lý học gia đình và xã hội nổi tiếng với chuyên ngành phát triển bản thân. Năm 2003 ông đã sáng lập ra tổ chức Essence. Các khóa học Essence mang đến những thay đổi sâu sắc và tích cực cho tất cả các học viên ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Khái quát: Cuốn sách này sẽ đưa bạn vào cuộc khám phá ý thức của bạn đã được hình thành qua những trải nghiệm của bạn với cha mẹ, với cội nguồn, những thế hệ trước với văn hóa và môi trường của bạn như thế nào. Để từ đó bạn sẽ biết cách giải phóng bản thân mình khỏi sự ảnh hưởng của quá khứ với cuộc sống hiện tại. 

Bộ não xã hội khiến chúng ta lầm tưởng về bản thân

Năm năm đầu đời là giai đoạn cài đặt những chương trình mà sau này chúng ta sử dụng. Tiềm thức của chúng ta ghi lại các thông tin từ tất cả những gì chúng ta nhìn, nghe thấy hoặc trải nghiệm từ cha mẹ và môi trường mà không có bất cứ sự phân tích hoặc suy xét nào trước khi nhập thông tin. Vì thế, các chương trình này có thể không chính xác. Khi nút được bấm bởi tác nhân kích thích từ môi trường của chúng ta, nó phát lại chương trình đã ghi và nó sẽ luôn phát lại chính xác theo đúng một cách. Ví dụ, nếu bạn đang đợi một ai đó và người đó đến muộn thì điều đó sẽ là tác nhân bấm cái nút phát lại một trải nghiệm không dễ chịu khi bạn bị bỏ rơi trong quá khứ. Điều đáng buồn là chúng ta không nhận thức được việc đó bởi vì tiềm thức có khả năng xử lí thông tin gấp năm trăm nghìn lần ý thức. 

Niềm tin mạnh hơn hiện thực

Đây là những lời cuối cùng tôi dành cho các bạn: Đừng sợ cuộc sống. Hãy tin rằng cuộc sống này đang sống và niềm tin của bạn sẽ giúp tạo ra hiện thực đó

Tiềm thức ghi nhớ và thẩm thấu cái cách những người gần gũi với chúng ta nhất phản ứng trước những tình huống, từ đó hình thành nên các trải nghiệm của chúng ta. Niềm tin là cách con người cảm nhận, thẩm thấu các trải nghiệm. Vậy nên chúng ta thường không nhận biết được tiềm thức của mình đã thẩm thấu tất cả những niềm tin của mọi người xung quanh như thế nào bởi vì chúng ta học cách sống của riêng mình và cách cư xử từ cha mẹ trong năm năm đầu đời khi mà chúng ta cứ đơn giản tiếp nhận thông tin. Chúng ta bộc lộ những niềm tin đó trong cuộc sống hàng ngày của mình nhất là khi chúng ta trải qua những thay đổi và thách thức trong cuộc sống. Nếu chúng ta không ý thức được về niềm tin của mình thì điều đó có thể hạn chế những thành công của chúng ta bởi vì chúng ta không thể đạt được bất cứ điều gì khi mà trong tiềm thức chúng ta nghĩ rằng mình không thể đạt được nó.

Tiến sĩ đã minh họa điều này qua hình ảnh những con voi ở Ấn Độ. Khi những con voi còn bé, chúng bị buộc vào những cây nhỏ để chúng không thể chạy trốn. Khi lớn lên chúng bị ngăn không cho trốn thoát bằng cách bị buộc dây thừng quanh chân mặc dù chúng có thể dễ dàng thoát khỏi cái cây, thoát khỏi sự trói buộc đơn giản đó. Tương tự như vậy chúng ta là tù nhân của niềm tin mà mình có và chúng ta không thể thoát ra được bởi vì chúng ta không biết rằng mình bị cầm tù trong nhận thức về hiện tại của chính mình.

Ký ức

Ký ức cho phép chúng ta biến một phản ứng thành một trải nghiệm. Ký ức gồm hai tầng, ký ức ẩn và ký ức hiện.

Ký ức ẩn là hoạt động nhớ lại điều gì đó nhưng không ý thức được mình đang nhớ lại nó. Nó là một dạng ký ức vô thức, chứa đựng những cảm xúc, những nhận thức và những phản ứng. Những ký ức vô  thức này có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm có ý thức của chúng ta. Chẳng hạn nếu một con chó cắn tôi hết lần này đến lần khác và tôi cảm thấy đau thì lần tới khi nhìn thấy một con chó tôi sẽ nhớ lại cảm giác đau đớn đó và có lẽ sẽ cảm thấy sợ chó.

Ký ức hiện là những ký ức tự nguyện (như điều này xảy ra với tôi khi đó). Ở dạng ký ức này có sự hồi tưởng thuộc ý thức. Con người ta chỉ hồi tưởng được số ít những sự kiện cá nhân xảy ra từ những năm đầu đời của mình. Nếu chúng ta không hiểu được trải nghiệm của mình trong những năm đầu đời thì chúng ta có thể cho rằng bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là do lỗi của bản thân, lúc bấy giờ, chúng ta không có bất cứ khung tham chiếu nào để xử lý và hiểu các sự việc. Ví dụ, nếu một đứa trẻ bị bỏ mặc trong thời gian dài khi còn nhỏ, phải chơi một mình với rất ít sự giúp đỡ hoặc sự khuyến khích của cha mẹ thì nó sẽ không hiểu rằng do cha mẹ không thể ở bên nó. Nó có thể thể cho rằng nó bị bỏ mặc là do lỗi của nó hoặc do cha mẹ phải tìm sự giải trí của riêng họ và không có thời gian cho nó. Thường thì những đứa trẻ này lớn lên với niềm tin rằng, mọi người không muốn ở bên chúng và rằng nếu muốn người khác dành thời gian cho chúng thì chúng phải làm hoặc cho họ thứ gì đó.

Lớp bảo vệ

Khi chúng ta có trải nghiệm đau buồn khi còn nhỏ, não bộ của chúng ta sẽ hình thành nên phản ứng sợ hãi. Những phản ứng sợ hãi sẽ được lưu trong ký ức ẩn. Từ đó não bộ phát triển Lớp bảo vệ. Ban đầu Lớp bảo vệ sẽ bảo vệ chúng ta nhưng khi chúng ta lớn lên nó lại chiếm quyền điều khiển và thống trị sự tương tác của chúng ta với người khác. Chúng ta trở nên giống như những diễn viên diễn xuất trên sân khấu cuộc đời. Sau nhiều năm diễn, chúng ta trở thành những diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch và tác giả của cuộc đời mình. Chúng ta bắt đầu tạo ra câu chuyện về người mà chúng ta nghĩ là bản thân mình, học thuộc lòng kịch bản và lãng quên con người thực của mình.

Add a Comment

Scroll Up