Review sách: Phong cách quản trị Park Hang Seo
Ngay lần đầu bắt gặp quyển sách này tại nhà sách, tôi đã cầm và đứng đọc say sưa. Hồi đó là khoảng năm 2018, khi men say chiến thắng của đội U23 vẫn còn váng vất trên toàn lãnh thổ Việt Nam 🙂
Ngay từ tựa đề “Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc”, bạn đọc có thể thấy đây là một tựa sách về kinh doanh, về triết lý quản lý trong kinh doanh. Thực tế, nó đúng là một quyển sách như vậy, nhưng trong sách không có những câu chuyện kinh doanh hay câu chuyện doanh nghiệp và cũng không giới thiệu một doanh nghiệp Hàn Quốc nào, thay vào đó, tác giả coi công tác huấn luyện của huấn luyện viên Park như công việc lãnh đạo một doanh nghiệp và “doanh nghiệp” ở đây chính là một đội bóng đá, cụ thể là đội U23 Việt Nam trong bối cảnh đi tham dự giải U23 Châu Á năm 2018 ở Thường Châu.
Cũng như một doanh nghiệp, một đội bóng cũng trải qua các giai đoạn hình thành, tuyển dụng nhân sự, gặp các trục trặc và có các sách lược cụ thể để vượt qua khó khăn hướng đến mục tiêu. Trong từng giai đoạn ấy, dấu ấn Phong cách quản trị của thầy Park được khắc hoạ khá rõ nét. Sau đây tôi xin tóm tắt nội dung từng phần cuốn sách.
I. Chuẩn bị
Câu nói “Chuẩn bị tốt đã là một nửa thành công” thật chẳng phải nói ngoa. Trong công việc, những nhà quản trị giỏi đều hiểu rõ tầm quan trọng và dành nhiều quan tâm cho công việc chuẩn bị
Và một công tác chuẩn bị tốt lại bất nguồn từ việc “chuẩn bị tinh thần”. Tâm thế người mới vào cuộc, thái độ cầu tiến và không nôn nóng nhưng kiên trì tiến lên làm nên một huấn luyện viên giỏi. Những yếu tố khác như Hậu cần chu đáo, Đặt ra mục tiêu thử thách, Tự tin đều góp phần cho công tác chuẩn bị. Việc đổi mới cũng rất quan trọng, nhưng với người mới, bí quyết là ta chỉ đặt ra và rèn luyện 1 thói quen mới có ích và dồn lực để thực thi bằng được.
II. Quản trị nguồn lực
Người tài, giờ ở đâu cũng thiếu người tài. Cũng vì thế mà tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài lúc nào cũng chiếm nhiều tâm lực của bất kỳ nhà quản lý nào. Sau khi tìm được rồi, để phát huy thì phải trao quyền cho họ, để trao quyền hiệu quả thì cần tin tưởng, tôn trọng quyết định của cấp dưới. Một nhà quản lý cũng cần phải chí công vô tư, không thiên vị hay ưu ái cá nhân, quan tâm đến mọi người đóng góp vào thành quả cuối cùng, kể cả những vị trí lùi sâu phía sau hỗ trợ, cả những cầu thủ dự bị không được vào sân. Và khi có thành quả thì ghi nhận công lao tập thể và thể hiện lòng biết ơn từ phía mình đến tập thể chứ tuyệt không vơ vào mình.
III. Vận hành chiến thuật
Phần này của cuốn sách tập trung nhiều nội dung nhất và cũng có nhiều câu chuyện thú vị nhất. Tôi thích những mẩu chuyện như “Mài sắc vũ khí”, “Thực dụng”, “Họp họp họp”. Bản thân tôi cũng hay nhấn mạnh với mọi người là thông thường khi còn trẻ nên Phát huy điểm mạnh trước, có thành công rồi thì hãy Hạn chế điểm yếu. Đầu tiên hãy làm thế nào trở nên Được việc đã, và nhớ cố gắng đóng góp cho giao tiếp teamwork. Những điểm khác như Địa phương hoá, Quyết đoán, có nguyên tắc cũng rất đáng để độc giả tham khảo.
IV. Tư duy Lãnh đạo
Là lãnh đạo, hãy đem lại những cách tiếp cận vấn đề sáng tạo, tích cực cho đồng sự, đồng nghiệp và bản thân hãy làm mẫu cho mọi người xung quanh chính những điều đó. Trang bị tư duy, đề cao trí tuệ và tìm ra những cách mới để phát huy tiềm năng của mọi người. Để vận hành tốt cả đối nội và đối ngoại, người lãnh đạo cũng cần kiểm soát tốt các luồng giao tiếp trong và ngoài tổ chức. Đây có thể là một điểm mà các tổ chức Việt nam thường chưa làm tốt so với các nước khác
V. Xây dựng tập thể
Một tập thể tốt cần dựa trên sự thấm nhuần của từng thành viên về các giá trị cốt lõi. Việc làm cho điều này xẩy ra là trách nhiệm của người lãnh đạo. Và một lần nữa các thói quen tốt trong một tập thể là rất cần thiết: Chia sẻ, nêu vấn đề, cảm ơn, các hoạt động tập thể và tinh thần hoà đồng là những yếu tố giúp cho một tổ chức chinh phục các thử thách trong dài hạn.
IV. Tạm kết
Cuốn sách là tập hợp các mẩu chuyện có thật xung quanh huấn luyện viên Park và hành trình tuyển chọn/ huấn luyện/ thi đấu của thế hệ vàng U23 2018 cùng với những đúc rút của trợ lý ngôn ngữ đội tuyển: Lê Huy Khoa. Được viết ra từ góc độ một người đồng hành cùng đội tuyển, bản thân những câu chuyện này thôi đã có sức thu hút riêng. Điểm đặc biệt nữa là những câu chuyện bóng đá lại được kể qua cách kể của một người không phải chuyên gia bóng đá nhưng có nhiều năm từng trải lăn lộn trong cuộc sống, người đọc, nhất là những người ở vị trí quản lý có thể có cảm giác gần gũi với những tình huống mang tính thử thách được đặt ra trong từng mẩu chuyện, từ đó ấn tượng sâu sắc thêm với những bài học được tác giả tổng kết.
Nếu bỏ qua vài chỗ còn diễn đạt lặp lại, cuốn sách là một tập hợp có giá trị các bài học mà bạn đọc có thể tham khảo và từ đó thử xem xét lại bản thân tổ chức của mình.