Tản mạn liên hệ giữa bán hàng và công việc hàng ngày
Từ khoảng 4 năm trước, để duy trì sở thích cũng như tìm kiếm công việc phụ, mình bắt đầu bán những món đồ chơi mô hình qua mạng. Trong thời gian đó có tích cóp được một vài trải nghiệm và liên hệ với công việc chính hàng ngày, xin được chia sẻ với anh chị em và các bạn.
Mẫu mã nhiều sẽ tăng số lượng sản phẩm bán ra
Ngoài trường hợp khách hàng chỉ muốn mua một sản phẩm đã xác định, còn lại họ luôn có nhu cầu dạo xem, so sánh giữa những sản phẩm có sẵn.Khách hàng càng có nhiều lựa chọn, khả năng bán được hàng càng cao.
Nếu bạn chỉ đưa cho khách hàng xem 1 sản phẩm, họ chỉ có 2 lựa chọn: mua hoặc không mua.
Nếu bạn đưa cho khách hàng 2 sản phẩm, lựa chọn chính của họ chuyển thành: mua sản phẩm 1 hoặc mua sản phẩm 2; lựa chọn thứ 3 (không mua) bị giảm đi.
Trong sản xuất phần mềm cũng tương tự như vậy, khi khách hàng đưa ra yêu cầu chức năng mới, họ sẽ rất vui nếu bạn có thể trình bày nhiều hơn 1 phương án thực hiện. Kèm theo nên có tư vấn rõ ràng về thời gian, độ phức tạp để đưa ra quyết định lựa chọn.
Sức mạnh của sự miễn phí
Miễn phí trong bán hàng có nhiều hình thức, phổ biến nhất là freeship, hoặc mua 1 được vài sản phẩm. Trong một số trường hợp tổng chi phí có thể không thay đổi:
Lý giải điều này đơn giản là việc có được một thứ gì đó miễn phí luôn tăng sự thoả mãn và thích thú của mỗi chúng ta.
Với các dự án phần mềm, một trong số những điều khiến khách hàng vui chính là được tặng thêm những giá trị ví dụ như:
+ bổ xung góp ý về nghiệp vụ
+ tiến độ nhanh hơn một vài ngày
+ tài liệu hướng dẫn sử dụng chi tiết của chức năng mới
Xả hàng, thanh lý
Không phải mọi sản phẩm đều có thể tiêu thụ dễ dàng. Những mặt hàng lỗi hoặc không hợp thị hiếu sẽ dồn lại chiếm không gian diện tích; khiến cho công sức đăng bài,
kiểm đếm tăng lên. Quan trọng nhất, số vốn bị tồn đọng sẽ khiến không thể mua tiếp sản phẩm mới.
Vì vậy, thi thoảng chúng ta thấy có đợt thanh lý, mục đích chính là để khai thông bế tắc.
Đối với công việc lập trình, định kỳ chúng ta nên có lịch rà soát, xử lý những vấn đề kỹ thuật như bug nhỏ, code thừa. Và ở mức cao hơn, các hoạt động hợp lý để xả đi những căng thẳng, lo lắng của công việc, căn bằng cuộc sống cá nhân là rất cần thiết.
“Sản phẩm này tôi cũng đang sử dụng”
Câu khẳng định này có sức thuyết phục bậc nhất đối với khách hàng. Khách hàng khi biết bạn đã sử dụng, biết các ưu khuyết của sản phẩm, họ sẽ tăng thêm đáng kể sự tin tưởng. Chính vì thế những video trên tay, clip trải nghiệm thu hút được nhiều lượt quan tâm hơn việc chỉ quảng cáo thông thường.
Về phía lập trình viên, rất ít khả năng có thể được sử dụng hệ thống như ở vị trí khách hàng. Thay vào đó bạn có thể tìm hiểu nghiệp vụ, yêu cầu của khách để hiểu họ thực sự muốn chức năng vận hành như thế nào, đưa ra các phương án thực hiện.
Đó cũng là cách thể hiện bạn đang đứng về phía họ, nỗ lực hoàn thành công việc.
Khẩu hiệu thay cho lời kết
Trong bất cứ hình thức nào, chúng ta phải xác định việc phục vụ để khách hàng vừa lòng luôn là mục tiêu khó khăn. Vì thế cần có tinh thần tập thể phối hợp nhịp nhàng, các cá nhân nỗ lực hoàn thành công việc.