Trending NFT. Vậy NFT là cái quái gì?
Thời gian gần đây chúng ta thường xuyên nghe nhắc tới Ê Lông Mớt, NFT, IDO platform, down trend, cá mập xả, vân vân và vân. Thị trường crypto giai đoạn này đang biến động mạnh với sự khơi mao từ thanh niên “trẻ trâu” (theo như ý kiến bà vợ) Mớt, rất nhiều người sợ hãi mà bán tháo, rút tiền chuyển qua kênh đầu tư khác. Nhưng thôi, ở đây rút hay tiếp tục bám biển thì chúng ta không đề cập đến. Tôi chỉ muốn cùng mọi người thảo luận về NFT – sau nhiều năm blockchain xuất hiện, giờ tôi mới cảm thấy sự ứng dụng của nó mang lại cho cuộc sống. Vậy giờ chúng ta cùng nghiên cứu, thảo luận về ông NFT này nhé.
NFT là gì?
NFT viết tắt cho cụm từ “Non-fungible token”, tức là các token không có giá trị thay thế lẫn nhau. Mình sẽ giải thích 2 vế của cụm từ này.
Đầu tiên là “token”. Anh em có thể hiểu đơn giản, chúng có cơ chế hoạt động như các tệp tin – ví dụ như jpg, gif, png,… – để lưu giữ thông tin và giá trị ở trên internet. Token mà chúng ta hay nói tới là các tệp tin lưu trữ trên các mạng lưới như Ethereum. Vì là các tệp tin trên các blockchain, nên các thông tin về chủ sở hữu hoặc các giao dịch của token đều được công khai minh bạch.
Tiếp theo, để hiểu về ý nghĩa của cụm từ “không có giá trị thay thế lẫn nhau”, đầu tiên mình sẽ giải thích cụm từ “có giá trị thay thế lẫn nhau”.
Các tài sản “có giá trị thay thế lẫn nhau” có nghĩa là chúng giống hệt nhau và có thể trao đổi cho nhau, ví dụ như một tờ 10.000VNĐ của mình giống hệt một tờ 10.000VNĐ trong túi anh em, 1 BTC của mình giống hệt 1 BTC của anh em. Vì thế, mình có thể đổi tờ của mình với tờ của anh em, đổi 1 BTC của mình với 1 BTC của anh em mà không ai thiệt hại gì.
Vậy, các tài sản “không có giá trị thay thế lẫn nhau” có nghĩa chúng mang ý nghĩa độc nhất, ví dụ như những cuốn sổ đỏ, những viên kim cương,… Mỗi viên kim cương có số cắt khác nhau, độ tinh vi, độ sáng và màu sắc khác nhau, còn mỗi căn nhà thì có kích thước, địa điểm, cơ sở vật chất xung quanh khác nhau. Nhưng kim cương hay sổ đỏ vẫn không phải NFT vì chúng không phải “token”, không phải “tệp tin”.
NFT phổ biến nhất trên thị trường crypto được chúng ta nhắc tới là các tác phẩm nghệ thuật điện tử.
Tính chất của NFT
Bởi NFT là cách để lưu trữ các tệp tin trên các blockchain, nên chúng sở hữu các đặc điểm cơ bản của token trên blockchain nói chung và các đặc điểm của NFT nói riêng:
- Tính độc nhất: Các token này là độc nhất, kể cả những người khác có tạo ra những tập tin y hệt thì chúng vẫn khác với những tập tin được tạo ra từ trước đó.
- Tính vĩnh cửu: Sự tồn tại của các token này là vĩnh viễn, kèm theo các thông tin trong token đó ví dụ như các tin nhắn, bức ảnh, âm thanh, hay các dữ liệu,…
- Có thể được lập trình: NFT cũng là các dòng code trên blockchain, và luôn luôn có thể xác minh được tác giả của NFT, kể cả tác phẩm có qua tay bao người sở hữu đi chăng nữa.
- Không cần được cấp phép: Đây là đặc điểm tùy loại NFT. Nếu NFT đó được tạo ra ở trên một mạng lưới blockchain mở, thì NFT đó cũng thừa hưởng đặc tính của mạng lưới là có thể được truy cập tùy ý.
- Tính sở hữu: Những người sở hữu NFT có toàn quyền quyết định sở hữu, sử dụng NFT đó.
Ứng dụng của NFT
Các ứng dụng của NFT trong Crypto hiện nay bao gồm:
- NFT có thể ứng dụng trong game (nhân vật, vũ khí, tính năng,..).
- Định danh tài sản.
- Tài sản số: Tức là có thể lưu trữ dữ liệu trong NFT cho nên khi sở hữu NFT thì anh em mặc nhiên sở hữu dữ liệu bên trong đó.
- Tài sản vật chất là yếu tố bên ngoài nên cần một cơ chế bảo chứng ID trên Blockchain, sở hữu, ví dụ bức tranh cổ vật,…
- Dùng để đấu giá.
- Chính phủ điện tử: Công nghệ có thể đáp ứng, nhiều nước áp dụng & tùy theo mỗi quốc gia & chính sách ban hành mà ứng dụng ra cộng đồng.
Ví dụ: Utility token có thể dùng làm tiền tệ, NFT để định danh con người, tài sản, đất đai,…
NFT có phải chỉ là Trend hay không?
Trend là xu hướng đang được thịnh hành, nó sẽ không bị mất đi nhưng có thể đi xuống trong một thời gian, khi nào thị trường bắt đầu quan tâm đến thì nó được coi là xu hướng, tương tự NFT hiện tại được xem là xu hướng là vì nó được cộng đồng quan tâm.
Giá trị của NFT
Hiện tại, NFT có giá trị về 3 mặt bao gồm:
- Giá trị về mặt bảo chứng: Bằng tài sản thật. Ví dụ: USDT, USDC được bảo chứng bằng đô la Mỹ thì NFT được bảo chứng trong game, tăng giá trị, độ hiếm của NFT đấy lên.
- Giá trị ứng dụng.
- Giá trị kỳ vọng: Thể hiện sự mong chờ của người mua, giá sẽ tăng lên trong tương lai.
Các giá trị trên sẽ không nằm ngoài nhu cầu của thị trường, người tham gia khi sở hữu một loại tài sản nào đó thì cũng mong nó sẽ tăng giá trị trong tương lai và đạt được lợi nhuận từ đó.
Những hiểu lầm thường thấy về NFT
Dưới đây, mình sẽ đưa ra vài hiểu lầm thường thấy của anh em về NFT:
Tại sao lại phải mua và sở hữu NFT thay vì chỉ cần chụp màn hình lại tác phẩm nghệ thuật đó?
Tất nhiên là anh em có thể chụp lại các tác phẩm nghệ thuật, in ra rồi dán nó lên tường nhà. Cũng giống như anh em có thể tải bức vẽ Mona Lisa về và dán lên tường nhà mình. Tuy nhiên, bức tranh của anh em không phải bức tranh Mona Lisa thật và không có giá trị. Bức tranh gốc được trả hàng trăm triệu đô còn bức tranh anh em in ra thì ai cũng có thể làm một bản copy như vậy.
NFT được định giá như thế nào?
Chắc chắn không phải NFT nào cũng có giá trị. Có rất nhiều NFT tạo ra mà không có giá trị, các NFT có giá trị hay không, qua thời gian, chúng sẽ được định giá bởi thị trường.
Các NFT “token hóa” đồ vật thật có còn giá trị nếu đồ vật đó hỏng?
Nếu các đồ vật thật bị hỏng, hư hại hay mất, thì các NFT sẽ chỉ còn chức năng xác minh người sở hữu NFT là chủ sở hữu cũ của món đồ đó.
Lời kết
NFT trong thời gian gần đây đã có một sự bùng nổ rõ rệt, bởi sự tham gia của rất nhiều KOLs nổi tiếng, bởi sự truyền thông của các tờ báo và sức mua của những nhà sưu tầm.
Liệu NFT có quay lại thời kỳ hoàng kim năm 2017? NFT 70 triệu đô vừa rồi có phải chỉ là bước khởi đầu của NFT để tiến tới cột mốc những giao dịch khổng lồ hơn?