Muốn mọi thứ trở nên dễ dàng hơn ? Hãy đến với Smart contract !
Trong những năm trở lại đây, những thuật ngữ như Blockchain, Smart Contract hay nổi bật nhất là Bitcoin nói riêng cũng như Cryptocurrency nói chung đang trở thành hiện tượng cũng như xu hướng trên toàn cầu. Đối với bản thân những người làm về công nghệ, những lĩnh vực này thực sự rất hấp dẫn và thú vị. Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ giải thích sơ lược về thuật ngữ Smart Contract cũng như tính ứng dụng của nó.
I. Blockchain.
Okey, để bắt đầu với bài viết này, chúng ta cần biết sơ qua về khái niệm Blockchain là gì ?
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phi tập trung, lưu trữ thông tin trong các khối (block) được liên kết với nhau bằng chuỗi mã hóa (chain) và có thể mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một đoạn mã chứa thông tin thời gian và dữ liệu. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Nghĩa là, một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Chúng ta sẽ không đi sâu vào lí thuyết về Blockchain trong khuôn khổ bài viết này.
II. Smart contract.
Trước hết, chúng ta cần hiểu “hợp đồng” là gì ?
Về cơ bản, hợp đồng là sự đồng thuận giữa hai hoặc nhiều bên về việc thiết lập, điều chỉnh hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ. Theo phương thức truyền thống, hợp đồng có thể tồn tại dưới dạng lời nói hoặc văn bản giấy tờ. Trong thời đại công nghệ hiện nay, hợp đồng cũng có thể tồn tại ở dạng kỹ thuật số.
Thuật ngữ Smart contracts (hay “hợp đồng thông minh”) được đưa ra bởi Nick Szabo – một nhà khoa học máy tính, nhà luật học và nhà mật mã học – vào năm 1994, ngụ ý khái niệm về một hợp đồng kỹ thuật số có thể tự động thực hiện lệnh bằng cách sử dụng các thuật toán mà không cần gặp mặt trực tiếp hoặc sự can thiệp của một bên thứ ba đáng tin cậy để thực hiện quy trình. Bản chất của Smart contract là là một ứng dụng hoặc chương trình chạy trên nền tảng blockchain.Nó giống như một hợp đồng kỹ thuật số bị bắt buộc thực hiện bởi một bộ quy tắc cụ thể. Các quy tắc này được do bộ mã máy tính xác định trước, và tất cả các node trong mạng đều phải sao chép và thực thi các quy tắc đó.
Các hợp đồng thông minh trên blockchain cho phép tạo ra các giao thức không cần dựa trên sự tin cậy. Tức là hai bên trong hợp đồng có thể đưa ra các cam kết thông qua blockchain mà không cần phải biết hoặc tin tưởng lẫn nhau. Họ có thể đảm bảo rằng nếu các điều kiện của hợp đồng không được thỏa mãn, hợp đồng sẽ không được thực thi. Ngoài ra, việc sử dụng hợp đồng thông minh loại bỏ nhu cầu đối với các bên trung gian, giúp giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Ví dụ, bạn muốn thuê một chiếc xe hơi. Bạn có thể trả tiền thuê bằng tiền điện tử qua Blockchain. Sau đó biên nhận sẽ được đưa vào một bản hợp đồng thông minh của phía người cho thuê. Chủ xe sẽ đưa bạn chìa khoá xe (key) vào một ngày nhất định. Nếu key đó không đến đúng thời hạn giữa 2 bên thống nhất, hợp đồng thông minh sẽ trả lại tiền. Nếu nó đến trước hạn, hệ thống sẽ giữ lại cả tiền và key cho đến kì hạn. Hệ thống trên hoạt động dựa trên mệnh đề “If – then” và được giám sát bởi hàng trăm người, vì vậy sẽ không thể có lỗi sai xảy ra trong việc giao nhận.
Nói một cách đơn giản, hợp đồng thông minh hoạt động như một chương trình có ràng buộc. Nó thực thi một tác vụ cụ thể trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện nhất định. Do đó, một hệ thống hợp đồng thông minh thường tuân theo các câu lệnh “if… else…” hay “if… then …”. Bất chấp tên gọi của nó, hợp đồng thông minh thựa ra không phải là một hợp đồng pháp lý và cũng không thông minh. Chúng chỉ là một đoạn mã chạy trên một hệ thống phân tán (blockchain).
Là một bộ mã có thể lập trình, hợp đồng thông minh có khả năng tùy chỉnh cao và có thể được thiết kế theo nhiều cách khác nhau để có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ và giải pháp.
Là các chương trình phi tập trung và tự thực hiện (self-executing), hợp đồng thông minh giúp tăng tính minh bạch và giảm chi phí hoạt động. Nếu được triển khai đúng cách, chúng cũng có thể tăng hiệu quả vận hành và giảm chi phí hành chính.
Hợp đồng thông minh đặc biệt hữu ích trong các tình huống liên quan đến việc chuyển hoặc trao đổi tiền giữa hai hoặc nhiều bên.
Nói cách khác, có thể thiết kế hợp đồng thông minh cho nhiều trường hợp sử dụng. Một số ví dụ bao gồm việc tạo ra các tài sản được token hóa, hệ thống bầu chọn, ví tiền mã hóa, các sàn giao dịch phi tập trung, trò chơi và ứng dụng di động. Cũng có thể kết hợp hợp đồng thông minh với các giải pháp blockchain khác để giải quyết các vấn trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ thiện, chuỗi cung ứng, quản trị, và tài chính phi tập trung (DeFi).
III. Tạm kết.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta đã có thế hiểu sơ lược các khái niệm về Smart contract cũng như tính ứng dụng của nó trong thực tế . Trong những bài viết tiếp theo, mình sẽ dần đi sâu hơn vào việc tạo ra một Smart contract như thế nào và các nền tảng phổ biến để ứng dụng nó. Peace !!!