Tiền điện tử là gì? Coin và Token
Bài viết này sẽ giúp anh em hiểu kĩ hơn về bitcoin và tiền điện tử – tài sản mà anh em sẽ đầu tư vào khi tham gia thị trường crypto và thấy được sự khác biệt giữa các loại tiền điện tử với nhau, từ đó anh em biết được hướng đầu tư của mình là gì?
Ở đây mình muốn làm rõ với anh em, đầu tư vào bitcoin cũng có nghĩa là anh em đang đầu tư vào một loại tiền điện tử, chính vì vậy, bài viết này viết về tất cả các loại tiền điện tử nói chung để khi anh em có đầu tư bất cứ loại tiền điện tử khác thì các kiến thức ở đây vẫn có ích với anh em.
Lịch sử ra đời tiền điện từ là gì?
Trong những năm 90s khi công nghệ bắt đầu bùng nổ, con người đã liên tục nỗ lực để tạo ra tiền tệ kỹ thuật số, điển hình là những hệ thống như Flooz, Beenz và DigiCash. Những dự án này từng vang tiếng một thời trên thị trường nhưng cũng đã mau chóng đi vào dĩ vãng vì một số lý do như: lừa đảo, vấn đề tài chính, thậm chí là do mâu thuẫn nội bộ của công ty phát triển.
Đáng chú ý hơn cả, tất cả các hệ thống đương thời đều áp dụng cách tiếp cận “Bên thứ ba tin cậy”, tức là tồn tại các công ty đứng đằng sau hệ thống để xác nhận và xúc tiến các giao dịch. Vì vậy, sự sụp đổ của các công ty đồng nghĩa với sự biến mất của đồng tiền kỹ thuật số.
Mãi gần hai thập kỷ sau, một lập trình viên ẩn danh (hoặc là một nhóm lập trình) có bí danh Satoshi Nakamoto đã giới thiệu Bitcoin. Satoshi mô tả đây là một hệ thống “tiền điện tử ngang hàng ”. Hệ thống này hoàn toàn phi tập trung, thức là không có sự hiện diện của máy chủ hoặc bên kiểm soát thứ ba. Ý tưởng này giống với mạng lưới P2P dùng để chia sẻ dữ liệu.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà bất kỳ mạng lưới thanh toán nào cũng phải giải quyết đó chính là “lặp chi” (double spending). Đây là một kỹ thuật lừa đảo bằng cách thực hiện hai giao dịch để chi tiêu cùng số dư của một tài khoản. Giải pháp truyền thống là dựa vào “bên thứ ba” – một máy chủ trung tâm – lưu giữ thông tin số dư và chi tiết giao dịch. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi người có thẩm quyền để giữ và kiểm soát thông tin cá nhân của bạn trong tay.
Trong một mạng lưới phi tập trung như Bitcoin, mỗi thành phần tham gia đều phải làm công việc này. Mọi thứ đều được vận hành qua Blockchain – một sổ cái công cộng ghi chép mọi giao dịch trong một mạng lưới mà bất cứ thành phần tham gia nào cũng có thể tiếp cận. Vì đó, mọi người trong mạng lưới có thể truy vấn số dư của tất cả các tài khoản.
Mọi giao dịch đều có dạng một tệp tin có chứa key công khai của người gửi và người nhận (các địa chỉ ví) và số lượng coin được dịch chuyển. Các giao dịch cũng cần được xác nhận bởi người gửi bằng một “mã khóa cá nhân” – private key. Tất cả những điều trên là lý thuyết căn bản của thuật toán crypto. Cuối cùng, giao dịch sẽ được đưa lên mạng lưới nhưng vẫn cần được xác nhận.
Trong mạng lưới tiền điện tử, chỉ có những thợ đào mới có thể xác nhận các giao dịch bằng cách giải các bài toán được mã hóa. Họ sẽ nhận các giao dịch, đánh dấu hợp lệ và phát tán ra toàn mạng lưới. Sau đó, mọi node của mạng lưới sẽ bổ sung vào cơ sở dữ liệu. Một khi giao dịch đã được xác nhận thì sẽ không thể xóa và đảo ngược quy trình. Thợ đào sẽ nhận được phần thưởng cộng với phí giao dịch.
Về cơ bản, mạng lưới tiền điện tử dựa vào sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các thành phần trong không gian để xác nhận tính hợp lệ của số dư và giao dịch. Nếu các node của mạng lưới không chấp nhận, hệ thống sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên, có rất nhiều luật lệ được xây dựng và lập trình vào trong hệ thống để giúp ngăn chặn rủi ro này.
Tiền điện tử có chứa tiền tố crypto chính là vì quy trình đồng thuận của cộng đồng được đảm bảo bởi một thuận toán crypto (mã hoá) an toàn. Cùng với những yếu tố đã được nêu trên, tiền điện tử trở thành một khái niệm khiến việc “đặt niềm tin vào bên thứ ba” trở nên hoàn toàn dư thừa.
Phân biệt tiền điện tử, tiền ảo và tiền mã hóa (crypto)
Tiền điện tử (tiền kỹ thuật số)
Hiểu một cách đơn giản, Tiền Điện Tử hay Tiền Kỹ Thuật Số (Digital Money) là cách thức thể hiện dưới dạng số hoá giá trị tiền pháp định của một quốc gia (ví dụ: đ, CNY, USD, EUR …). Đồng tiền này được đảm bảo bởi ngân hàng trung ương (NHTW) quốc gia đó hay các tổ chức tài chính chịu sự quản lý của NHTW.
Tại Việt Nam, Tiền Điện Tử đã và đang tồn tại trên thị trường dưới hai dạng thức chính gồm VÍ ĐIỆN TỬ và THẺ TRẢ TRƯỚC.
Tiền mã hóa (Tiền ảo)
Trong khi đó, Tiền Ảo hay còn gọi là Tiền Mã Hoá (Cryptocurrency) không phải là đồng tiền pháp định, không được phát hành hay bảo đảm bởi bất kỳ Chính phủ hay NHTW, cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kỳ quốc gia nào. Nó có hoạt động phân tán và mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hoá (ISO), Tiền Ảo là tài sản ảo có tính chất tiền tệ tức có thể sử dụng nó làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể.
Theo Quốc hội và Hội đồng của Liên minh Châu Âu (EU): “Tiền Ảo là thể hiện giá trị dưới dạng số. Giá trị này không được một ngân hàng trung ương hay một cơ quan nhà nước nào phát hành hay đảm bảo, nó không gắn liền với một đồng tiền pháp định nào và không có địa vị pháp lý của tiền tệ nhưng lại được chấp nhận bởi cá nhân hoặc pháp nhân như một phương tiện trao đổi. Nó có thể được chuyển đổi, lưu trữ hay giao dịch bằng phương thức điện tử”.
Trong bài viết này, mình sẽ dùng từ tiền điện tử để dễ dàng hơn cho anh em trong việc tìm hiểu nội dung bài viết.
Phân loại tiền điện tử
Anh em cùng mình tìm hiểu từng loại tiền điện tử hiện đang lưu hành trên thị trường để có cái nhìn tổng quan nhất cũng như nắm rõ tài sản mình dự định đầu tư hay đang nắm giữ thuộc loại nào để hiểu những tiềm năng của như rủi ro của nó.
Coin
Coin là gì?
Coin là loại tiền được ban hành và phát triển trên một blockchain riêng biệt và hoạt động độc lập. Coin ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề thanh toán, tài chính, bảo mật, phát triển ứng dụng…của chính blockchain đó.
Mỗi blockchain chỉ có 1 coin duy nhất.
Ví dụ: BTC của Bitcoin Network có coin là BTC, Ether của Ethereum ngoài ra còn có Cardano, Stellar, NEO, Litecoin, IOTA,…
Phân loại coin
Hiện tại có 2 loại coin phổ biến là Bitcoin (Coin Cap) và Altcoin:
Bitcoin
Là tiền mã hóa đầu tiên được ban hành, và được xây dựng trên Bitcoin Network. Ký hiệu BTC, Được coi là coin đứng đầu trong các loại tiền mã hóa và có được Sự chấp nhận của công chúng cao nhất với:
- Thanh khoản tốt nhất.
- Khối lượng giao dịch trung bình lớn nhất.
- Tiền mã hóa đứng đầu theo vốn hóa thị trường.
Altcoin
- Từ Altcoin là từ ghép của Alternative (Thay thế) và Coin để tạo thành “altcoin”, dùng để chỉ tất cả các loại coin/token khác ngoài Bitcoin, được xây dựng nhằm mục đích thay thế cho Bitcoin.
- Về mặt chức năng, hầu hết các Altcoin đều dựa trên Bitcoin và các chức năng cơ bản thì tương đối giống nhau.
- Một số Altcoin phổ biến nhất (dựa trên vốn hóa thị trường) là Ethereum (Altcoin đứng thứ 2 và có nhiều triển vọng thay thế Bitcoin), Tether, Litecoin,…
Token
Token là gì?
- Token là loại tiền được phát hành từ các dự án được xây dựng trên nền tảng Blockchain cụ thể. Nói cách khác, token được phát triển trên một nền tảng Blockchain của coin nào đó, như chúng ta thường thấy hầu hết các token sử dụng Blockchain của Ethereum theo tiêu chuẩn ERC-20. Ngoài ra, một số Token còn sử dụng nền tảng của Solana (SOL), Binance Smart Chain (BSC), Avalanche (AVAX) và cả Bitcoin.
- Một số token khi dự án phát triển đủ mạnh sẽ hướng đến phát triển một nền tảng Blockchain riêng cho chính token đó và khi ấy Token này được xem như là Coin.
Trong token có một loại token đặc biệt, được sử dụng vô cùng phổ biến trong lĩnh vực crypto đó chính là stablecoin, anh em cùng tìm hiểu thêm với mình:
Stablecoin là gì?
Stablecoin là loại crypto được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá (volatility).
Để làm được điều đó, giá trị của Stablecoin thường sẽ neo theo một loại tài sản có giá trị ổn định khác như tiền thật (fiat money), hàng hoá (vàng, bạc…) hoặc có thể là một đồng tiền điện tử khác.
Phân loại Stablecoin
Hiện tại, Stablecoin được phân làm 2 loại chính gồm: Thế chấp (Backed) và không thế chấp (Non-Backed).
Thế chấp (Backed)
- Là loại stablecoin được thế chấp bằng 1 loại tài sản khác có giá trị tương đương với số lượng Stablecoin đã được phát hành ra ngoài thị trường.
Ba loại stablecoin được thế chấp phổ biến nhất là
- Thế chấp bằng Fiat (Fiat-backed). Ví dụ: USDT, TUSD,.
- Thế chấp bằng hàng hóa (Commodity-backed). Ví dụ: Digix gold tokens (dgx),…
- Thế chấp bằng crypto khác (Crypto-backed). Ví dụ: OUSD, DAI, RSR…
Stablecoin không thế chấp (non-backed)
- Đây là loại Stablecoin không được thế chấp bất kỳ loại tài sản nào, hoàn toàn nhờ vào thuật toán và hợp đồng thông minh để quản lý cung- cầu token tương tự như cách các ngân hàng trung ương đang làm với tiền fiat. Ví dụ: Basis Cash, Empty Set Dolla, …
Coin và Token khác nhau như thế nào?
Về mặt tính năng
- Coin được coi như một phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị cho các mục đích thanh toán, đầu tư và phát triển của một dự án blockchain cụ thể, chính vì vậy mỗi blockchain chỉ có một loại coin nền tảng duy nhất.
- Token sở hữu đủ các tính năng của một đồng coin thường được các dự án xây dựng trên blockchain nền tảng ban hành, đồng thời có thêm nhiều tiện ích tùy thuộc vào từng dự án.
Khác nhau về mặt kỹ thuật
- Coin yêu cầu một nền tảng ví (Wallet) riêng và khi giao dịch gửi/nhận phí giao dịch sẽ trừ trực tiếp vào ví của coin đó.
- Token thì không có ví riêng mà nó sử dụng ví của đồng coin nền tảng và phí giao dịch sẽ trừ vào coin nền tảng (ví dụ như Ethereum).
Nguồn: https://coin98.net/cryptocurrency-la-gi