70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 8)

Nguyên tắc 16. Đôi khi phải mang trong mình nhiều nhân cách

Trên thế giới có rất nhiều các trường phái về lãnh đạo, nhìn vào những vĩ nhân trong lịch sử hay những doanh nhân thành đạt trong và ngoài nước, chúng ta ắt hẳn sẽ có những lúc hoài nghi về năng lực bản thân mình. Tôi cho rằng người lãnh đạo mang trong mình 2 nhân cách thì cũng không vấn đề gì, thậm chí có 2 nhân cách còn là điều tốt. Điều quan trọng là phải có một cái đầu lạnh, biết khi nào dùng tính cách nào để nhìn sự vật sự việc từ nhiều góc độ.

Ở Nhật Bản, những công ty ra quyết định sa thải hàng loạt nhân viên sẽ bị rêu rao bàn tán như thể vừa làm một việc tồi tệ. Ngược lại, người lãnh đạo đến bước đường cùng cũng quyết không sa thải nhân viên lại thường được ca ngợi, nhưng tôi thì không cho là như vậy.

Không phải sa thải nhân viên mà vẫn phát triển được thì đương nhiên là điều tốt nhất. Nhưng trong hoàn cảnh kinh doanh đi xuống và có khả năng sẽ không vực dậy được thì việc cắt giảm nhân sự để duy trì doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Đương nhiên doanh nghiệp chưa cố gắng để tái thiết mà đã đột ngột sa thải nhân viên là việc không tốt. Nhưng có không ít doanh nghiệp bỏ lỡ thời điểm tái cơ cấu dẫn đến phá sản. Để duy trì sự tồn tại của tổ chức, người lãnh đạo cần phải dung hòa giữa “Bao dung” và “Nghiêm khắc”. Ngày thường sẽ là sự bao dung ấm áp chăm lo nhân viên như gia đình nhưng khi cần thì phải có sự nghiêm khắc để bảo vệ team. Nếu chỉ luôn nhân từ thì ở những thời điểm cần phải quyết định lạnh lùng sẽ có thể tổn hại tới công ty. Nếu chỉ luôn khắc nghiệt sẽ không có ai muốn đi theo. Ví dụ như trường hợp công ty Yamaichi mặc dù từng được mệnh danh là “Công ty duy nhất đối xử tốt với nhân viên” nhưng cuối cùng họ đã bị phá sản. Người lãnh đạo giỏi là người biết sử dụng tính cách nào cho phù hợp với từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau.

 

Nguyên tắc 17. Đầu tiên hãy nghĩ đến tương lai nào mà bạn muốn tránh

Đa số những người khao khát thành công đều học theo những bí kíp của những người thành công đi trước. Tôi cũng đọc rất nhiều những cuốn sách của những người như vậy, và đến tận giờ tôi vẫn học hỏi được rất nhiều từ đó.

Tuy nhiên, là một kẻ khác người nên khi khởi nghiệp, tôi không nghĩ “làm cách nào để thành công” như những người khác mà chỉ nghĩ trước “làm thế nào thì sẽ thất bại”. Tôi đã tập hợp tất cả các thông tin về việc làm thế nào một công ty bị phá sản. Tôi đã từng đọc ở đâu đó là “Trong số những người khởi nghiệp, số người có thể tiếp tục kinh doanh sau một năm là 50%, còn số người có thể tiếp tục duy trì kinh doanh sau 10 năm chỉ còn 3%. Nếu điều đó là sự thật thì không kể đến các cuốn sách do học giả kinh tế hay nhà phân tích viết ra, những cuốn bí kíp thành công là từ 3% người thành công viết. Vậy nên tôi cho rằng so với việc học hỏi từ nhóm 3% những người thành công thì học hỏi từ 97% người thất bại kia có ý nghĩ hơn.

Theo những thông tin tôi thu thập được thì có 5 nguyên nhân chính khiến một công ty phá sản, tôi nghĩ đơn giản là tránh được 5 yếu tố này sẽ giúp công ty không bị phá sản:

1. Hối phiếu bị từ chối thanh toán → thực hiện giao dịch không dùng hối phiếu

2. Phá sản theo dây chuyền → dũng cảm từ chối bảo lãnh liên đới

3. Thiếu nguồn vốn → Ngăn chặn vỡ nợ bằng thanh toán trả trước và biện pháp quản lý dòng tiền.

4.Mất tín nhiệm (như bị ngân hàng siết nợ trước hạn) → chấn chỉnh lại, luôn kinh doanh một cách chân chính.

5. Người quản lý công tư không phân minh → Khi mới bắt đầu rất khó tránh việc công tư lẫn lộn nhưng trong quá trình phát triển công ty, phải xác định rõ phạm vi công – tư, giới hạn phạm vi để không gây ảnh hưởng xấu tới kinh doanh, dần xóa bỏ sự công tư không phân minh đó trong quá trình phát triển của công ty.

Tất nhiên đây chỉ là một vài nguyên nhân dưới góc nhìn của chuyên gia. Trước khi khởi nghiệp, với cách nhìn nhận này, có thể biết được rằng “nên tránh điều gì” , thông qua đó tư tưởng sẽ trở nên cực kỳ rõ ràng.

Chúng ta khi thử thách với những điều mới, đầu tiên hãy nghĩ đến mặt tích cực như “tôi muốn trở thành thế này”, “được thế này thì tốt biết bao”. Nhiều người khi khởi nghiệp có suy nghĩ “ chắc là khó lắm đây” hay “mình phải chịu áp lực nặng lắm đây” mà bỏ cuộc. Nhưng nếu thử nghĩ kỹ xem “tương lai nào mình muốn tránh”, rồi thu thập thông tin cẩn thận, rất có thể bạn sẽ bất ngờ tìm được điểm đột phá “nếu như thế này, mình có thể làm được”.

 

Add a Comment

Scroll Up