Hồi ức về bà
“Nhớ hoài nhớ mãi bà ơi!
Nhớ cây gậy gỗ, nhớ đời còn đây
Tóc sương muối bạc giờ này
Tình yêu thương ấy còn đây nhớ hoài …”
“Với nhiều người, bà luôn là người gần gũi, kề bên. Mỗi khi những trận đòn roi của bố mẹ, bà đều là người can ngăn. Hay những tờ tiền vo tròn, bà chắt chiu cũng đều cho cháu mua quà bánh,….”
Những ngày tháng khó khăn với bà
Hôm ấy, vào một trưa trời mùa hè, trời mưa tầm tã từ đêm hôm trước. Như thường lệ, sau khi ăn cơm xong tôi sẽ sang nhà bà để ngủ trưa cùng bà nhưng hôm ấy vì trời mưa quá to nên tôi đã ở lại nhà. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, khi tôi còn đang nằm trong nhà, ông vội vàng gọi tôi với một khuôn mặt hớt hải “Bà làm sao rồi, ông gọi mãi mà chẳng thấy bà ngồi dậy”. Lúc ấy, trong đầu chẳng còn suy nghĩ gì tôi vội vàng chạy thẳng vào nhà bà, nhìn bà nằm bất động trên giường, chân tay cứng nhắc và lạnh, tôi đột nhiên chẳng biết làm gì, chỉ biết đứng đó mà khóc. Một lúc sau, các bác tới rất đông, tôi bắt đầu lấy lại được bình tĩnh chạy lên giường nặn chân tay cho bà, rồi người bà ấm lại nhưng chân tay bà không cử động được. Bà đã bị tai biến liệt nửa người và bà chẳng thể nằm dậy được nữa. Bà chỉ có thể nói chuyện bằng những câu trả lời “có” hoặc “không”… Cho đến giờ tôi vẫn luôn tự dằn vặt mình về ngày đó.
Gia đình tôi từ khi biết tin bà bị như vậy, ai cũng u sầu, tất tả ngược xuôi để chăm sóc bà. Bầu không khí mỗi ngày một nặng nề. Tôi cũng có những nghĩ suy, lo lắng, nhưng không thể tâm sự nhiều với ai vì cả nhà đang quá nhiều việc phải nặng lòng.
Khi ấy, tôi còn là một cô sinh viên năm 3 đại học. Ở nhà được vài ngày, tôi lại phải ra trường để đi học. Đầu giờ chiều một ngày, chị tôi gọi điện cho tôi nói về thăm bà, bà yếu rồi, bệnh bà như thế khó có thể kéo dài được bao lâu nữa. Trên đường đi, tôi suy nghĩ miên man, lòng nặng trĩu nỗi buồn, thời gian trôi dường như nặng nề hơn. Tôi cứ có cảm giác mỗi phút qua đi, mình sẽ phải nghe điều không muốn nghe, sợ rằng điện thoại của tôi bất chợt reo, sợ rằng khi tôi về đã quá trễ. Tôi thật sự sợ nhưng không biết có thể làm gì, chỉ mong mình sẽ được thấy ngôi nhà của bà tôi còn yên ả.
Vừa đến nhà bà, tôi đã thấy rất nhiều người đến thăm bà, tôi vội chào rồi vào phòng bà ngay. Lúc ấy, mọi thứ xung quanh tôi như không tồn tại, tôi chỉ có thể nghĩ về bà. Người mà tôi từng ở bên suốt thời ấu thơ, người từng chăm lo tôi như cha mẹ, người chưa bao giờ quát mắng tôi mà chỉ dịu dàng dạy dỗ.
Khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc tôi thấy bà trên giường bệnh, như muốn bóp nghẹt tim tôi, như làm chân tôi khuỵu xuống. Bà nằm đó, thở khó nhọc, làn da vàng vọt của người bệnh cùng thân hình da bọc xương.
Người bà tôi từng biết có mái tóc dài hợp với gương mặt hiền hậu, có nụ cười phúc hậu luôn nở trên môi. Căn bệnh đã khiến bà ra như thế, nó đã cướp đi những gì đẹp nhất thuộc về bà.
Cố gắng truyền hơi ấm cho bà…
Bỗng một ngày tháng Giêng, bà chẳng còn ăn được nữa thậm chí là chỉ một thìa cháo. Gia đình tôi mới yên ắng được nửa năm mà… Lúc ấy, vào thời điểm dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra nên cả nhà tôi có thời gian ở nhà chăm bà.
Tôi phải dồn nén tất cả cảm xúc vào lòng, thật khó để làm điều đó, nhưng tôi vẫn cố gắng để mọi người và nhất là bà không vì tôi mà thêm buồn. Tôi ngồi sát bà, nhẹ nhàng nắm bàn tay gầy guộc để cố truyền hơi ấm của mình cho người bà yêu thương. Bà cũng nắm lấy tay tôi, dù rất nhẹ, rất yếu nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận.
Bà quá yếu rồi, thậm chí mở mắt cũng là một điều rất khó khăn. Tôi nhìn bà mà xót xa, bà không đáng bị đau đớn như thế, bà sống là con người nhân hậu, chẳng bao giờ dành thứ gì cho bản thân, luôn yêu thương người khác. Khó khăn, gian khổ một đời dồn lên vai bà, lẽ ra tuổi già được yên vui thì điều đau đớn này lại ập đến với bà!
Không thể giấu những giọt nước mắt
Tôi nhìn bà, vừa kể chuyện cho bà nghe, vừa lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, khó khăn lắm giọng nói của tôi mới không thành tiếng nấc. Tôi kể bà nghe về chuyện học hành, chuyện gia đình tôi, thi thoảng tôi lại chỉnh áo cho bà vì sợ bà lạnh. Cứ mỗi phút trôi qua, tôi càng thấy mình không thể giấu những giọt nước mắt này nữa.
Tôi xin phép ra ngoài phòng, tôi không muốn ai biết rằng tôi đã khóc nhiều thế nào! Tôi rửa mặt, rửa đi hai hàng nước mắt ướt đẫm khuôn mặt, nhưng tôi chẳng thể rửa trôi tâm trạng u buồn của mình. Tôi lại trở về phòng bà, nặng nhọc bước đến bên giường bệnh, xoa lên đôi tay gầy guộc đang trở lạnh dần.
Các bác cũng trò chuyện với bà để bà tạm quên đi bệnh tật. Chị tôi bảo: “Bà ơi, bà cố gắng khỏe để có thể gặp cháu trai sắp ra đời nhé”. Bà là người rất quý trẻ con, đứa bé nào trong gia đình tôi cũng đều một tay bà chăm sóc, nuôi dạy. Dù đã phải đứng bên cánh cửa sinh – tử, nhưng tận thâm tâm bà vẫn luôn nghĩ về những người bà yêu thương nhất…
Tôi vĩnh viễn mất bà
“Nay con về nơi ấy ngày xưa,
Bịn rịn tiễn đưa chiều mưa quê ngoại,
Gió ướt lạnh lòng con tê tái,
Xa ngoại rồi mãi mãi tới trăm năm.
Bao năm rồi con lại về thăm…
Ngoại không còn lòng con trăn trở mãi,
Ngoại đi xa rồi chỉ còn để lại,
Trong lòng con nỗi nhớ mãi không nguôi.
Nhớ ngày xưa âu yếm ngoại mỉm cười,
Thương yêu con mỗi lần về thăm ngoại,
Phần con bắp ngô ngoại trồng ngoài bãi,
Ngô ngọt ngào như tình ngoại, ngoại ơi…
Thương yêu con cháu suốt cả cuộc đời,
Lòng con mãi khắc ghi những lời ngoại dặn,
Xa ngoại rồi con tìm về hơi ấm,
Di ảnh người vẫn đằm thắm nhìn con…”
Tôi vĩnh viễn không còn được gọi hai tiếng “bà ơi” quen thuộc. Tất cả những điều bà dành cho tôi chỉ còn là quá khứ, một quá khứ nhân từ, tốt đẹp mà tôi sẽ giữ mãi cho riêng mình.
Sau ngày hôm ấy, bà rời xa chúng tôi vĩnh viễn! Nhớ thương bà, tôi u buồn rất nhiều ngày. Nhớ lời bà, tôi tự nhủ mình phải sống sao để mai sau không nuối tiếc, ân hận điều gì. Rằng tôi thật sự sống có ý nghĩa cho mình, cho người, chứ không chỉ tồn tại qua ngày. Đời bà vô cùng gian khó mà đã làm được điều đó. Bà không cần nói ra tôi phải thế này, tôi cần thế kia. Nhưng bà đã dịu dàng truyền những giá trị nhân hậu về cách làm người tử tế qua từng câu chuyện của bà, qua từng việc làm thiết thực.
“Con tìm Ngoại khắp chân trời,
Cho con bên Ngoại không rời nữa đâu,
Ầu ơ câu hát ví dầu,
Ngoại ơi Ngoại ở nơi đâu chưa về?”