Vượt qua nỗi sợ phát biểu trước đám đông

Phát biểu trước đám đông không chỉ là nỗi sợ của học sinh, sinh viên mà còn là của rất nhiều nhân viên văn phòng.

Tôi còn nhớ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi lần nghe tên mình bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ là giật mình thon thót, chữ nghĩa trong đầu bay hết, tim đập loạn xạ và cái kết thì luôn không có hậu 😀

Nhiều lúc tôi thấy ghét cái chân, cái tay mình vì nó cứ run bần bật, ghét cái giọng bình thường thì oanh vàng nhưng lúc nói trước đám đông thì trở nên lí nhí, khàn đặc…, ghét bản thân vì không dám hiên ngang nói lên ý kiến của mình!

Sau khi tốt nghiệp, tôi được tuyển vào một công ty của Nhật, và may mắn, tôi được cử sang Nhật đào tạo.

Có lẽ tôi vẫn sẽ là một đứa rụt rè, nhút nhát như vậy mãi nếu không phải trải qua một “thử thách” của công ty dành cho tất cả nhân viên bước sang năm thứ 2. Tôi phải báo cáo kết quả đào tạo và chia sẻ định hướng của bản thân sau 1 năm làm việc trước toàn bộ công ty hơn 1000 người…

Phải nói rằng đối với tôi, đó là cơn ác mộng mà chỉ nghĩ đến thôi tim tôi đã đập loạn xạ rồi 😀

Tôi đã nghĩ chắc tôi sẽ không đứng vững được, tôi sẽ quên hết nội dung đã chuẩn bị, tôi sẽ không nói được gì và mọi người sẽ cười, tôi sẽ xấu hổ ….blah blah

Ấy vậy mà cuối cùng thì tôi đã vượt qua và nhận được nhiều lời khen (khích lệ) từ rất nhiều đồng nghiệp. 😀

Từ dịp đó, mặc dù không phải thường xuyên phát biểu trước đám đông nữa nhưng tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Tôi không còn “ngán” đứng trước đám đông hay giơ tay phát biểu ý kiến nữa. 

Tôi đã vượt qua nỗi sợ đó như thế nào? Tôi xin tóm tắt lại những yếu tố thật sự đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ 🙂

1. Chuẩn bị nội dung kỹ càng

Chuẩn bị nội dung trình bày cẩn thận không những giúp bài phát biểu trở nên hấp dẫn mà nó còn giúp mình dễ nhớ, nhất là khi căng thẳng

2. Luyện tập nhiều lần

Nếu không phải là diễn giả 1 tuần phát biểu vài lần trước đám đông thì rất ít người có thể phát biểu 1 cách trôi chảy ngay lần đầu.

Luyện tập nhiều lần, nếu có thể thì hãy ghi âm và nghe lại sẽ giúp mình bớt run hơn, biết điều chỉnh âm lượng, nhấn nhá ở đâu, diễn đạt lưu loát hơn.

3. Liều thuốc tâm lý

Tâm lý trước khi phát biểu rất quan trọng, có thể nói nó quyết định 80-90% bài phát biểu thành công hay thất bại. 😀

Hãy gỡ bỏ áp lực

Hãy tự hỏi mình có gì phải sợ? ví dụ đối với mình, trên đời này chỉ có 2 thứ đáng sợ nhất đó là bị sao đó có thể dẫn đến cái chết và bị … đi tù!

Vì sao? vì 2 thứ đó nếu mắc phải thì không có cơ hội làm lại! Ngoài ra thì mọi thứ đều có thể sửa sai 😀 (cách AQ để trấn an tinh thần)

Mọi người sẽ cười nếu tôi phát biểu không tốt ư? Chả sao cả, tôi sẽ làm tốt hơn lần sau mà 🙂

Không so sánh mình với người khác

So sánh mình với người khác cũng chính là tạo áp lực vô hình cho bản thân vì thế đừng bao giờ dại làm việc đó, hãy làm tốt nhất có thể.

Hãy nghĩ đến phần thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành nhiệm vụ

Hãy nghĩ đến những nơi muốn đến, những thứ muốn ăn … sau khi kết thúc bài phát biểu.

Phần thưởng luôn là động lực khích lệ mình cố gắng hoàn thành mọi thứ càng sớm càng tốt :))

4. Cách giữ bình tĩnh trước giờ G

Hít thở thật sâu, thở ra thật chậm sẽ giúp ổn định nhịp tim, giúp mình đỡ run hơn

Cứ AQ rằng trước mặt mình toàn là … củ khoai, củ khoai thì vô hại, có gì mà sợ :))

Hãy nghĩ rằng cho dù kết quả thế nào thì chỉ vài phút nữa nó cũng kết thúc, mà thời gian thì như cái chớp mắt, nhắm mắt mở mắt là xong rồi. 😀

Đi đi lại lại 1 lúc cũng giúp lấy lại cân bằng, chân tay cũng nhờ đó mà bớt run, bớt thừa thãi =)))

Kết luận

Căng thẳng sợ hãi khi phát biểu là hiện tượng tâm lý bình thường và hoàn toàn có thể sửa được (trừ 1 số nguyên nhân do bệnh lý).

Hãy cầm bút lên, liệt kê các lý do khiến bạn cảm thấy căng thẳng và thử áp dụng các cách mình đã áp dụng ở trên nhé. 😀

Add a Comment

Scroll Up