Cuốn sách về xây dựng đội nhóm siêu ấn tượng
Nếu bạn đang làm việc trong một đội nhóm nào đó và có mong muốn xây dựng đội nhóm của mình làm việc một cách hiệu quả thì không nên bỏ qua cuốn sách 5 điểm chết trong Teamwork của tác giả Patrick Lencioni.
Với mình, đây là một cuốn sách mà mình thấy giá trị và thích nhất từ trước tới giờ về lãnh đạo và xây dựng nhóm. Cuốn sách chỉ dày khoảng hơn 200 trang nhưng đã truyền đạt đến người đọc phương pháp xây dựng nhóm hết sức đơn giản, thực tế, gần gũi, dễ hiểu và dễ tiếp cận. Cuốn sách đã vượt xa mong đợi của mình.
Bản thân mình thực sự bị cuốn hút vào cuốn sách ngay từ lúc bắt đầu mới đọc. Mình đã rất ấn tượng với một câu nói trong lời giới thiệu ban đầu của cuốn sách này:
“Nếu anh có thể làm mọi người trong công ty đồng lòng hướng đến mục tiêu chung thì anh có thể thống lĩnh bất kỳ lĩnh vực nào, trong bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào và tại bất cứ thời điểm nào“.
Mình đã ngồi đọc một mạch từ đầu đến cuối và không thể dừng lại bởi cách mở màn bằng một câu chuyện hết sức lôi cuốn, cao trào đi từ thấp tới cao với những tình tiết gây cấn đến mức kịch tính, làm người đọc không khỏi tò mò. Và cũng thông qua các tình huống cụ thể trong câu chuyện, tác giả đã khéo léo gắn kèm mỗi điểm chết trong đó để người đọc dễ hình dung, liên tưởng.
Cuốn sách mở đầu bằng câu chuyện về một công ty startup trong lĩnh vực công nghệ. Công ty này đã khá thành công trong 2 năm đầu, sở hữu một đội ngũ điều hành dày dạn kinh nghiệm nhất, các kỹ sư tài năng nhất, nhiều nhà đầu tư cao cấp nhất và với mức lương khủng nhất. Nhưng chỉ sau 2 năm đó, công ty này bắt đầu gặp phải một loạt các sự kiện đáng thất vọng đến nỗi vị CEO đồng thời là người sáng lập công ty phải từ chức và xuống đảm nhận vai trò Giám Đốc Phát Triển Kinh Doanh. Và câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu xảy ra khi vị chủ tịch công ty này chiêu mộ một vị CEO khác là nữ – tên là Kathryn – 57 tuổi và không phải là người có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực công nghệ. Bà Kathryn trước đó là một nhà quản lý truyền thống thuộc môi trường lao động sản xuất. Và tất cả các thành viên trong hội đồng quản trị đều tỏ ra nghi ngại về năng lực của bà, còn vị chủ tịch công ty thì lại luôn tin rằng bà chính là ứng viên hoàn hảo và có tài năng nhất trong việc xây dựng đội nhóm – điều mà công ty đang cần nhất lúc này.
Hai tuần đầu làm việc với vai trò CEO trong công ty, bà Kathryn chỉ dành thời gian dạo quanh các sảnh, trò chuyện riêng với nhân viên trực tiếp dưới quyền, và lặng lẽ quan sát các cuộc họp mà bà tham dự. Điều làm cho mọi người ngạc nhiên hơn là trong lúc công ty đang bị xáo trộn và có quá nhiều việc cần phải làm, bà lại thông báo một loạt các chuyến nghỉ dưỡng kết hợp làm việc 2 ngày kéo dài ở thung lũng Napa dành cho ban điều hành trong vài tháng tới.
Trong ngày họp đầu tiên tại thung lũng Napa, bà Kathryn đã dẫn dắt và lần lượt chỉ ra 5 điểm chết một cách tự tin và đầy thuyết phục để mọi người trong nhóm thấy được. Sau đó trong buổi họp thứ 2, bà cùng cả nhóm đã thiết lập mục tiêu tổng quát cho cả năm bằng cách áp dụng các cách khắc phục của 5 điểm chết mà bà đã chỉ ra trong buổi họp đầu tiên. Và sau khi quay lại công ty để thực hiện mục tiêu này, nhóm đã phải chấp nhận sự ra đi của JR- trưởng phòng kinh doanh vì tự bản thân cảm thấy không còn phù hợp với hiện tại, rồi tiếp đến là sự ra đi của Mickey – một nhân tài phòng Marketing đã buộc phải thôi việc vì luôn thể hiện thái độ ko tôn trọng đồng nghiệp, ko cởi mở lòng mình.
Sự ra đi của 2 người kia những tưởng sẽ làm ảnh hưởng đến ban điều hành, nhưng bằng sự cố gắng và thấm nhuần 5 điểm chết trong tinh thần làm việc nhóm, sau 3 tháng toàn bộ ban điều hành đã thay đổi hoàn toàn và đưa doanh số công ty tăng lên vượt bậc những năm sau đó.
Kết thúc câu chuyện, tác giả khái quát hóa bằng cách đưa ra mô hình 5 điểm chết: Thiếu sự tin tưởng -> Sợ xung đột -> Thiếu cam kết -> Trốn tránh trách nhiệm -> Không quan tâm đến kết quả.
Năm điểm chết này tạo thành một mô hình gắn kết chặt chẽ với nhau, đến mức chỉ cần một điểm chết còn tồn tại thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của cả đội. Và với mỗi điểm chết, tác giả chỉ ra nguyên nhân – biểu hiện – rồi đưa ra các cách để khắc phục.
Nếu hỏi mình Điều gì trong cuốn sách khiến bạn ấn tượng, thì đó chính là cách dẫn dắt và cách đưa ra câu hỏi trong 2 ngày họp của bà Kathryn ở thung lũng Napa, bản thân bà không hề có chút kinh nghiệm quản lý gì trong lĩnh vực công nghệ, một mình đối mặt với toàn bộ ban điều hành cũ của công ty không hề ủng hộ bà một chút nào. Vậy mà bằng cách dẫn dắt tài tình và cách thuyết phục đầy tự tin trong 2 cuộc họp bà đã cho mọi người thấy được tài năng quản lý đáng kinh ngạc của mình.
5 điểm chết tác giả chỉ ra rất cơ bản, không có gì là mới mẻ và hầu hết bất kỳ ai hay đội nhóm nào cũng đều gặp phải nhưng việc giải quyết nó lại cực kỳ khó khăn. Những biểu hiện và các cách khắc phục mỗi trong 5 điểm chết này mà tác giả đưa ra ở phần cuối cuốn sách thực sự là kim chỉ nan để các đội nhóm ứng dụng được vào trong thực tế.
Mình đã thực sự học được rất nhiều điều thông qua việc đọc cuốn sách này:
- Hiểu được 5 vấn đề cơ bản và cốt lõi trong teamwork dẫn đến hiệu suất của nhóm chưa tốt
- Biết được nguyên nhân, biểu hiện và các cách để khắc phục mỗi điểm chết này
- Thấy được hình ảnh của mình/đội nhóm mình thông qua mỗi nhân vật được nói đến trong câu chuyện
- Hiểu được việc loại bỏ một thành viên chuyên môn tốt sẽ ko là vấn đề nếu thành viên đó ảnh hưởng đến hoạt động chung của đội nhóm
- Những cuộc họp nhàm chán, không có sự tranh luận và không dẫn đến một quyết định nào cả sẽ là một vấn đề
- Trước đó mình cũng đã từng có ý nghĩ ” người quản lý thường phải là người có kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực mà đội nhóm đang làm“. Nhưng qua việc đọc cuốn sách này mình mới biết đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Việc quan trọng nhất đối với một người quản lý là cần phải biết cách quan sát, nhìn nhận, phát hiện và đánh giá, giải quyết các vấn đề của đội nhóm.
Hi vọng thông qua những cảm nhận của mình về cuốn sách 5 điểm chết trong teamwork này, sẽ giúp mọi người có được một cái nhìn tổng quan về nội dung và giá trị của cuốn sách.