tản mạn vì sao lớp ngoại ngữ trong công ty IT hay fail
bài viết thể hiện quan điểm cá nhân
viewer discretion is advised
tiếp theo bài trước
Một trong những vấn đề thường xuyên đặt ra trong câu chuyện ngành IT Việt Nam là hạn chế về khả năng ngoại ngữ. Để làm việc với khách hàng (KH) nước ngoài, mọi công ty IT ở VN đều cần tìm kiếm và duy trì một đội ngũ nhân viên thành thạo tiếng Anh, tiếng Nhật …. để đảm trách vai trò contact point. Mặc dù mô hình này đã khá lâu đời và bộc lộ nhiều vấn đề nhưng chưa có mô hình thay thế vì mặt bằng ngoại ngữ chung của các Dev. người Việt vẫn đang …. thấp “bền vững”. Một điểm rất liên quan mà tôi và D. đã trao đổi, đồng ý với nhau ở đây lại là một thực tế khá thất vọng.
VII. Không thể “dạy” ngoại ngữ
D. chia sẻ câu chuyện bạn từng phụ trách một chương trình nâng cao trình độ tiếng Anh cho nhân viên ở một công ty trước đây. D. đã làm rất cẩn thận từ khâu chọn giáo án, chia lớp, lên lịch, đặt ra mục tiêu, KPI …. Khỏi phải nói cũng đoán được là lần đó công ty ấy đã quyết tâm đầu tư thế nào.
Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực…., kết quả lại không như mong đợi cả về số lượng người đạt KPI cũng như khả năng phát huy tiếng Anh vào thực tế công việc.
Sau trải nghiệm đắt giá đó, những lần khác khi được yêu cầu làm một chương trình tương tự hoặc thậm chí chỉ là yêu cầu phụ trách một lớp dạy tiếng Anh nho nhỏ trong cty, D. đều …. từ chối.
Bản thân tôi cũng từng từ chối nhiều yêu cầu dạy tiếng Nhật trong công ty, để những bạn tiếng Nhật cũng như trình độ sư phạm hạn chế hơn bản thân đứng lớp. Và không ngoài dự đoán của tôi, những nỗ lực như vậy đều teo tóp đi theo thời gian và về sau chẳng ai còn nhớ đến những thay đổi mà chúng đã tạo ra. Những lớp học công ty bỏ tiền ra thuê trung tâm (có tiếng) bên ngoài vào dạy cũng chung hành trình teo tóp dần đều như thế cả.
Do quá rõ những hạn chế của những phong trào kiểu lớp học như trên, tôi cũng từng tự mình thử nghiệm hình thức mới như mở câu lạc bộ open: không áp lực, agenda linh hoạt tối đa, kiểu kết hợp vừa free talk (nói chuyện tự do) vui vui vừa học hành một chút….
Điều D. rút ra và chia sẻ với tôi là kết quả của những nỗ lực kiểu này phụ thuộc lớn vào một điều:
Khao khát của chính người học
Khi không có đủ khao khát, cho dù ta dùng cách khuyến khích hay bắt buộc, rốt cuộc D. nhận thấy rằng “họ chỉ học một cách đối phó và sẽ viện dẫn đủ mọi loại lý do khi không đạt mục tiêu”!
Ngẫm lại, cả tôi và D. từ khi là người học cho đến lúc là người dạy, đều có loại khao khát này.
Và có thể tôi xin bổ sung một điều cần thiết nữa ở nơi người học: Khả năng tự học.
Có lẽ việc training chỉ khi người học hội tụ được cả hai thứ: khao khát và kỹ năng tự học. Người dạy cũng chỉ có thể thành công khi khơi gợi được khát khao và xây dựng được kỹ năng tự học nơi người học. Trong môi trường công sở, điều đó rất hiếm. Thực ra hầu như không thể xây dựng niềm khát khao (tham khảo nguyên tắc: không dùng sức của mình để kéo người khác), niềm khao khát phải có sẵn trong người học ở một mức độ nhất định.
Những người có đủ khao khát và kỹ năng tự học, sớm muộn cũng sẽ gặp được sự dậy dỗ mà họ tìm kiếm. Còn không, nỗ lực kéo trình độ ngoại ngữ của người ấy lên thật không hiệu quả.
Kết luận này có thể gây bất ngờ với một số độc giả. Nhưng có lẽ ta phải nhìn nhận thẳng thắn thực tế ấy để tránh đi lại vào vết xe đổ.
Như lời một manager đồng nghiệp của tôi (sau nhiều năm phỏng vấn đầu vào và đào tạo vị trí Comtor.) từng nói thẳng quan điểm của mình:
Có hai thứ không thể dạy sau tuyển dụng : Ngoại ngữ và cách Tư duy