Một bài viết về “Tình yêu đích thực”

Tôi còn nhớ ngày bé, đoạn kết của những câu chuyện cổ tích mẹ kể là “Và thế là họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi”

Chà, tình yêu là phải như vậy chứ, một tình yêu đẹp thì phải tồn tại mãi mãi. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều nghĩ như vậy.

Trên thực tế thì mọi chuyện chưa chắc đã như vậy. Có những mối quan hệ tưởng chừng viên mãn, sẽ ở bên nhau mãi mãi, chẳng ai mảy may nghi ngờ về tính dài lâu của câu chuyện đó cho tới một ngày nó đột ngột tan vỡ. Phía bên kia bán cầu cặp đôi Brad Pitt và chị Angelina Jolie vừa kết thúc, ngay Hàn Quốc rất gần chúng ta cặp đôi Song Song (Song Hye Kyo – Song Joong Ki) cũng bất ngờ chia tay, thậm chí ngay trên Facebook có cặp đôi trên NEU CFS yêu nhau cả chục năm bỗng chia tay nhau chỉ vì chuyện rửa bát. Xã hội này điên thật rồi à? Trên đời này tình yêu đích thực còn tồn tại không?

Cơ mà bạn biết đấy, Đích thực Vĩnh cửu là hai từ hoàn toàn khác hẳn nhau.

Nếu tình yêu được định nghĩa là phải kéo dài mãi mãi thì cái “kết sớm” của nó sẽ bị mặc định là đắng cay, đau khổ, và để lại những vết sẹo lớn trong tâm hồn. Yêu là mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho người kia, nhưng khi cam kết về một cuộc sống hôn nhân “mãi mãi về sau”, bạn đã vô tình buộc tình yêu thương của mình vào những sợi dây của muôn vàn áp lực. Áp lực từ những việc như duy trì mối quan hệ tốt đẹp với gia đình hai bên, cùng nhau “đút lợn” vì một tương lai mua nhà, sinh con cái để nối dõi, thậm chí từ bỏ ước mơ của bản thân để gây dựng tương lai cho cả hai.

Khi không bị ám ảnh bởi những lo lắng về một mối quan hệ lâu dài, mỗi cá nhân sẽ có thêm thời gian dành cho những khoảng riêng tư của bản thân. Đó là lúc học thêm những gì mới, hình thành những mối quan hệ mới, đọc sách, hoặc đơn giản là suy nghĩ lại về những gì đã trải qua của bản thân. Đó là những ngày nằm dài trên giường thả mình vào những suy nghĩ vô định mà không cần phải giải thích mình đang thế nào, có ổn không, sẽ làm gì với bất cứ ai. Có một nửa không đồng nghĩa với chỉ sống trong thế giới tình yêu của hai người, tôi biết những cặp đôi khi yêu họ tự thu mình vào thế giới của hai người và cấm người kia giao lưu mở rộng mối quan hệ hay làm điều mình muốn. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc cả hai sẽ cảm thấy nhàm chán và bắt đầu đổ lỗi cho nhau thay vì tự nỗ lực để làm mình thú vị hơn. Sự không ràng buộc tạo cơ hội sống thật với chính mình cho đôi bên. Nó tạo điều kiện cho mỗi người thực sự hiểu mong muốn của mình và đối phương để quyết định gắn bó trọn đời là hoàn toàn tự nguyện.

Tôi từng hỏi một người chị tên QuỳnhLP về tình yêu khi chuyện tình của tôi đã tới bờ vực của sự cãi vã, chỉ trích. Chị đã nói với tôi một câu rất tâm đắc:

“Với chị, trong tình yêu chỉ có BỎ ĐƯỢCKHÔNG BỎ ĐƯỢC. Nếu đã không bỏ được thì cãi nhau để mà làm gì, có bỏ được nhau đâu?”

Vậy tóm lại là...

Đừng tạo áp lực cho nhau về một chuyện tình hạnh phúc mãi mãi về sau. Đừng tự dằn vặt bản thân và người mình yêu rằng tại sao “Có phải anh/em không còn yêu em/anh nữa?”.

Điều nên làm là trân trọng những phút giây quý giá ở bên nhau, khi bạn tôn trọng, thành thực, chung thuỷ, thẳng thắn với đối tác của mình. Có những chuyện tình đôi khi chỉ kéo dài 1 tháng nhưng lại luôn làm ta nhớ mãi, với tôi đó cũng có thể là tình yêu đích thực vì cả 2 đã dành hết những gì tốt nhất cho nhau trong suốt thời gian ngắn ngủi ấy.

Việc chúng ta kết thúc một cuộc tình không phủ định những giá trị tốt đẹp mà hai người đã cùng xây đắp. Một chuyện tình tan vỡ không cần thiết phải do lỗi của một trong hai người hoặc cả hai. Người ấy rất tốt, mình cũng vậy, không phải lỗi của ai cả, cả hai đã có một quãng thời gian tuyệt vời bên nhau. Giờ là lúc học cách chấp nhận và đi tiếp.

Nếu bạn đọc hết những dòng này và trong đầu nghĩ tới một người, hãy chạy đi, chạy tới bên người bạn yêu, hãy nói bạn yêu họ, nắm chặt lấy tay họ, đừng ngần ngại, đừng lo lắng về tương lai dài lâu.

Hãy yêu – thương – và trân trọng.

“Trắng, xanh, đen, hồng, đỏ
Màu gì anh cũng yêu
Vì em là như thế
Cớ sao chọn một màu.”
One Comment

Add a Comment

Scroll Up