70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 7)
Nguyên tắc 14: Tuyển dụng cấp dưới giỏi hơn mình
Giả sử bạn đang phỏng vấn và đây là vòng cuối, chỉ còn 2 ứng viên. Ứng viên A là người vô cùng thông minh, xuất sắc, nhưng lại là tuýp người mà sẵn sàng ý kiến nếu mình nói điều gì đó sai. Ứng viên B là người tuy không xuất sắc bằng ứng viên A nhưng lại là kiểu YES MAN, dễ bảo. Bạn sẽ chọn ai trong 2 người đó làm cấp dưới của mình?
Mặc dù bây giờ Septeni đang hoạt động trong lĩnh vực internet nhưng lúc mới khởi nghiệp thì chuyên về tư vấn tuyển dụng nhân sự. Với kinh nghiệm có được thì tôi cho rằng dù bạn chọn ai thì cũng không sai. Sự thật cũng có quan điểm không nên tuyển dụng những ứng viên quá ưu tú như A. Đặc biệt, lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tránh tuyển những nhân viên có nguy cơ trở thành “con dao hai lưỡi” đối với công ty. Việc người nắm quyền tuyển dụng không tuyển những ứng viên xuất sắc vì lo sợ những người đó sẽ đe dọa đến vị trí của mình mới chính là vấn đề.
Tuyển dụng cấp dưới giỏi hơn mình để bản thân trưởng thành hơn là cách nghĩ không thể thiếu của một người lãnh đạo. Đúng là khi có thêm người giỏi thì vị trí của mình có thể bị lung lay, nhưng việc có cảm giác lo lắng đó lại vô cùng quan trọng. Khi luôn tâm niệm “Có thể sẽ bị thay thế” thì chúng ta sẽ luôn nỗ lực để không bị thua, nhờ đó mà trưởng thành hơn. Chính vì thế mới có câu “Con người càng được cọ xát thì càng trưởng thành”.
Khi hỏi những người quản lý lúc nào cũng bận rộn là “Vì sao anh không giao việc cho nhân viên?” thì thường nhận được trả lời là “Việc đó quá khó với anh ấy/cô ấy”. Khi nhìn nhân viên chưa có kinh nghiệm họ thường cho rằng “Việc này mình làm thì được chứ nhân viên thì không thể”. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về việc quản lý thì làm được mà nhân viên thì không. Chưa biết có làm được hay không nhưng trong đầu cứ nghĩ là “không thể” ngay cả khi còn chưa giao việc cho cấp dưới chỉ chứng tỏ là người quản lý (manager/ leader) đang còn thiếu phẩm chất lãnh đạo. Cấp dưới của những người lãnh đạo như vậy làm sao có thể trưởng thành?
Những quản lý cho rằng “quá sức với cấp dưới” chắc hẳn là cũng đã từng bị cấp trên đánh giá như vậy khi mới vào công ty. Chính vì được giao việc mà những người này mới có được trải nghiệm thành công. Tôi luôn khuyến khích việc giao trọng trách cho nhân viên bởi tôi cho rằng “cấp dưới cũng có thể giỏi hơn mình”.
Nguyên tắc 15: Giữ cam kết với chính mình
Người được việc là người có rất nhiều việc trong tay. Các bạn, những độc giả của cuốn sách này có thể cũng đang chạy theo schedule dồn dập hàng ngày. Tuy nhiên, hãy cùng nhìn lại để xem vì sao việc “Giữ cam kết” lại là điều đương nhiên nhé.
Mỗi chúng ta từ khi còn nhỏ đã được dạy về tầm quan trọng của việc “giữ lời hứa”. Người dạy cho chúng ta không chỉ có cha mẹ, thầy cô mà còn có bạn bè và những thất bại.
Một khi đã có hẹn lúc 10h sáng thì nhất định bằng mọi giá đúng giờ là có mặt. Một khi đã ký hợp đồng thì phải thực hiện đúng cam kết, đảm bảo giao hàng đúng deadline, còn đối tác thì phải thực hiện thanh toán vào đúng ngày đã định. Thế giới này được hình thành nhờ vào những cam kết như vậy.
Vậy thì, cam kết với chính bản thân chúng ta thì sao? Bạn đã bao giờ hứa là “Mình sẽ làm” nhưng sau đó lại không thực hiện không? Chúng ta bình đẳng như nhau, mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày. Khi có quá nhiều việc phải làm thì việc suy nghĩ về thứ tự ưu tiên là quan trọng nhưng khi buộc phải rút lại quyết định thì có thể đó sẽ là cơ hội tốt để xem lại cách làm của bản thân.
Chẳng hạn, bạn có cuộc hẹn ko thực sự quan trọng vào lúc 10h sáng với người ngoài công ty chỉ vì người đó đề nghị gặp và bạn lỡ gật đầu theo đà câu chuyện, sau đó nghĩ lại thì bạn lại thấy thời gian bỏ ra cho cuộc gặp đó thật lãng phí…Trong hoàn cảnh đó, lại giả sử có một người khác cũng đề nghị bạn gặp vào cùng thời gian trên, liệu bạn có bỏ cuộc hẹn trước đó không?
Tôi nghĩ rằng không nên làm vậy. Cứ cho là người hẹn trước với bạn cũng không để ý lắm đến việc đó đi chăng nữa thì một khi đã trả lời là “Yes” thì không thể biến nó thành “No”, trừ trường hợp bị trùng lịch hoặc phải đối ứng với tình huống khẩn cấp. Một khi đã quyết thì phải giữ lời đến cùng. Nói cách khác là ” Đã nói thì phải làm”. Nói lời thì phải giữ lấy lời. Làm rồi mà kết quả không được như mong đợi thì đành chấp nhận. Nói mà không làm thì lời nói mất giá trị, không những thất hứa với người khác mà còn thất hứa với chính bản thân.
Giữ lời hứa với người khác là việc đương nhiên nhưng giữ lời hứa với chính mình còn quan trọng hơn.
(còn tiếp)