một chuyến đi biển (Hua hin 2022)
Nhân dịp công ty khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi nhiều hơn đồng thời được hội bạn pháp đàm rủ rê, đầu tháng vừa rồi tôi có dịp trải nghiệm tắm biển ở 1 trong những địa điểm khá thú vị và còn ít người biết đến: Hua hin (Thái lan).
Bài viết xin chia sẻ lại kinh nghiệm chuyến đi để nếu bạn đang có ý định nghỉ ngơi thì tham khảo, chốt và lên đường khám phá địa điểm nào đó có duyên với bạn 🙂
Vé máy bay thì tôi mua 2 chuyến đi và về khác nhau, đơn giản là vì chi phí. Vé đi canh được rẻ trên traveloka nên mua trên đó, thanh toán chuyển khoản tiền Việt, chiều về thì tham khảo Air Asia (trên traveloka ko có) có vé rẻ khoảng 1 tr VND (mua trước tầm 1 tháng) múc luôn, thanh toán thẻ debit tiền Bath Thái (từ tài khoản VND vẫn được). Tuy nhiên vé Air Asia này về sau có trục trặc do huỷ chuyến và không có cách nào khác phải chat với con bot AVA của Air Asia để xử lý (đáng ghét là bọn Air Asia cũng ko hề có địa chỉ email nào để claim được cả). Rốt cuộc vì ko move flight với con bot AVA kia được, tôi đành Credit Account rồi thêm tiền mua vé chuyến khác cũng của Air Asia đồng thời mua thêm hành lý. Hoá ra vé Air Asia thì rẻ nhưng vé hành lý lại khá đắt, mức tối thiểu 20kg mua thêm đã mất 650 bath (tầm 470K VND), rốt cục tổng cộng tôi phải trả hơn 2tr cho vé về, cũng ko rẻ lắm.
Một khoản phải chi nữa là mua bảo hiểm covid 19 để đủ điều kiện làm Thai pass. Có thể mua online bằng thẻ debit/credit nhưng đôi khi việc mua này cũng trục trặc, bản thân tôi phải nhờ người khác mua hộ. Tin tốt là từ sau 1/7 sẽ bỏ Thai pass cùng yêu cầu phải mua bảo hiểm covid này.
Một điểm phải tính là sim data để xài Internet khi qua Thái. Đã xác định tinh thần khi nào sang sẽ mua ở sân bay, tuy nhiên đến gần ngày đi thì mới biết chính xác là giá sim data mua trực tiếp ở sân bay khá đắt, tầm 210K thay vì 100K như tham khảo trên nhóm fb. Lúc đó tôi mới biết có lựa chọn là có thể mua trước online ở VN, qua lazada …., giá chỉ tầm 120K. Nếu ở Hà nội và cần gấp trong ngày thì shopee vẫn kịp, thêm phí giao gấp tổng giá là 152K, sang Thái lắp là dùng được ngay.
Lúc đi ra Nội Bài tôi thấy checkin đi quốc tế rất vắng và kiểm tra an ninh không phải đợi ai hết, không việc gì phải xuất phát đi từ nhà quá sớm cả. Nên in toàn bộ Thaipass và vé về vì lúc checkin Viet jet sẽ bị hỏi. Đến Suvarnabhumi cũng không đông, ko phải chờ làm thủ tục lâu. Nhanh chóng ra được cái chỗ baggage claim ngay cần chỗ bán sim data (ở Baggage Claim #19) nên tôi ra mua sim luôn. Sim mua lắp vào dùng được ngay. Tôi mang pocket wifi nên ko cần que chọc sim. Có wifi sân bay miễn phí nhưng ko hiểu sao điện thoại cùi bắp của tôi ko hiện ra cái mạng đó để mà vào!.
Trong lịch trình thì trên đường đến Hua hin beach tôi sẽ có 1 ngày trải nghiệm Cha-am beach. Từ Bangkok đi Cha-am phải di chuyển mất khoảng 4 tiếng bằng xe minivan. Khá là cực cho bạn đồng hành của tôi bị say xe nặng trên đường. Đây cũng là điểm đáng tiếc nhất của chuyến đi.
Bãi biển Cha-am đẹp hơn tôi tưởng tượng. Nước ko trong lắm nhưng hầu như ko sóng. Bãi nông, cực thoải, ra ngoài hơn trăm mét vẫn đứng được như thường. Đặc biệt là rất sạch! Ko hề thấy rác. Mà người cũng rất ít, cả bãi biển mênh mông chỉ có chừng 5 người. Tôi lại ở resort nữa nên có bãi biển riêng.
Sau buổi sáng trải nghiệm Cha-am, đến chiều tôi đi Hua hin, tưởng dễ đi vì thấy grab vẫn hoạt động, báo tiền grab car khá rẻ. Ai dè ko hề có grab nào nhận cuốc hết, phải nhờ người gọi điện. Chờ gọi 4-5 cuộc mới gọi được nhưng giá những 400 bath, gấp đôi giá grab báo! Cha-am cũng hẻo lánh ít lựa chọn, đi quãng 20km, 30 phút mà tốn gần 300K!
KS tôi ở trung tâm Hua hin, ngay gần Mariot, Intercontinental và tuyệt nhất là gần cầu đi bộ sang Market Village, một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất Hua hin. Phải ở “mặt tiền” ở Thái mới thấy giá trị của cầu đi bộ. Cả cây số mới có cầu còn đường là đường cao tốc ô tô toàn chạy hơn 100 km ko có cầu thì chịu ko sang được đường, mua sắm và ăn uống sẽ rất bất tiện.
Hua hin beach rất tuyệt. Nước trong, bãi thoải, sóng lặng và hết sức vắng người. Cảm giác luxury không dễ có khi con đường bạn ra biển chỉ có bạn, cũng không có xe máy xe đạp nào đậu bừa bãi như các bãi biển public ở VN. Không có ai nên cũng chả có dịch vụ nằm ngồi uống nước dừa, thay quần áo tắm tráng gì hết. Dân địa phương đi tắm biển cũng không thấy ai luôn, chỉ có mấy cái thuyền đánh cá thôi. Tuyệt vời hơn nữa là hoàn toàn không có mùi thuốc lá. Chỉ hôm cuối cùng tôi đi tắm sớm thì có 1 bác Tây hút thuốc ở lối lên xuống bờ biển! Sóng thì như ở ao, bạn có thể enjoy bơi vô giới hạn.
Ngoài tắm biển thì người ta còn đến Thái lan để mua sắm. Nếu bạn thích mua sắm thì Thái Lan hàng hoá rất phong phú, rẻ và chất lượng tốt hơn cùng mức giá đó ở VN. Ăn uống cũng rẻ, tuy nhiên cần chú ý người bán nếu bạn ko thích ăn cay hoặc ko thích ăn mặn. Nếu ko nói gì thì default là vừa cay vừa mặn! Anyway đó là những chỗ bình dân hoặc restaurant tầm trung còn những chỗ cao cấp thì tôi ko biết gì nhé.
Có một điểm lạ và ngược với VN là rất ít hàng ăn sáng. Hua hin có vẻ thức dậy rất muộn. Mall 10h30 mới mở cửa. Restaurant bên cạnh 12h mở cửa. Sáng tầm 9h chỉ có 1 Bugger King và Mc Donald mở cửa nhưng đồ ăn khá chán mà lại hơi đắt.
Có vẻ như đầu tháng 6 vẫn là thấp điểm. Chả thấy khách du lịch đâu. Bãi biển vắng hoe. Mấy hôm sau chúng tôi đi 1 nơi gọi là Venice thu nhỏ mà cũng vắng hoe, cả khu rộng mênh mông chỉ có 2 vợ chồng tôi là khách du lịch. Cũng một phần vì giờ đó còn sớm, rất nắng nhưng dù sao cũng quá ít khách nên chả có show diễn gì cả. Vé vào cửa lại đắt, những 300 bath một người nhưng vào thì có rất ít thứ để chơi, chỉ có cỡ 15 phút đi thuyền trên một con kênh be bé ko đẹp lắm và sau đó là tự chụp ảnh cho nhau!
Tổng kết sau 3 ngày và 1 buổi tối ở Hua hin (những ngày khác thì chủ yếu đóng gói đồ đạc và di chuyển) thì tôi cũng được trải nghiệm các kiểu mỗi thứ một tí: Tắm 2 bãi biển, mua sắm hằng ngày, tự lái xe máy thăm thú chút đỉnh, ăn tối local street food 1 bữa. Cũng nhờ tự thuê xe máy nên khám phá được thêm 1 bộ mặt Hua hin với các khu phố toàn quán bar (tổng cộng chắc phải vài trăm quán), chốn ăn chơi về đêm của tụi Tây.
Tổng kết chi phí: Quãng 17tr VND, trong đó:
Tiền vé máy bay, mua bảo hiểm để có Thai pass: 8tr
Tiền KS 3 đêm: 2 tr
Tiền mua bath cầm theo để mua sắm ăn uống: 6tr5 (= 9000 bath)
Tiền taxi Noi Bai 2 chiều: 700K
Tổng kết đánh giá: Đi Thái khá ổn. Mua sắm, ăn uống đều rẻ và chất lượng. Khách sạn thì khá sẵn và giá cũng không đắt. Đi lại và mua vé thăm quan thì hơi tốn kém, cần tìm hiểu và lên budget trước thì tốt. Cố gắng thuê xe máy và tự tìm đường thì tiết kiệm chi phí. Internet tốc độ ổn, không đắt.
Những lưu ý hoặc điều bất ngờ:
Vé máy bay luôn là yếu tố hàng đầu quyết định chi phí, vì vậy hãy chịu khó canh giá tốt. Nên tham khảo nhiều trang. Traveloka có vẻ hay và được nhiều người dùng nhưng lưu ý nên check cả Air Asia (Traveloka ko còn support Air Asia, not anymore). Hiện Air Asia giá khá tốt nhưng chỉ có 1 giờ cố định là tối muộn thứ 6 và chỉ bay sân bay Don Mueang (ko phải sân bay BKK nhé). Nếu bạn mua hành lý gửi của Air Asia thì cũng ko rẻ nữa, giờ giấc thì hạn chế và khi mua phải thanh toán bằng bath Thái và sẽ mất thêm 120 bath phí chuyển ngoại tệ nếu bạn credit/debit từ TK VNĐ.
Bản thân tôi được trải nghiệm được cả 2 sân bay ở Bangkok. Khác với BKK, sân bay DMK ở ngoài trông sập xệ, lúc đến để depart rất bất ngờ vì chưa từng thấy bến đón bus ở sân bay nào sập xệ ngay lề đường như vậy, phải để ý khéo mới thấy lối lên, tuy nhiên càng vào trong thì càng đẹp hơn.
Nếu lần đầu hoặc lâu rồi mới đến Thái thì ở immigration sẽ phải lấy đủ 4 lượt vân tay và chụp ảnh. Lúc về chỉ cần 1 lần scan vân tay.
Xe ở Thái chạy siêu nhanh. Đường bình thường trong thành phố họ cũng toàn đi cỡ 90km/h (ở Hua hin ko tắc đường). Xe máy không bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Xe chạy cực nhanh và ko có thói quen tránh nên tuyệt đối ko tự mình sang đường như ở VN mà hãy sử dụng cầu vượt (đôi khi phải đi bộ xa mới có) nhé. Tôi cũng có thấy lác đác dân địa phương tự sang đường nhưng chắc ko nên bắt chước.
Nếu đi xe bus/ minivan đường dài chắc chắn xe sẽ đỗ giữa đường ở 1 đến 2 điểm dừng nghỉ. Cá nhân tôi thấy các điểm này ổn. Nhà vệ sinh sạch sẽ, siêu thị tiện lợi mà đồ ăn như xúc xích, bánh bao, nước … bán ở những điểm này rẻ gấp 4 – 5 lần so với ở trong sân bay. Recommend.
Bangkok của 2022 là 1 rừng bê tông. Cảm tưởng dưới gầm trời này con người đã ngự trị toàn bộ. Trong nội thành hầu như chỗ nào cũng là 2 tầng đường nên đi đường dưới thì chậm nhưng được cái rất mát 🙂 . Các trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok nghe nói “to gấp 10 lần ở Hà nội”. Cá nhân tôi không thích tương lai Hà nội cũng thành như Bangkok nhưng khả năng đó cũng không phải nhỏ.
Nên mua trước bath. Bản thân tôi mua ở Cầu Giấy, cũng 720 (VND-Bath) như mua ở Hà Trung. Ở sân bay VN thì còn đắt hơn.
Nên mua trước SIM 4g AIS hoặc DTAC ngay ở Hà nội qua shopee là rẻ nhất. Bên Thái KS, quán ăn đều có wifi nhưng vẫn nên mua để dùng lúc đi đường.
Nước biển ở Hua hin trong nhưng khá nhiều tảo, có thể gây ngứa chút ít.
Khi di chuyển ở Hua hin nên thuê xe máy theo ngày là kinh tế nhất. Ở những nơi như Hua hin không gọi được Grab, taxi và tuktuk thì đắt. Lưu ý đi bên tay trái. Ở các chỗ chờ đèn đỏ cứ lách lên đầu, có hẳn 1 khoảng trên đầu dành cho xe đạp xe máy đợi đèn, sau đó mới đến ô tô, một điểm mà ở VN ko có. Rất ít thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Xe ở Thái họ đi rất hiền, lúc qua đường, u-turn ô tô đều đợi hết xe hoặc thoáng xe trên đường mới đi. Trạm xăng thì trên các đại lộ lớn đều đầy dẫy, ko phải lo tìm chỗ đổ xăng. Tự đi xe máy có thể khám phá nhiều địa điểm và trải nghiệm ko có trên mạng. Bản thân tôi vào một ngôi chùa ở Hua hin trên đường và tình cờ được tiếp đón rất tử tế dù mục đích vào chỉ là chụp ảnh 🙂
Để ý chỗ ăn sáng vì ko có quán ăn sáng phổ biến như VN ở Hua hin. Các nhà hàng, siêu thị mở rất muộn. Vài món phổ biến ở VN như phở, mỳ, bánh mỳ khá khó tìm.
Người Thái ở Hua hin rất biết ít tiếng Anh và đã ko biết là thôi, họ bỏ mặc hoặc tránh mình lúc được hỏi. Bảo vệ ở mall, lái xe bus, chủ quán ăn, thậm chí cá biệt có lễ tân KS cũng ko biết mấy từ tiếng Anh đơn giản là chuyện bình thường.
Có thông tin xe bus trên mạng tìm ko có, hỏi trực tiếp lại có. Có khi đặt vé online trước giá lại đắt hơn ngày hôm đó đến sớm 1 chút và mua thẳng từ quầy vé ở bến bus. Tôi ko tìm thấy xe bus đi từ Hua Hin Market Village đến thẳng DMK trên mạng (cũng có thể chưa tìm hết), nhưng khi hỏi trực tiếp người bán vé ở 1 bến xe gần đó thì lại ra xe đó mà giá lại rẻ, bến thì ngay trong Market Village, đi bộ tí là ra. Mà vé toàn tiếng Thái không 🙂 !
Chờ ngóng kinh nghiệm chuyến du lịch tiếp theo của bạn !