nhìn lại một số cách tự học tiếng Nhật

Bạn thấy học ngoại ngữ dễ hay khó ? ?

Nếu bạn thấy khó, đó là việc rất thông thường. Như tôi đã từng viết trên một blog (tại sao việc học ngoại ngữ lại khó), học ngoại ngữ không giống việc học các môn logic như toán, tin: lấy ý thức để huấn luyện ý thức, mà gần hơn với việc bỏ thuốc lá, hay giảm béo, hay học bơi. Với ngoại ngữ, phần quan trọng nhất là ta phải lấy ý thức để huấn luyện tiềm thức. Đã “dính” đến tiềm thức, thì là không đơn giản, không tuần tự (non-linear), phi logic, không định xứ (non-local) … ?

Còn nếu bạn thấy dễ, thì bạn giống tôi 😉 . Thực tế là tôi viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm từ quan điểm của một người thấy việc học ngoại ngữ là dễ.

Để bạn đọc hình dung rõ hơn về xuất phát điểm của bài này tôi sẽ giới thiệu đôi chút về context mà từ đó tôi chia sẻ. Tác giả bài này là một người được theo học Khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại Thương Hà nội thời gian những năm 96-2000, được đào tạo rất bài bản về tiếng Nhật với từ 6-10 tiết học một tuần, thụ giáo các thầy cô giáo giỏi của khoa trong suốt 4 năm. Bài này không định giới thiệu các kinh nghiệm trong quá trình theo học hay hoàn thành bài vở trên lớp (thú thực tôi không nhớ, việc học hành trên lớp là một việc hết sức bình thường, không mấy ấn tượng), mà chia sẻ một vài cách tự học, tự luyện tập nâng cao ngoài classroom.

Vâng, tiếp tục từ blog đã nói ở trên, tôi sẽ triển khai theo 2 keywords: exposure và injection, cụ thể với kinh nghiệm mà tôi đã áp dụng khi học tiếng Nhật:

I) Exposure: ban đầu phải cố gắng tiếp xúc càng nhiều càng tốt, phải bỏ qua các rào cản tự vệ để tiếp xúc cởi mở tối đa với ngoại ngữ, rồi sau đó
II) Injection: cố gắng vận dụng càng nhiều càng tốt, tự thử nghiệm nghe/nói/đọc viết/ dịch viết/ dịch nói ngoại ngữ (rồi tự rút kinh nghiệm) càng nhiều càng tốt.

I) Exposure

NGHE

Listening with purpose
Trong học tập, có một nguyên tắc là “nước ít, lửa nhiều”, tức là không tham học nhiều, để khối lượng học ít, nhưng tập trung nhiều năng lượng. Với một bài học mới, sẽ có những đoạn nghe băng/ clip, tôi áp dụng nguyên tắc này và luyện nghe kỹ như sau:

  1. Học các từ mới, đảm bảo thuộc lòng. Khi học từ, phải đọc nhẩm hoặc ở nhà thì phải đọc to ra mồm, không học từ mới trong im lặng.
  2. Nghe đi nghe lại bài nghe mà không nhìn sách
    1. Nghe một vài lần cho quen
    2. Nghe và từ lần này cố gắng tự viết ra những gì mình nghe được, cho phép pause không giới hạn, lặp lại bước này nhiều lần để tự viết lại được tối đa bài nghe
    3. So sánh bài mình tự viết lại với bài trong sách (script)
    4. Chú ý đến những từ mình viết sai, hoặc không viết được
    5. Nghe lại bài nghe cho những chỗ ở 4, tự suy nghĩ vì sao mình đã ko nghe được
    6. (Đến bước này tôi tin chắc bất cứ ai cũng đã thuộc lòng bài nghe đó, tiếp theo là nói)
  3.  Tự nói lại bài nghe đó
    1.     Không giới hạn số lần nói lại, hướng đến sự trôi chẩy tự nhiên như trong băng/ clip
    2.     Có thể thực tập cùng một bạn khác nếu bài nghe là hội thoại, hướng tới mục tiêu cả hai phải nói trôi chẩy trong phân vai của mình. Mục đích của ta vẫn là sự trôi chẩy. Sự trôi chẩy nên hiểu là ta có thể nói cả một đoạn kha khá chỉ trong 1 hơi thở, còn ngược lại không trôi chẩy là một câu ngắn mà phải lấy hơi nhiều lần khi nói.

Listening without purpose
Để expose với tiếng Nhật hơn nữa, tôi thường bật băng catxet cả buổi lúc ở nhà. Cứ bật to lên trong lúc mình vẫn làm các việc khác, học những môn khác, lọt được từ nào vào đầu thì lọt, không cũng chẳng sao. Thực tế tôi cũng không rõ lắm làm như vậy có hiệu quả không. Về lý thuyết thì sự tập trung của con người luôn luôn có kẽ hở. Dù cho ta có tập trung đến đâu, tâm trí vẫn có những khoảng sao nhãng, drift hoặc wander đi đâu đó, hy vọng là những khoảng sao nhãng ấy tâm trí sẽ bắt vào cái gần nhất mà nó bắt được, và việc listening without purpose chính là để đón lõng những khoảng vô thức ấy.
Về sau thói quen này trở thành một thứ tôi dùng để giết thời gian mỗi khi đi tầu ở Nhật. Mua một cái đài AM/FM, lên tầu rồi cắm vào tai. Rồi cuộc sống một mình ở nhà trọ cũng vậy, về là tôi bật ti vi rồi đi nấu nướng, ăn uống. Vừa đỡ buồn vừa luyện tiếng Nhật.

ĐỌC

Ngoài textbook, tôi tự đọc thêm rất nhiều. Cho đến khoảng năm thứ ba tôi đã đọc hết giáo trình cho cả bốn năm, tự tìm sách ở các trường khác, lục lọi tài liệu ở hàng photo gần trường. Việc đọc tài liệu thường rất có ích (mài giũa tư duy), đọc nhiều khiến ta sớm phát triển tư duy trực tiếp bằng ngoại ngữ (chứ không thông qua tư duy tiếng Việt). Nhìn lại thì tôi thấy có một số chú ý sau khi đọc.

  •     Không đọc những thứ vượt xa trình độ của mình. Với những tài liệu không được biên soạn cho trình độ hiện tại của ta, ta có thể tự thử thách mình một hai lần, nhưng đừng đánh vật với chúng, việc đó sẽ chẳng đem lại nhiều giá trị.
  •     Nên đọc những thứ hơi cao hơn trình độ hiện tại của mình một chút. Sẽ có nhiều từ mới ta chưa biết, nhưng cứ đọc một lèo với mục đích hiểu được ngữ cảnh, mạch văn. Việc tra từ mới có thể để lại sau. Việc này giúp ta về sau không bị tắc khi gặp từ mới (khi ra trường, đi làm sẽ có vô vàn tình huống thực tế bạn gặp từ mới như vậy, tôi đảm bảo với bạn), đây là một thói quen rất hữu ích khi đi thi. Đọc thường xuyên còn giúp ta củng cố những từ cũ nữa, vượt qua cái bẫy phổ biến trong học từ vựng là học trước quên sau.
  •     Nếu bạn chưa quen với việc nắm văn cảnh, có thể tự hỏi mình những câu như:
    • Đoạn văn đang viết theo kiểu khái quát hóa (đi từ chi tiết đến tóm tắt), hay đang đi theo kiểu diễn dịch (tuyên bố quy luật rồi đưa ra dẫn chứng cụ thể)?
    • Tác giả đang đơn thuần là tường thuật theo thứ tự thời gian? hay đang phân tích? tổng hợp? hay đang bình luận?
  • Những đoạn văn đã được viết thành sách hay đưa thành đề bài chắc chắn luôn có logic của nó. Hãy tìm ra logic ấy. Càng đọc hiểu, ta càng quen và đọc được nhiều hơn. Khi đã quen, ngay trong lúc chúng ta đọc, chúng ta sẽ tự hình dung ra cây logic của đoạn văn trong đầu, đó chính là mạch văn. Mạch văn ấy sẽ giúp ta như một thứ bản đồ để ta hiểu, từ đó ta có thể tóm tắt các ý hay trả lời câu hỏi liên quan. Càng đọc, ta sẽ càng quen với việc tự xây dựng bản đồ để chinh phục các đoạn văn.

Như tôi đã từng chỉ ra trong một bài gần đây ( về hạn chế của ngôn ngữ), ngôn ngữ văn bản chỉ là sự mã hóa tuần tự, nó có hạn chế. Chính từ hạn chế đó mà ta cần cách tiếp cận visualize nó, xây dựng bản đồ về nó trong đầu và làm chủ nó. Để minh họa, xin giới thiệu một mạch văn được vẽ lại từ một đoạn trình bầy của người khác:

(những chỗ mầu đỏ biểu đạt mạch trình bầy chính)

Với kỹ năng đọc mạch văn, vốn từ tốt, nắm vững các hiện tượng ngữ pháp, ta sẽ có được khả năng làm chủ bất cứ bài đọc này.

*Về sau các bạn sẽ thấy, trong bất kỳ tình huống giao tiếp nào, thực tế là chúng ta luôn tự vẽ bản đồ về cái gì đang diễn ra xung quanh trong đầu mình, cho mình. Với người giao tiếp nhậy bén, bản đồ ấy rất mạch lạc và sáng sủa, với người ít kinh nghiệm hơn, bản đồ có thể mơ hồ và thiếu logic hơn, nhưng thực tế ta luôn là người vẽ bản đồ. Ai muốn tìm hiểu kỹ hơn, có thể tham khảo cuốn sách rất sâu sắc: “Con đường chằng mấy ai đi” của M. Scot Peck , phần “Phụng sự cho sự thật”.

II) Injection

Nếu exposure tốt, ta đã chìm ngập (submerge) trong thế giới của ngoại ngữ rồi, còn injection là bước cho phép thế giới ấy ngấm vào bên trong ta, khi ta xử lý những khái niệm hằng ngày bằng ngoại ngữ thay cho tiếng Việt.

VIẾT

Phương pháp tôi thích là Viết nhật ký: luôn có các sự kiện hay những quan sát để ghi lại, luôn có các cảm xúc mong mỏi, vui mừng, chờ đợi trong một ngày. Tất nhiên lúc đầu sẽ khó: không đủ từ, không biết cái này tiếng Nhật nói thế nào… Thếnhưng khó khăn cũng chính là cơ hội (với một người vươn lên, khó khăn luôn là cơ hội). Cơ hội để ta đào sâu, cơ hội để ta bước vòng quanh và tư duy lại về cái mà ta định viết:

  •     Tôi có thể viết nó khác đi thế nào?
  •     Cách diễn đạt đơn giản hơn là gì?
  •     Keyword ở đây là gì?
  •     …

Bạn sẽ thấy đó đâu chỉ là viết, nó còn là sự luyện tập tư duy: đúc rút ra từ khóa, tập diễn đạt đơn giản bằng từng câu nhỏ hơn nối vào nhau, tập nhìn lại chính cuộc sống của mình. Và nhật ký là một thứ rất thích hợp để luyện tập mà yên tâm là sẽ không có ai chỉ trích hay phán xét đúng ta đúng hay ta sai hết. Một môi trường an toàn để tự thử nghiệm một cách hoàn toàn tự do.

Nếu bạn thấy bắt tay vào viết nhật ký luôn thì hơi khó, vẫn có những cách đơn giản hơn. Ví dụ ta có thể viết một bản “chế” từ những mẩu hội thoại trong sách. Chỉ là thay từ này bằng từ kia, cho vào địa điểm, thời gian, nhân vật khác, thay “ăn bánh” bằng “uống nước hoa quả” v.v. … Cũng vẫn rất có ích, sau một thời gian tập viết như vậy, ta có thể tiến tới thử viết nhật ký, viết tản văn (作文) …

Đối với bản thân tôi, tập viết mang lại nhiều thứ: tư duy mạch lạc hơn, diễn đạt hiệu quả và uyển chuyển hơn, phản xạ ngôn ngữ tốt hơn và giúp đầu óc cân bằng hơn. Đúng thế, khi ta học, đọc, nghe nhiều, nhận rất nhiều input và rất nhiều thứ xẩy ra trong đầu, tự nhiên đầu óc ta có nhu cầu diễn đạt ra: nói, viết ra để xả bớt.

NÓI

Có một thực trạng là đa số các bạn học của tôi rất ngại nói, và rất nhiều người học ngoại ngữ mà tôi biết nữa cũng vậy. Còn tôi thì ngược lại, thèm được nói. Học từ thì đọc to, nghe băng thì nói cùng, viết xong thì đọc to lại đoạn mình đã bỏ công viết. Học thuộc lòng bài đọc và tự nói lại…. Xét cho cùng thì ta đang ở nhà ta mà. Thoải mái, tự do, đâu sợ ai phán xét đúng sai? Học như thế vui hơn và thích hơn là học trong im lặng.

Về sau khi đã học được nhiều hơn, kinh nghiệm của tôi là chủ động tìm kiếm và tham gia các hoạt động mà mình có thể hội thoại với người khác. Tham gia các câu lạc bộ ở trường, rồi tìm kiếm và tham gia câu lạc bộ nói tiếng Nhật ở bên ngoài. Các bạn bây giờ có thể chủ động form câu lạc bộ nói tiếng Nhật, hay tự tổ chức bằng meetup.com, cũng không quá phức tạp.

Thời của tôi có rất ít câu lạc bộ tiếng Nhật và tôi đã chọn cách trực tiếp hơn: giao tiếp với người Nhật. Muốn giao tiếp với người Nhật thì phải có người Nhật. Muốn thế thì phải chủ động đến chỗ có người Nhật. Thời bấy giờ tôi chỉ biết Hồ Gươm là nhiều khách du lịch. Thế là lang thang lên đó, gặp bạn nào thì bắt chuyện. Cũng phải nghĩ ra vài câu bắt chuyện. Người Nhật có tiếng là khép kín, ra nước ngoài thì cảnh giác đề phòng. Nhưng bù lại nếu mình chịu khó “bám đuổi”, 口説く, 粘り強く hỏi được ba bốn câu, cố gắng tự giới thiệu thì họ cũng hiểu mình là sinh viên chứ không phải street sales, lúc đó người Nhật với bản chất tốt bụng vốn có lại sẵn sàng support mình.

Tôi từng có kỷ niệm không quên là gặp một anh giáo viên lúc đi bộ trên đường gần Hồ Gươm, sau đó nói chuyện vui vẻ và hẹn hôm sau đạp xe đến đón anh ấy đi bơi, xong đạp tiếp lên Hồ Tây, vềqua Lăng Bác giữa trời nắng rồi đi uống sinh tố xoài. Uống được cốc sinh tố sau cả buổi sáng vận động giữa trời mùa hè, anh ấy nói “ああ、幸せ!”.

Thế đấy, lớp luyện nói của tôi là lớp outdoor thực tế và vài kỷ niệm hướng dẫn du lịch volunteer như vậy. Lợi ích của việc tiếp xúc thực tế này là vô cùng quý giá: sự tự tin và phản xạ ngôn ngữ trong các tình huống thực.

Với cách học trên, kết quả tôi là một trong số ít ỏi các sinh viên trẻ challenge một kỳ thi cấp độ tiếng Nhật cùng các anh chị khóa trên, được chọn để phát biểu trước toàn khoa về phương pháp học và chinh phục được nhiều kỳ thi sau này.

III) Build-Test-Learn

Phần cuối này tôi viết thêm, nhân dịp đang đọc The Lean Startup nổi tiếng của Eric Ries.

Hiển nhiên, trước khi đi đến những cách luyện tập nâng cao, ta phải vững cơ bản. Giống như Federer hay Djoker vẫn phải tập những cú đánh cơ bản hàng ngày, các nghệ sĩ piano vẫn phải tập dạo phím hằng ngày, người học ngoại ngữ lúc nào cũng cần nắm vững từ vựng, chữ Hán, giới từ, cách chia động từ, các hiện tượng ngữ pháp, cách phát âm … Sách vở, classroom và các thầy cô, các trung tâm support rất tốt cho những việc này, và việc tiếp cận, lĩnh hội những thứ cơ bản này là rất dễ dàng với tất cả mọi người

Điều tạo nên sự khác biệt, theo tôi, là bước tiếp theo: Ghép chúng lại với nhau và vận hành đồng thời những kỹ năng ấy trong thực tế. Lý tưởng nhất là giống như học bơi: Tập tay, tập chân, tập thở, sau đó bơi thật, và điều chỉnh, rồi lại tập từng thứ, rồi lại ghép vào thực tế, rồi lại điều chỉnh, cứ như vậy …. Không quá vội vã đến mức chưa gì đã ghép, nhưng cũng đừng đợi quá lâu. Ít nhất một ngày phải viết một lần, phải nói/ đặt câu hỏi và trả lời bằng tiếng Nhật một lần. Tần suất của việc integrate các kỹ năng này rất quan trọng, optimize thời gian cho một cycle Build-test-learn và liên tục quay vòng nó là chìa khóa để tạo ra sự nhuần nhuyễn và bước nhẩy cho khả năng ngoại ngữ.

Eric Ries nói rằng startup thực chất là một quá trình validated learning, tương tự, tôi nghĩ rằng learning thực chất là một quá trình startup một ngôn ngữ mới của chính bạn! Thật sự đấy! Bạn nghĩ rằng đơn giản chỉ là bạn nói tiếng Nhật, bạn nói tiếng Anh? Vâng, nhưng cái tiếng Anh hay tiếng Nhật do bạn nói ra ấy nó có giống cái tiếng Anh, tiếng Nhật mà tôi nói ra, hay bất kỳ người khác nào nói ra hay không? Không! Vì cách suy nghĩ của chúng ta khác nhau, cách diễn đạt của chúng ta khác nhau, ngữ cảnh của chúng ta (suprisingly too often) cũng khác nhau. Kể cả tiếng Việt cũng vậy, khi nghe một người mà chúng ta chưa từng tiếp xúc trình bầy một vấn đề gì đó, chẳng phải ta vẫn phải mất chút thời gian làm quen với tiếng Việt của họ hay sao?

Khi Murakami xuất bản các tác phẩm của mình và làm rạng danh cho Nhật Bản, người ta nói Murakami đã sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ mới, nó “rỗng rang, đơn giản mà mạch lạc” (sorry có thể tôi nhớ không chính xác, nhưng đại loại thế). Về sau khi nhìn lại các sáng tác của Trịnh Công Sơn, người ta nói ông đã sáng tạo ra những “ca từ của phù thủy”. Có thể chúng ta sẽ không được đề cử giải Nobel văn học nào, nhưng bằng việc thể hiện bản thân thông qua tiếng Nhật hay tiếng Anh, chúng ta đang thực sự xây dựng nên thứ ngôn ngữ mới của chính chúng ta, chúng ta đang startup một version mới của cho chính con người chúng ta! Và chừng nào mà chúng ta còn chưa ghi lại bằng ngoại ngữ, chưa nói ra bằng ngoại ngữ, chúng ta còn chưa thực sự bắt tay vào quá trình xây dựng đó.

Để xây dựng những cái mới, ta cần từ bỏ quan niệm cũ, cách làm cũ, thói quen cũ. Ta cần lòng dũng cảm để bắt đầu và lòng kiên trì để tiếp tục. Bằng sự khao khát, bạn sẽ làm được điều đó.

Dành tặng những người luôn khao khát vươn lên.
–cảm ơn những competitors thời xa xưa của tôi, cảm ơn những bạn trẻ gần đây đã inspire tôi, và cảm ơn những bậc thầy tư tưởng đang dẫn dắt tôi hôm nay.

Add a Comment

Scroll Up