Một nền giáo dục vượt thời đại trong “Totto-chan bên cửa sổ”
Nếu bạn từng băn khoăn bản thân khác biệt với số đông, hay trăn trở vì mình không cùng suy nghĩ và cách sống với mọi người xung quanh, hoặc đơn giản chưa tìm thấy ý nghĩa, niềm vui của cuộc sống, thì hãy tìm đến cuốn sách nhỏ mang tên“Totto-chan bên cửa sổ”. Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, văn phong giản dị, hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu, mỗi trang sách là một bức tranh thu nhỏ của cuộc sống, một bài học hết sức giản dị nhưng đủ để tất cả chúng ta phải rung động. Tưởng như chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi bởi khi đọc các em có thể đắm chìm vào thế giới tươi đẹp của riêng mình, nhưng “Totto-chan bên cửa sổ” còn là món quà dành cả cho những người lớn luôn băn khoăn về cuộc sống, hay các bậc phụ huynh còn nhiều nỗi lo trong việc giáo dục con nhỏ.
Theo lời tác giả Kuroyanagi Tetsuko , Totto-chan bên cửa sổ là những câu chuyện hoàn toàn có thật mà bà trải qua trong những năm tiểu học hồn nhiên đến trong veo của mình tại một ngôi trường đặc biệt tại Tokyo.
Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Totto-chan, một cô bé tốt bụng, luôn yêu thương mọi người và hiếu kì về mọi điều ở thế giới xung quanh. Tuy nhiên, mọi người tại ngôi trường cũ của cô bé chỉ nhìn vào Totto-chan như một đứa trẻ hiếu động, kì lạ và cần được chấn chỉnh thật sớm. Kết quả, cô bé bị đuổi học mà không hề biết lí do tại sao. May mắn thay, mẹ của Totto-chan hiểu được con gái mình, bà biết rằng cô bé không phải một đứa trẻ hư, nhưng một ngôi trường bình thường với sự giáo dục khuôn mẫu không thể phù hợp và thấu hiểu được em. Vậy là, Totto-chan đã được mẹ xin học cho tại một ngôi trường đặc biệt, một điều đã thay đổi và ghi dấu trong cuộc đời em mãi mãi. Ngôi trường Tomoe quả là một ngôi trường lạ lùng độc đáo với những người bạn học thật dễ thương và phong cách giáo dục hoàn toàn đặc biệt. Các lớp học đều làm bằng những toa tàu hỏa cũ được sửa lại. Khi vào lớp các em không phải ngồi đúng chỗ quy định mà có thể mỗi ngày ngồi một chỗ nào tùy thích. Giờ học cũng không phải theo đúng thời khóa biểu mà các em có thể tùy chọn môn học nào em ưa thích nhất thì học trước. Trong ngôi trường độc đáo đó lại có thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosako đặc biệt. Thầy là người thầy, người cha, người mẹ, người bạn của các em nhỏ. Thầy sẵn sàng lắng nghe Totto-chan kể những câu chuyện hài hước, rời rạc trong vòng bốn tiếng đồng hồ mà không hề tỏ ra chán nản, khó chịu. Còn các món ăn thì thì thật phong phú vì đều là thức ăn lấy từ núi và thức ăn lấy từ biển. Cô bé Totto-chan không phải là một cô bé thần đồng, cũng không phải là một tài năng đặc biệt. Em chỉ là một cô bé vô tư, hồn nhiên và hiếu động, thậm chí em còn bị coi là một học sinh hư khi ở trường cũ. Thế nhưng, điều quan trọng là em đã sống chân thực và là Totto-chan chứ không phải là ai khác, chính nét trẻ thơ ấy của em lại khiến người đọc cảm thấy thật thích thú. Cái hay của tác phẩm là ngay từ những năm 1940 xa xôi, ở thời đại còn chưa có mạng hay những thứ như internet, smart phone; vậy mà đã có những con người mang trong mình tư tưởng mới, lấy việc tôn trọng sở thích cá nhân, tâm tư nguyện vọng của các em nhỏ làm phương châm giáo dục. Đây cũng là mấu chốt khiến tác phẩm dù trải qua hơn 40 năm vẫn còn nguyên giá trị và được độc giả ở mọi nơi trên thế giới đón nhận. Hãy cùng nhìn lại câu chuyện bất hủ này và xem nó có thể mang đến cho ta những gì nhé.
Học “Totto-chan bên cửa sổ”, hãy luôn để trường học là nơi nền tảng để trẻ em phát triển ước mơ.
Ngôi trường Tomoe chú trọng phát triển thể chất và tinh thần cho học sinh. Dựa trên kim chỉ nam đó, điểm số không còn quan trọng. Suy nghĩ này quả là mới mẻ, và đến bây giờ, nó cũng chưa bao giờ cũ kỹ. Trong khoảng thời gian ở trường, Totto-chan được dạy theo những phương pháp rất đặc biệt. Tại Tomoe, bạn sẽ được học môn bạn yêu thích trước tiên, sau đó là những môn ít thích hơn một chút. Ồ như vậy không có nghĩa là bạn được bỏ qua các môn học mình ghét đâu, nếu không thì bạn sẽ chẳng được chạy ra ngoài chơi cùng các bạn học khác. Học sinh còn được tự do phát triển bản thân, tự thực hành nghiên cứu trong giờ học với sự hỗ trợ của giáo viên, mỗi người chọn học môn mình yêu thích. Hiệu trưởng và các thầy cô luôn quan sát, hướng dẫn các em hoàn thành bài tập cũng như các vướng mắc trong cuộc sống.
Ở đây, các em được phát triển kỹ năng mọi lúc mọi nơi. Các tiêu chuẩn của một trường học bình thường trở nên vô nghĩa, và các định nghĩa giáo dục vững chắc đã bị rỉ sét. Điểm số không phải là thước đo cho sự cố gắng của học sinh, Tomoe đã chứng minh điều đó cho mọi người. Thành công của con người không ai quyết định được, có lẽ sống có ý nghĩa đã là thành công rồi. “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa”. Thầy Kobayashi đã nói như vậy với giáo viên và phụ huynh của mình đủ để thấy rằng ở Tomoe không hề có 1 sự định hướng sẵn nào mang tính rập khuôn cho mọi đứa trẻ, tất cả nhữung tri thức kỹ năng các em được bồi dưỡng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là hiện thực hoá ước mơ của chính mình.
Kobayashi – người thầy hiệu trưởng kính mến của Totto-chan và cả của những học sinh trường Tomoe, người mang đến cho ngôi trường một phương pháp giáo dục hiện đại rằng thầy cô chính là người gieo những hạt giống tốt.
Sự ghi nhận trên cương vị một người lớn/một vị hiệu trưởng/ người quyết định việc em có được vào học trường Tomoe hay không đã mở ra cho cô bé Totto-chan một cái nhìn khác về bản thân mình. Ngay từ buổi đầu tới trường này em đã thấy đây chính là nơi mình cần đến, là ngôi nhà quen thuộc của em. Thầy hiệu trưởng đã ngồi lắng nghe cô bé Totto-chan kể những chuyện trên trời – dưới biển về cuộc sống của em 4 tiếng đồng hồ, những chuyện tưởng chừng như vặt vãnh, trẻ con không đáng quan tâm, những chuyện mà ngay cả mẹ em hay cô giáo chủ nhiệm cũng chưa chắc đã đủ bình tĩnh để nghe em nói hết. Vậy mà thầy Kobayashi lại có thể ngồi với em trong một thời gian dài như vậy đủ biết ông tôn trọng và quan tâm đến những mầm non tương lai của đất nước đến nhường nào. Ông dùng phương pháp của mình để truyền kiến thức, tạo động lực, niềm tin cho những đứa bé trong ngôi trường Tomoe – và ông đã thành công với phương pháp ấy. Với Totto-chan, ông thường nói “Em biết đấy, em thật là một cô bé ngoan”. Chỉ một câu nói đơn giản thôi nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần to lớn với Totto-chan. Em luôn vì câu nói đó mà cố gắng nỗ lực, trưởng thành và tin tưởng vào bản thân. Thầy hiệu trưởng luôn khuyến khích các em được tự do khám phá, trải nghiệm. Và thứ quan trọng nhất thầy trao cho các em không phải là kiến thức, mà là sự tự tin vào bản thân, giúp các em hiện thực hóa giấc mơ của mình. Nhờ sự giáo dục của thầy hiệu trưởng Kobayashi, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội. Nhà văn Tetsuko dành những trang cuối của tác phẩm để viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục hay những nghệ sĩ tài hoa nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì tất cả 50 con người tuyệt vời ấy vẫn luôn tự hào vì mình là học sinh trường Tomoe, là học trò của thầy hiệu trưởng Kobayashi!
Gia đình – Tài sản vô giá của Totto-chan và bài học về tình yêu thương
Trong “Totto-chan bên cửa sổ”, tình cảm bạn bè và gia đình luôn là thứ tỏa sáng xuyên suốt tác phẩm. Takahashi, một cậu bé nhỏ con, có thân hình kém phát triển hơn so với các bạn cùng trang lứa, luôn bị học sinh trường khác bắt nạt. Totto-chan đứng về phía anh ấy, bảo vệ và canh giữ mỗi khi Takahashi bị bắt nạt, em sẽ xử lý gọn gàng những kẻ xấu đó. Để rồi khi người bạn này ra đi mãi mãi, Totto-chan đã không kìm được những giọt nước mắt đang rơi. Chúng ta có một Totto-chan dũng cảm, can đảm và tài năng như vậy, thực sự phải cảm ơn người mẹ luôn thấu hiểu, giữ lời hứa và tạo mọi khả năng để con mình phát triển. Phải nói rằng Totto-chan rất may mắn khi được nuôi dạy trong gia đình có tư tưởng tiến bộ. Thay vì thất vọng vì con gái bị đuổi học hết lần này đến lần khác, mẹ của Totto-chan vẫn quyết tâm tìm bằng được ngôi trường phù hợp với con mà không hề nghĩ rằng con mình là đứa hư hỏng. Mẹ Totto-chan lặng lẽ chuyển trường cho con mà không nói cho cô bé biết vì sợ con gái mình sẽ tự ti.
Và không thể không kể đến chú chó Rocky đã gắn liền với tuổi thơ của Totto-chan. Con vật mà em coi là bạn tri kỷ, mọi thứ đều chia sẻ với Rocky. Đó là sự sẻ chia, tình yêu thương, sự trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Khoảnh khắc chú chó cưng biến mất, đau lòng vì tình yêu của Totto-chan dành cho con vật nhỏ bé cũng là lúc Totto-chan học được bài học sâu sắc về sự mất mát, chia lìa. Những mẩu chuyện ngắn về con gà hay con mèo em bắt gặp trên đường đi học về đã lan tỏa đến độc giả tình yêu động vật, khi cô bé có thể tìm thấy niềm vui khi trò chuyện và chăm sóc chúng.
Không thể phủ nhận rằng chính việc được yêu thương, giáo dục đúng cách chính là niềm động lực để cô bé Totto-chan ngày nào quyết tâm trở thành một cô giáo, mở trường học giống ngôi trường Tomoe mà thầy hiệu trưởng đáng kính đã gây dựng và cũng là niềm hy vọng của Tottochan cho sự phát triển toàn diện của nền giáo dục.
Lời Kết
Những bài học, những điều quý giá từ cuốn sách được gửi gắm một cách rất nhẹ nhàng. Giá trị của “Totto-chan bên cửa sổ” là nằm ở khía cạnh giáo dục- lắng nghe trẻ em bằng tình yêu thương. Các em học sinh trường Tomoe có một người thầy hiệu trưởng giàu lòng nhân ái, giàu lòng vị tha, hơn hết là một người thầy biết lắng nghe tất cả mọi câu chuyện của các em, biết cách giúp các em trở nên tốt hơn từ những lỗi lầm và giúp các em xóa bỏ đi những sợi dây tự ti, xấu hổ về bản thân, theo đuổi những gì mà mình yêu thích- một lối giáo dục đi trước thời đại và nhiều thứ nữa. Những câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống của totto-chan, có những cuộc gặp gỡ đầy niềm vui, có những chia ly đầy nước mắt, những trải nghiệm đầy ý nghĩa. Tất cả các giá trị tuyệt vời đó đều được đưa vào trang sách một cách rất nhẹ nhàng và sâu sắc. Nếu bỗng một ngày nào đó, bạn cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa, hoặc cảm thấy mình chẳng thể giống như mọi người xung quanh, hay trăn trở trong việc nuôi dạy con trẻ, hãy tìm đến với “Totto-chan bên cửa sổ” để trải nghiệm và chiêm nghiệm ra rằng cuộc sống vốn không phức tạp như chúng ta hằng nghĩ. “Totto-chan bên cửa sổ” giống như một bức tranh đa chiều và ngập tràn màu sắc. Trong bức tranh đó người đọc cảm nhận được cả tiếng đàn piano, tiếng cười trẻ nhỏ, sự hóm hỉnh và cả những giọt nước mắt,… Hi vọng mọi người sẽ đọc và cảm nhận sự vĩ đại của nền giáo dục xuất phát từ trí tuệ, trái tim của ngôi trường giản dị mà đầy ắp yêu thương-Tomoe; cũng như tìm thấy được niềm hạnh phúc nhỏ bé trong “ Totto-chan bên cửa sổ” nhé!