Lắng nghe là kỹ năng quan trọng nhất để thành công trong mọi cuộc giao tiếp
Một người mẹ muốn kiểm tra thành quả về cách giáo dục con cái của mình. Cô vui vẻ đưa cho cậu con trai nhỏ hai quả táo. Sau đó, cô chờ đợi cậu con trai nhỏ sẽ tặng lại cho mẹ một quả. Nhưng cậu bé nhận lấy hai quả táo từ tay mẹ xong cũng chẳng thèm nhìn mẹ lấy một cái. Cậu cắn ngay mỗi quả một miếng. Người mẹ trẻ cảm thấy rất hụt hẫng, suýt nổi giận và định dạy cho con một bài học về sự tham lam, ích kỷ. Nhưng đúng lúc đó, cậu con trai nhỏ cất giọng:
“Mẹ ơi, mẹ ăn quả này này. Con ăn thử rồi, không chua đâu”.
Và nước mắt của người mẹ đột nhiên rơi xuống.
Bài học rút ra: Đôi khi chúng ta tức giận vì không đủ kiên nhẫn và không có thời gian chờ đợi câu trả lời. Chúng ta cần kiên nhẫn lắng nghe người đối diện nói hết ý của họ, chúng ta mới có thể hiểu hết được tâm tình và mong muốn của người đó. Để lắng nghe tốt bạn hãy học cách để “Lắng nghe thấu cảm”.
Có một ông giáo sư đã chỉ ra rằng 40-70% thời lượng chúng ta dành cho việc lắng nghe, trong khi việc nói chỉ chiếm từ 20 đến 35% mà thôi. Như vậy lắng nghe là một kỹ năng quan trọng mà chúng ta cần rèn luyện để giao tiếp trở nên tốt hơn.
Chúng ta cần phân biệt việc nghe và lắng nghe, nghe nhằm chỉ việc nghe một cách thụ động, bên ngoài có tiếng động và chúng ta nghe được âm thanh đó, còn lắng nghe là nghe có chủ ý, là chăm chú nghe để thấu hiểu và nắm bắt được thông điệp mà người nói truyền tải.
Vậy có chiến lược nào để giúp mình lắng nghe được tốt hơn hay không, mình xin liệt kê một số ở đây:
Thứ nhất: Thống nhất những nguyên tắc cần thiết để hỗ trợ cho việc lắng nghe được hiệu quả: Ví dụ như luôn chỉ có một người nói, còn những người khác thì lắng nghe, không ngắt lời khi người khác đang nói, nếu có thắc mắc hãy viết ra giấy và chia sẻ sau đó.
Thứ hai: Tập trung hoàn toàn vào việc lắng nghe: Hãy bỏ toàn bộ những công việc khác ở bên ngoài để tập trung vào việc lắng nghe.
Thứ ba: Vượt qua rào càn ngôn ngữ: Người nói có thể diễn đạt chưa tốt hoặc khá lòng vòng, khi đó chúng ta cần chú ý đến từ khoá và ngôn ngữ cơ thể của người nói như ngữ điệu giọng nói, cách đứng, vì nhiều khi thông điệp của người nói lại nằm ở đó, hãy cố nắm bắt thông điệp và nội dung của người muốn nói thay vì đi bắt bẻ câu chữ.
Thứ tư: Lắng nghe đồng cảm: Đồng cảm là khả năng của một người thấu hiểu cảm xúc của người khác là cách đặt mình vào người khác để chia sẻ cảm xúc và cảm giác của người đối diện vào thời điểm đó. Vậy thì khi mình lắng nghe hãy cố gắng thử đặt mình vào ngữ cảnh của người nói để hiểu họ hơn.
Thứ năm: Đừng yên lặng, hãy hiện diện: Khi lắng nghe hãy thể hiện sự khích lệ với người nói, ví dụ: Gật đầu, à, ừ, ừ nhỉ là một trong những cách mình thể hiện sự phản hồi của mình với người nói, khích lệ họ nói.
Thứ sáu: Nhắc lại ý của người nói: Sau khi nghe xong hãy nhắc lại nội dung ý chính để chắc chắn mình hiểu rõ điều đối phương muốn nói, trước khi trả lời, hạn chế định hướng hoặc lái ý kiến của đối phương thành một quan điểm khác.
Đây là từ lắng nghe theo chữ Trung Quốc, nó được ghép từ nhiều từ đơn tạo thành từ Lắng nghe mang nhiều ý nghĩa. Nó bao gồm:
Nhĩ (Tai), Mục (Mắt), Tâm (Trái Tim), Nhất (Tại cùng một thời điểm), Vương (Vua)
Cách triết tự của người Trung Hoa đã gửi gắm thông điệp với chúng ta rằng:
Để lắng nghe tốt chúng ta không chỉ sử dụng đến tai, còn phải đồng thời sử dụng mắt để nhìn, trái tim để thấu hiểu, và cần tôn trọng người nói như một vị vua thì việc lắng nghe mới hiệu quả được.
Bạn có bao giờ ngắt lời người nói khi bạn nảy ra một câu hỏi nào đó, hoặc một ý tưởng nào đó liên quan đến chủ đề mà người nói đang chia sẻ, và vì sợ rằng nếu không nói mình sẽ quên mất nên bạn chen vào nói luôn không? Việc này đôi khi làm ảnh hưởng đến người nói, vì họ đang trong luồng suy nghĩ, bị mình cắt đứt mạch nói họ sẽ phải mất một lúc mới lấy lại được phong độ cũ.
Bạn hãy cố gắng hết sức không ngắt lời họ, sử dụng note để ghi chú những điều bạn muốn hỏi trong những trường hợp cho phép sử dụng.Tuy nhiên nếu đứng nói chuyện thì khó ghi chú hơn, vừa phải follow theo lời người nói, vừa phải nhớ những ý mình muốn hỏi, nên nhiều lúc họ nói xong mình cũng quên béng mất là cần phải hỏi gì lúc đó cũng không cần nên áp lực quá. Hãy thử thực hành cách thiền lắng nghe này nhé, nó sẽ giúp bạn nghe tốt hơn và dần dần làm cho khả năng ghi nhớ của bạn cũng sẽ tốt lên.
Thực hành thiền lắng nghe.
Bước 1: Hãy tìm một người bạn và lập thành một nhóm 2 người.
Bước 2: Chọn một chủ đề bất kỳ mà 2 bạn đang muốn trao đổi.
Bước 3: Mỗi người sẽ có 3 phút để nói, trong lúc người này nói người còn lại sẽ chỉ lắng nghe, trong lúc nghe nhớ thể hiện những biểu cảm để người nói biết bạn đang chú ý nghe và đồng tình với chia sẻ của họ.
Bước 4: Dành 3 phút để trao đổi sau khi 2 người đều đã nói xong.
NOTE: Nếu bạn cảm thấy khó để nhớ được những gì người nói đang nói, hay cầm theo một cái bút và 1 tờ giấy để note lại những ý mà họ nói, cũng như những thắc mắc mà bạn có, trách việc ngắt lời người nói trong lúc họ đang cao trào. Rèn luyện việc ghi note dần dần bạn có thể bỏ được việc ghi note mà vẫn nhớ được tốt những thông tin cần thiết.
Chúc bạn rèn luyện được khả năng lắng nghe hiệu quả, lắng nghe tốt giúp bạn rất nhiều không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống nữa.