Tản mạn đôi điều về hạnh phúc

Một buổi chiều thu, cả nước Việt nam của tôi cũng như Thế giới vẫn đang căng mình để chống lại đại dịch COVID-19. Khi đại dịch xảy ra ta mới thấy có những thứ diễn ra sao thật là nhanh, nhưng cũng có những thứ trôi qua thật là chậm và có cả những điều muốn níu giữ mãi mãi.
Mãi mãi, hạnh phúc có là mãi mãi? Đã có hẳn những bài hát tựa đề như vậy như “Hạnh phúc mãi mãi” hay “Hạnh phúc mãi nhé”… Và hôm nay mình muốn giới thiệu cho các bạn một cuốn sách, nếu có thời gian hãy đọc nó vì đọc sách không bao giờ là thừa cũng như cuốn sách có thể sẽ làm thay đổi đôi điều về những suy nghĩ về hạnh phúc trong bạn. Cuốn sách có tên: “Mình nói gì khi nói về hạnh phúc” của tác giả Rosie Nguyễn.

happyCuốn sách là hành trình đi tìm hạnh phúc khác với khuôn mẫu xã hội, là cuộc tìm kiếm từ bên ngoài vào trong, từ chốn đông người tới chỗ không người, tìm từ người khác đến tìm trong chính mình. Đó là một hành trình dài, nơi bạn có thể thấy những thay đổi trong quan niệm và suy nghĩ của người viết, từ một người trẻ nông nổi và nhiệt thành, đến một người đã trưởng thành hơn, trầm lắng hơn, nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống. Bạn sẽ bắt gặp ở đây những niềm vui giản dị, những điều đẹp đẽ trên muôn dặm đường dài, những suy tư về tình yêu, về các chuyến lữ hành, về những ngày đang sống. Hơn thế nữa, đây là cuộc hành trình của những chiêm nghiệm suy tư về hạnh phúc, về mục đích cuộc sống, về thân phận con người.

Cuốn sách chỉ tầm gần 200 trang với lối văn phong đơn giản, mộc mạc, chân thành, các giá trị của nó gợi lên trong lòng độc giả rất nhiều xúc cảm. Cuốn sách gồm 3 phần chính là: SỐNG, YÊU và VUI. Mỗi phần đều gồm các câu chuyện bình dị mà thú vị của tác giả từ lúc còn nhỏ đến hiện nay.

SỐNG

Sống tức là sống hết mình, trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống, cho sự tồn tại của bản thân một ý nghĩa bên trên tất cả các phù phiếm, tầm thường trong đời sống.

Hạnh phúc khi thấy mình được sinh ra. Được trải qua tất cả những vui buồn sướng khổ. Được tư duy và chiêm nghiệm. Ngẫm ra, được làm người đã là hạnh phúc lắm rồi, có cần điều gì khác nữa đâu.
Hạnh phúc đôi khi là những điều rất bình dị: Đi dưới bóng râm của hàng cây trên con đường yêu thích, được ngắm nhìn đường phố nhộn nhịp mà ngày nào ta cũng thấy, hay là khi ngồi ở một quán cà phê yên tĩnh vào một buổi chiều trong tuần, ngồi viết những gì mình thích…

Trong guồng quay của cuộc sống, có những lúc chúng ta vùi đầu vào công việc, chạy theo sự thành công mà quên mất chăm sóc cho bản thân mình. Vậy tại sao không thử một ngày rời khỏi máy tính, xỏ giày vào và bắt đầu chạy bộ. Ưu điểm lớn nhất của môn chạy bộ là bạn không cần phải tập chơi, vì người không có chấn thương hay khuyết tật đều có thể chạy được. Khi bắt đầu, chỉ cần điều chỉnh cách chạy sao cho đem lại hiệu quả cao nhất sau đó từ từ thích ứng cho phù hợp. Cứ như vậy mà duy trì thành thói quen bạn không chỉ cải thiện sức khỏe của mình mà còn khiến đầu óc trở lên thư thái, sức sống và trí tuệ tràn trề. Vì vậy, hãy dành vài phút một ngày rời bàn phím và xỏ giày vào.

YÊU

Yêu tức là nuôi dưỡng tâm hồn mình được an nhiên mà nồng hậu, hiểu rõ các cảm xúc của trái tim ta và nhờ đấy ta biết cách thương mình thương người.
Không người thầy nào có thể giúp người ta trưởng thành nhiều như tình yêu, cũng không gì có thể cho ta biết rõ bản chất con người mình như tình yêu. Trong cuộc sống, tình yêu vốn được cho là một quan trọng để tạo nên hạnh phúc cho con người. Có người tin rằng phải tìm được tình yêu đích thực của mình mới là hạnh phúc viên mãn nhất, nhưng tác giả Rosie Nguyễn lại không hề nghĩ vậy, đối với cô hãy chỉ yêu người khiến mình thấy vui vẻ và không cần phải tiếc nuối nếu chưa tìm được cho mình tình yêu.

VUI

Trong cuộc sống chúng ta có những chuyện vui lẫn chuyện buồn, vậy tác giả Rosie Nguyễn cảm nhận niềm “vui” là như thế nào? Vui nghĩa là sự hài lòng với thực tại một cách có ý thức, tức là không tham muốn những thứ ta chưa sở hữu, không bất mãn với các điều ta đang có nhưng tất nhiên đừng hiểu nhầm nó mang sự lười biếng vô tâm, hững hờ hay an phận. Túm lại, ấy là thái độ lạc quan, vững vàng trước hầu hết hoàn cảnh và sống chú tâm vào những điều tươi đẹp, tích cực cho dù nhỏ nhặt trong đời sống (tất nhiên là vẫn nên giải quyết những điều chưa tốt, nhưng trong tâm thế không tiêu cực, hận thù, mù oán).

Trong cuộc sống cái chết là một đề tài ít khi được nhắc tới, thậm chí cấm kỵ, vì nó đem đến niềm đau buồn gợi đến sự xúi quẩy. Nhưng đã sống ở đời, luôn có những thứ khiến ta nghĩ về cái chết. Nhưng thông qua những câu chuyện của tác giả về cái chết, tôi đã có cái nhìn khác đi về cái chết, bởi cái chết cũng đều mang những ý nghĩa riêng. Và dưới đây là một số suy nghĩ về cái chết được đề cập trong cuốn sách.

– Theo Phật dạy: Sống ở đời, càng thương nhiều thì càng bị ràng buộc nhiều, càng bị ràng buộc nhiều thì càng khổ đau nhiều. Người thân của mình tuy là máu mủ ruột rà nhưng chỉ là người thân trong kiếp này, ba mẹ mình kiếp này là phụ mẫu nhưng kiếp sau biết đâu lại là con cháu hay bạn bè mình. Yêu quý người nào đó thì phải biết cách yêu tâm hồn của họ, con người họ, yêu thương nhưng đừng thường đừng yêu theo kiểu bi lụy, theo kiểu sở hữu đem đến đau đớn cho cả đôi bên.
– Theo Osho: Chết là một phần tất yếu của sự sống. Cũng tất yêu như một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, trời có lúc mưa lúc nắng. Khi một người nào đó mất đi là họ rời bỏ cơ thể già cỗi ốm yếu của mình để đầu thai vào một cơ thể mới hoàn hảo hơn, tươi mới hơn để tiếp tục sứ mệnh linh hồn của mình. Vậy cớ sao ta phải khóc lóc, bi thương thay vào đó hãy cầu nguyện cho họ, thầm chúc rằng họ sớm tìm được một nơi tốt lành để đầu thai, để có thể tìm được nơi tốt đẹp hơn.
– Theo nhiều người phương Tây sống vô thần và thực tế: Đối với họ chết là hết, là vĩnh biệt là diệt vong là tiêu tan mãi mãi, và nhờ vào cái chết để nhắc ta nhớ rằng cuộc sống là hữu hạn, để cố gắng sống tốt hơn.
– Theo tác giả: Nếu chết tại sao không chết trong an lành. Mình đã có nhiều giây phút trong đời hạnh phúc đến nghẹt thở, đến tưởng như có chết ngay tại đó thì vẫn thấy mãn nguyện. Thế thì khi đối diện với cái chết hãy cứ mỉm cười và an nhiên ra đi.

Lời kết
Đừng mải miết tìm kiếm hạnh phúc trong “hào quang hoa lệ”, mà hãy lần mò ở sâu thẳm trái tim. Tại sao chúng ta tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài chính bản thân mình, phải chăng vì chúng ta đã làm mất ở đó? Chẳng có cớ gì để bạn không hạnh phúc.

LIFE IS ABOUT THE LITTE THINGS
Trong quyển sách Nhà giả kim, tác giả Paulo Coelho có kể câu chuyện về một chàng trang đến tìm một nhà thông thái để hỏi về bí quyết làm có được hạnh phúc. Nhà thông thái đưa cho chàng trai một cacis muỗng nhỏ, rồi nhỏ hai giọt dầu vào trong đó. Ông bảo chàng trai đi xung quanh tham quan lâu đài của mình, những hãy giữ cái muuỗng trên tay đừng để sánh dầu ra ngoài. Chàng trai bước đi, mắt không rời khỏi cái muỗng. Vài tiếng sau, anh quay về, hai giọt dầu vẫn còn y nguyên trên muỗng. Nhưng anh đã bỏ qua cả khung cảnh xung quanh, những chiếc thảm quý giá, những cuộn giấy da và khu vườn tráng lệ. Nhà thông thái yêu cầu anh dạo khắp lâu đài lần nữa, nhìn ngắm và tả lại những vẻ đẹp xung quanh. Anh lại bước đi với chiếc muỗng trên tay, quan sát tỉ mỉ tất cả những gì nằm trong tầm mắt. Và lần này quay lại, chàng trai kể cho nhà thông thái nghe một cách chi tiết những gì anh đã thấy, những tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, những loại hoa thơm cỏ lạ, những chi tiết điêu khắc trên tường và bức vẽ hoành tráng trên trần nhà. Những hai giọt dầu thì đã không còn chỗ cũ. Nhà thông thái bảo “Bí quyết của hạnh phúc là biết ngắm nhìn mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian này, mà không hề quên hai giọt dầu trên muỗng.”

Add a Comment

Scroll Up