70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 13)

Nối tiếp phần trước, xin giới thiệu tới các bạn nguyên tắc số 26, 27 trong số 70 nguyên tắc được đúc kết qua cả quá trình khởi nghiệp và đưa Septeni Group trở thành tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về lĩnh vực quảng cáo internet của nhà sáng lập công ty – ngài Nanamura Mamoru.

Nguyên tắc 26. Vượt qua rào cản kinh doanh để tiến tới một thời giới mới

Trong vận hành doanh nghiệp có rất nhiều rào cản. Rào cản ở đây chính là giới hạn mà chúng ta rất muốn mà vẫn chưa vượt qua được.
Trước đây, tôi đã từng trăn trở rất nhiều mà vẫn không thể đạt được “mục tiêu- 20 nhân viên chính thức”. Vào thời điểm đó, tôi đã tự cho rằng công ty do mình thành lập là “một công ty tốt”. Dẫu cho tôi luôn tự tin rằng: không có bất kỳ công ty nào với quy mô tương đương có thể tăng được kết quả kinh doanh đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên như chúng tôi, nhưng thực tế số lượng nhân viên vẫn cứ tăng lên rồi giảm, tăng lên rồi giảm và kết cục là không đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, mỗi lần thử cố gắng vượt qua nhưng rồi thất bại đã giúp tôi mở rộng được tầm nhìn của bản thân. Quả đúng là nếu chinh phục được thách thức thì sẽ nảy ra những ý tưởng mới, từ đó kết quả kinh doanh cũng khởi sắc lên.

Thêm một rào cản nữa tôi muốn nói tới là “Vấn đề nộp thuế”. Chắc hẳn là rất nhiều lãnh đạo đang vô cùng trăn trở về việc nộp thuế.
Theo thống kê trên toàn bộ các ngành, có khoảng 70% số công cty Nhật đang kinh doanh lỗ. Chỉ có 30% số công ty có lãi. Tuy nhiên trong đó có chưa đến 100.000 công ty có lợi nhuận chịu thuế trên 50 triệu yên. Có những công ty thật sự không có lợi nhuận, nhưng cũng có công ty cố tình giảm lợi nhuận chịu thuế đi vì lãnh đạo không muốn nộp thuế.
Trên cương vị là một lãnh đạo, tôi cũng cảm thấy không thoải mái khi lợi nhuận mà mình vất vả kiếm được bị thu thuế. Nhưng cuối cùng, tôi đã vượt qua chính mình và quyết định thực hiện nộp thuế nghiêm túc, đầy đủ.

 

Nếu tính một cách sơ bộ thì nếu thu nhập chịu thuế là 100 triệu yên thì số thuế cần phải đóng là 40 triệu yên. Nhưng với số tiền thuế này công ty có thể củng cố sức mạnh tài chính của mình. Để có thể nộp thuế, các doanh nghiệp cần tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại, mà chính việc tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại này lại khiến cho nguồn lực tài chính của công ty mạnh mẽ hơn. Đứng về phía ngân hàng khi đánh giá doanh nghiệp điều họ quan tâm nhất là lợi nhuận kinh doanh và số tiền nộp thuế có tăng hay không. Ngoài ra nếu lợi nhuận giữ lại tăng thì năng lực tín dụng của công ty mạnh lên, hơn hết tiền thuế là thứ được sử dụng vì cộng đồng nên bản thân việc nộp thuế nhiều chính là đang đóng góp cho xã hội.
Việc đóng khoản thuế 40 triệu yên đối với lãnh đạo mà nói đòi hỏi rất nhiều dũng khí. Có thể nói nộp đủ thuế hay không là nằm ở khí chất và bản lĩnh của lãnh đạo. Tôi cho rằng chính việc dám khẳng định: “Tôi sẽ trả đủ 40 triệu” đã chứng tỏ công ty trưởng thành hơn cả mức bản thân tưởng tượng.

Chương 3: “Customer” rule
Xây dựng một doanh nghiệp hướng tới khách hàng

 

Nguyên tắc 27: Duy trì mối quan hệ 50/50

Có không ít nhà lãnh đạo luôn nói rằng: Khách hàng là thượng đế. Tất nhiên, việc khách hàng lựa chọn công ty mình giữa rất nhiều các doanh nghiệp cùng ngành là rất đáng cảm kích. Tuy nhiên, không vì thế mà mình bắt buộc phải nghe theo bất cứ yêu cầu nào của khách hàng.
Nghe có vẻ hơi ngạo mạn một chút nhưng tôi nghĩ rằng hình thức B to B không cần thiết phải làm hài lòng tất cả các khách hàng. Khách hàng có quyền lựa chọn công ty đối tác, nhưng đồng thời chúng ta cũng có quyền lựa chọn khách hàng của mình. Nhất định không được để giữa khách hàng và công ty mình hình thành mối quan hệ bất bình đẳng. Trên cương vị là công ty đối tác, chúng ta nên dựa trên quan điểm mối quan hệ bình đẳng để làm khách hàng hài lòng hết sức có thể. Có một thời gian, trong xã hội có lan truyền một cụm từ: o ép nhà thầu phụ. Nghĩa là: các công ty lớn liên tục ép các công ty thầu phụ nhỏ và vừa thực hiện những yêu cầu vô lý như: cắt giảm chi phí vượt quá khả năng hay đưa ra deadline bất khả thi. Nếu các thầu phụ có thái độ ngập ngừng thì sẽ bị dọa: nếu không làm được thì sẽ không có lần order thứ hai.

Trong tình hình này, nếu các bên thầu phụ buộc phải đáp ứng những yêu cầu vô lý như vậy thì sẽ không thể hình thành được mối quan hệ 50/50 trên.
Việc này đơn giản là do mức độ lệ thuộc vào bên đối tác đang còn quá cao. Ví dụ một công ty có tỉ lệ hợp tác với đối tác A là 60%, với đối tác B là 30%, với đối tác C là 10% thì trường hợp mất hợp đồng với đối tác A rõ ràng doanh thu sẽ sụt giảm một nửa hoặc thậm chí có nguy cơ dẫn đến phá sản. Chính vì vậy khi bên A có bất kỳ yêu cầu nào thì công ty chỉ có cách duy nhất là chấp nhận. Ở đây không chỉ đơn thuần là chấp nhận để chiều lòng khách hàng, mà thậm chí là đi ngược với nguyên tắc kinh doanh của chính mình. Vì vậy khó mong đợi công ty có thể phát triển lớn mạnh được.

Để tránh tình trạng trên cũng như để xây dựng mối quan hệ 50/50 với khách hàng, tôi thường kiểm soát giá trị giao dịch nhằm giảm mức độ lệ thuộc vào một công ty. Tất nhiên khi mới thành lập thì chỉ có một vài đối tác nên cũng không cần phải kiểm soát nhưng khi khai thác khách hàng mới tôi luôn giữ phương châm là không lệ thuộc vào một công ty nào.
Nhờ vậy, dù có mất một đối tác làm ăn thì công ty vẫn hoạt động tốt. Ngoài ra, kể cả khi một khách hàng thanh toán chậm thì cũng không bị thiếu hụt dòng tiền và tránh được nguy cơ phá sản dây chuyền.
Trên hết là một khi mạng lưới bán hàng được phát triển, từ đó dẫn tới tiềm năng phát triển của công ty sẽ được mở rộng không giới hạn.

(Còn tiếp)

Add a Comment

Scroll Up