Review sách: Ikigai- Đi Tìm Lý Do Thức Dậy Mỗi Sáng

Chắc hẳn những ai đã từng một lần đọc cuốn sách Ikigai – Đi Tìm Lý Do Thức Dậy Mỗi Sáng đều có chung một cảm nhận như mình: Một cuốn sách cô đọng, súc tích, ngắn gọn nhưng chứa đựng một triết lý sống rất nhân văn và lành mạnh.

Cuốn sách có tất cả 9 chương và với mình chương nào cũng rất đáng để đọc, mỗi câu từ trong đó mình đều cảm thấy trân quý, có giá trị và thực sự ý nghĩa.

Nếu bạn thực sự muốn biết bí quyết duy trì sức khỏe, tâm trí và tinh thần của những người sống lâu trăm tuổi tại đất nước mặt trời mọc và muốn tìm công cụ để giúp mình tìm thấy Ikigai của bản thân thì bạn không nên bỏ qua cuốn sách này.

Vậy Ikigai là gì?

Ikigai là một khái niệm xuất hiện trong văn hóa người Nhật ở vùng Okinawa được dịch nôm na là “niềm hạnh phúc của việc luôn bận rộn” hay còn gọi là “lý do tồn tại”. Ikigai đều có trong tất cả mọi người và ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta. Để tìm được nó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn.

Theo những người sinh ra ở Okinawa, hòn đảo có nhiều người sống trăm tuổi nhất thế giới, Ikigai chính là lý do chúng ta thức dậy mỗi sáng.

Việc xác định rõ ràng Ikigai của bản thân sẽ mang đến cảm giác hài lòng, hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi chúng ta.

Những điều mà mình thực sự thấy hay và tâm đắc sau khi đọc được cuốn sách này chính là:

1. Dù bạn làm gì, đừng nghỉ hưu!

Ở Nhật, hiếm có người người Nhật nào lại nghỉ hưu theo đúng nghĩa, họ tiếp tục làm công việc yêu thích của mình chừng nào sức khỏe còn cho phép. Việc có mục đích sống trong văn hóa Nhật Bản quan trọng tới mức quan niệm nghỉ hưu không có chỗ để tồn tại

2. Dừng ăn khi cảm thấy dạ dày đã lấp đầy khoảng 80%

  • Người xưa thường khuyên chúng ta không nên ăn đến khi no căng. Do đó, người Okinawa dừng ăn khi cảm thấy dạ dày đã đầy khoảng 80% thay vì ăn quá mức. Việc ăn quá mức khiến cơ thể kiệt sức bởi thời gian tiêu hóa kéo dài, dẫn đến đẩy nhanh quá trình oxy hóa tế bào.
  • Không có phương pháp nào để biết một cách khách quan khi nào dạ dày đã đầy 80%, bí quyết của người Nhật ở đây là chúng ta nên dừng ăn khi bắt đầu cảm thấy no. Người Nhật thường bày món ăn trên nhiều đĩa nhỏ để có xu hướng ăn ít hơn, việc dọn nhiều đĩa ăn trước mặt tạo cho bạn cảm giác sắp sửa ăn rất nhiều nhưng sau khi ăn bạn sẽ cảm thấy hơi đói.

3. Tạo mối liên kết bền chặt trong cộng đồng

Ở Okinawa có một tập quán gọi là Moai. Một Moai là một nhóm không chính thức của những người có những mối quan tâm chung và chăm sóc lẫn nhau. Các thành viên trong một moai sẽ đóng góp định kỳ hàng tháng cho nhóm nhằm tham gia các buổi hội họp, ăn tối, chơi cờ vây hoặc bất cứ sở thích chung nào giữa họ. Nếu còn thừa tiền, một thành viên trong nhóm(theo thứ tự luân phiên) sẽ được nhận một khoản cố định từ số tiền thừa đó để giúp họ duy trì sự ổn định về mặt tinh thần và tài chính.

4. Duy trì một tâm trí năng động, dễ thích ứng là một yếu tố quan trọng để giữ được sự trẻ trung

  • Thiếu rèn luyện thể chất sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể và tâm trạng, còn thiếu rèn luyện tâm trí cũng gây hại vì nó khiến các nơ ron và kết nối thần kinh suy kém , kết quả là làm giảm khả năng phản ứng của chúng ta với môi trường xung quanh.
  • Khi tiếp xúc với thông tin mới, não bộ sẽ tạo ra những kết nối mới và được tiếp thêm sinh lực, vì thế việc cho phép bản thân tiếp xúc với những điều mới mẻ là rất quan trọng. Xử lý các tình huống mới, học hỏi điều mới mẻ mỗi ngày, chơi trò chơi và tương tác với người khác là những chiến lược chống lão hóa thiết yếu cho tâm trí
  • Ngoài ra biết cách tiếp cận những thách thức, khó khăn với một thái độ tích cực cũng là một cách giảm tốc độ lão hóa.

5. Chú tâm đến việc giải tỏa stress

  • Stress là một tác nhân gây hại cực kỳ nguy hiểm, nó phá hủy các tế bào khỏe , dẫn đến căng thẳng thần kinh, ảnh hưởng tới mọi thứ từ hệ tiêu hóa đến làn da và khiến chúng ta bị lão hóa sớm. Vì vậy việc giải tỏa stress là vô cùng quan trọng.
  • Cuốn sách cũng chỉ ra cho chúng ta cách để giải tỏa stress là tập trung vào chính bản thân mình: nhận biết những phản ứng của mình, ngay cả khi chúng chỉ là thói quen, từ đó có thể ý thức một cách đầy đủ về chúng –> bằng cách này chúng ta có thể kết nối với hiện tại và giới hạn những suy nghĩ có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát.
  • Một trong những phương pháp để tập trung vào bản thân chính là thực hành chánh niệm thông qua các bài tập thở, yoga và thiền quét cơ thể

6. Đừng nên ngồi quá nhiều

Ngồi quá nhiều ở văn phòng hay ở nhà không chỉ làm giảm cơ bắp, sức khỏe đường hô hấp, mà còn làm tăng sự thèm ăn và ức chế ham muốn vận động, dẫn đến chứng tăng huyết áp, mất cân bằng ăn uống, bệnh tim mạch, loãng xương và cả một số loại ung thư.

Để hạn chế tình trạng ngồi nhiều, bạn chỉ cần bỏ ra một chút nỗ lực và thực hiện vài thay đổi nhỏ trong lịch sinh hoạt của mình để giúp bản thân cảm thấy khỏe hơn cả trong lẫn ngoài như:

  • Đi bộ đi làm, hoặc đi bộ ít nhất 20 phút mỗi ngày
  • Đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy hoặc thang cuốn
  • Tham gia các hoạt động xã hội hoặc giải trí để hạn chế thời gian ngồi trước màn hình tivi
  • Thay thế các loại đồ ăn vặt bằng hoa quả
  • Ngủ đủ giấc, ngủ từ 7 tiếng – 9 tiếng là tốt nhất
  • Chơi với trẻ em hoặc thú cưng, hoặc chơi một môn thể thao nào đó
  • Tự ý thức về những thói quen hàng ngày để phát hiện ra những thói quen có hại và thay thế bằng thói quen mới tích cực hơn

7. Một số phương pháp giúp tìm ra Ikigai của bản thân

Liệu pháp ý nghĩa là một trong những phương pháp đầu tiên mà tác giả đưa ra để giúp bạn tìm ra lý do sống, khám phá mục đích sống của chính mình

Ý tưởng chính của liệu pháp ý nghĩa là:

  • Chúng ta không tạo ra ý nghĩa cuộc đời mình, mà chúng ta khám phá nó
  • Mỗi người có một lí do riêng để tồn tại, và lý do đó có thể điều chỉnh hoặc biến đổi nhiều lần theo năm tháng
  • Việc lo âu thường mang lại chính xác điều mà chúng ta e sợ, sự chú ý quá mức đến ham muốn có thể khiến ham muốn đó không được thỏa mãn
  • Sự hài hước có thể phá vỡ chu kỳ tiêu cực và làm giảm lo âu
  • Tất cả chúng ta đều có khả  năng làm những điều cao cả hoặc tồi tệ. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của chúng ta chứ không phải vào hoàn cảnh cá nhân

Tiếp đến là liệu pháp Morita, một liệu pháp giúp chúng ta chấp nhận cảm xúc của mình mà không cố gắng kiểm soát, tìm cách tạo ra những cảm xúc mới trên cơ sở các hành động

Nguyên tắc cơ bản của liệu pháp Morita là:

  • Chấp nhận cảm xúc của bản thân: chúng ta không tạo ta cảm xúc của mình, chúng đơn giản là đến với ta, do đó ta phải chấp nhận chúng
  • Làm điều nên làm: chúng ta không nên tập trung vào việc xóa bỏ triệu chứng, thay vì đó chúng ta nên tập trung vào hiện tại, nếu đang đau khổ thì hãy chấp nhận nỗi đau khổ đó – tránh suy nghĩ thái quá
  • Khám phá mục đích sống của bản thân: chúng ta không thể kiểm soát cảm xúc nhưng có thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình mỗi ngày. Do đó chúng ta cần nhìn vào bên trong bản thân để tìm ra ikigai của chính mình

Cả 2 liệu pháp trên đều dựa trên một kinh nghiệm có tính cá nhân, độc nhất, vốn có thể tiếp cận được mà không cần tới các chuyên gia trị liệu hay khóa tu: đó chính là sứ mệnh tìm kiếm ikigai

8. Đạt tới trạng thái trôi trong mọi việc mình làm

Trạng thái trôi là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn đi tìm và sống theo ikigai của chính bản thân mình

Trạng thái trôi là hoàn toàn đắm mình vào công việc đang làm, ý thức về thời gian như biến mất.

Trạng thái trôi vốn là bí ẩn nhưng càng luyện tập, bạn càng trôi nhiều hơn và càng đến gần ikigai của mình hơn

Vậy có những điều kiện gì để đạt được trạng thái trôi?

Tác giả cũng đưa ra 7 điều kiện để đạt được trạng thái trôi là:

  • Biết đang làm gì
  • Biết phải làm thế nào
  • Biết bản thân làm tốt đến mức nào
  • Biết đích đến
  • Nhận thức được những thách thức chính
  • Nắm được những kỹ năng quan trọng
  • Không bị sao lãng

Và để tăng thêm cơ hội đạt được trạng thái trôi, chúng ta có thể áp dụng một vài chiến lược sau đây:

  • Chiến lược 1 – Chọn một nhiệm vụ khó khăn(nhưng đừng quá khó): Khuyến khích thực hiện những nhiệm vụ có khả năng hoàn thành nhưng hơi vượt ra khỏi vùng an toàn của chúng ta. Thường là chọn một nhiệm vụ vừa phải, phù hợp với năng lực nhưng nâng cao hơn một chút để thử thách bản thân
  • Chiến lược 2 – Có mục tiêu rõ ràng, cụ thể: Có một mục tiêu rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được trạng thái trôi, nhưng khi bắt đầu công việc chúng ta cũng phải biết cách bỏ nó lại phía sau, chúng ta nên giữ mục tiêu trong tâm trí mà không để nó ám ảnh.
  • Chiến lược 3 – Tập trung vào một việc duy nhất: chúng ta thường nghĩ rằng làm nhiều việc cùng một lúc là tiết kiệm thời gian nhưng bằng chứng khoa học đã chỉ ra điều đó hoàn toàn phản tác dụng vì não của chúng ta có thể tiếp nhận hàng triệu bit thông tin nhưng kỳ thực chỉ xử lý được vài chục bit mỗi giây. Để tập trung được vào một công việc, chúng ta cần ở trong một môi trường không bị phân tâmkhông ngừng kiểm soát mọi thứ mình đang làm. Tập trung vào một việc giúp chúng ta dễ dàng đạt được trạng thái trôi, nâng cao năng suất, tăng cường trí nhớ, giảm thiểu nguy cơ sai sót, giúp chúng ta bình tĩnh và kiểm soát công việc trước mắt, giúp chúng ta trở nên ân cần hơn khi tập trung toàn bộ sự chú ý đến những người xung quanh và tăng cường tính sáng .

Để tạo ra được một không gian và thời gian không bị phân tâm, chúng ta có thể thực hiện một vài ý tưởng sau đây:

  • Không nhìn vào bất cứ loại màn hình nào trong một giờ đầu tiên sau khi thức dậy và một giờ cuối cùng trước khi đi ngủ
  • Tắt điện thoại trước khi bạn đạt được trạng thái trôi
  • Chỉ định một ngày trong tuần(có thể là thứ 7 hoặc chủ nhật) để nhịn công nghệ
  • Đến một quán cafe không có wifi
  • Chỉ đọc và trả lời email một hoặc hai lần mỗi ngày
  • Áp dụng phương pháp Pomodoro
  • Bắt đầu ngày làm việc bằng một nghi thức ưa thích và kết thúc bằng một phần thưởng
  • Thực hành chánh niệm, tản bộ hoặc đi bơi để giúp bạn tập trung
  • Làm việc trong một không gian có thể tập trung được
  • Gom các công việc thường làm hàng ngày lại và thực hiện tất cả trong một lần

Khi đã đạt tới trạng thái trôi, bạn có thể tìm ra ikigai của bản thân mình bằng cách hãy viết tất cả chúng ra giấy rồi tự hỏi bản thân những câu sau:

  • Những hoạt động giúp bạn đạt được trạng thái trôi có điểm chung gì?
  • Tại sao những hoạt động đó khiến bạn trôi?
  • Những hoạt động ưa thích nhất của bạn là những hoạt động bạn làm một mình hay làm với người khác
  • Bạn cảm thấy trôi lâu hơn khi thực hiện những hoạt động đòi hỏi phải vận động cơ thể hay chỉ cần tư duy?

9. Hạnh phúc nằm ở quá trình thực hiện chứ không phải ở kết quả

Những người hạnh phúc nhất không phải là những người đạt được nhiều thành tựu nhất, họ là những người dành nhiều thời gian ở trạng thái trôi hơn người khác, dành nhiều thời gian để làm những điều mình thích

10. Đừng lo nghĩ

Bí quyết để sống lâu là đừng lo nghĩ và giữ cho trái tim luôn tươi trẻ, nở một nụ cười tươi và mở rộng trái tim với mọi người

11. Trau dồi những thói quen tốt

Bạn nên thực hiện 3 điều: tập thể dục để giữ sức khỏe, ăn uống tốt và dành thời gian với mọi người

12. Nuôi dưỡng tình bạn mỗi ngày

Tụ tập, trò chuyện mỗi ngày với những người bạn yêu quý

13. Sống không vội vã

Sống thanh thản và tận hưởng từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chỉ làm một việc tại một thời điểm để không bị ngợp trong công việc

14. Họ tập cách ăn uống lành mạnh

Nên ăn uống với chế độ nhiều rau , củ quả, cá và ngũ cốc mỗi ngày, giảm lượng tiêu thụ đường – muối và hấp thu ít calo hơn.

Những chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong chế độ ăn của người Okinawa:

  • Đậu phụ
  • Súp miso
  • Cá ngừ
  • Cà rốt
  • Dưa hấu
  • Rong biển
  • Cải bắp
  • Hành tây
  • Giá đậu nành
  • Dưa chuột
  • Khoai lang
  • Ớt
  • Trà hoa nhài
  • Đặc biệt là trà xanh và trà trắng

15. Vận động nhẹ nhàng , tuổi thọ dài hơn

  • Các nghiên cứu cho thấy những người sống lâu nhất không phải là những người tập thể dục nhiều nhất mà là những người vận động nhiều nhất.
  • Họ tăng cường vận động mỗi ngày mà ko nhất thiết phải đến các phòng tập Gym
  • Họ đi bộ rất nhiều, dậy từ sáng sớm hoặc ra vườn làm cỏ
  • Chúng ta có thể sử dụng các bài tập nhẹ nhàng để mang lại lợi ích sức khỏe như: tập Yoga, Thái Cực Quyền, Khí Công…

Add a Comment

Scroll Up