70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 5)

 

Nguyên tắc 10: Duy trì nhiệt huyết

Nguyên tắc kinh doanh thứ 6, đó là “Nhiệt huyết”.
Trong kinh doanh, cần có năng lực mở lối đi riêng bằng việc luôn mang trong mình ý chí, nhiệt huyết và niềm tin dù có khó khăn thế nào đi nữa thì cuối cùng nhất định sẽ thành công.
Lúc khởi nghiệp, tôi cùng 7 thành viên sáng lập đã có 2 lời thề: “Không xây dựng mô hình công ty gia đình” và “Trong vòng 10 năm công ty sẽ lên sàn chứng khoán”. Lúc bấy giờ việc “lên sàn trong vòng 10 năm” là một ý tưởng vô cùng hoang đường.
Hiện nay không ít công ty mới khởi nghiệp đã có thể lên sàn được, nhưng thời của tôi theo thống kê thì trung bình phải mất khoảng 30 năm. Trong bối cảnh đó, có khoảnh khắc tôi cảm thấy mục tiêu “10 năm lên sàn” thực sự là một việc quá sức nhưng tôi nghĩ đã làm thì phải xây dựng một mục tiêu cao và phải nỗ lực đến cùng.
Khi giữ vững được nhiệt huyết thì cơ hội từ khắc sẽ đến với bạn. Thực tế là vào những năm 1990, một số sàn chứng khoán mới như TSE Mother, NASDAQ JAPAN đã được thành lập, và việc lên sàn của các công ty trẻ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, việc giữ được nhiệt huyết thực sự khó khăn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Bất cứ việc gì, cho dù khi mới bắt đầu ta rất có động lực để thực hiện, nhưng khi gặp những trở ngại hoặc khi làm mãi một việc gì đó, thì nhiều khi ta dễ tặc lưỡi bỏ dở giữa chừng.
Ngoài ra, có những người trong quá trình nỗ lực để đạt mục tiêu cao, mặc dù quyết tâm cao độ nhưng lại chỉ đạt được mục tiêu rất nhỏ làm mất hết nhuệ khí, giống như rơi vào “hội chứng burn out (mất động lực)”. Mục tiêu đặt ra nếu đạt được thì tốt nhưng không ít trường hợp lấy lí do bao biện để từ bỏ trước khi đạt được.
Đương nhiên, việc từ bỏ mục tiêu đã đề ra để tìm hướng đi khác cũng không hẳn là xấu. Nhưng tôi cho rằng việc không biết cách giữ ngọn lửa đam mê khiến nó lụi tàn lúc nào không hay dẫn tới phải từ bỏ thì thật đáng tiếc.
Vậy cách để có thể duy trì nhiệt huyết chính là “Nhận thức rõ ràng về mục tiêu của mình”. Hãy suy nghĩ, mường tượng thật nhiều đến mục tiêu, lựa chọn cách làm khôn ngoan nhất để đạt được nó. Sức mạnh ý chí sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Chỉ cần đạt được một phần nào đó để tiến gần đến mục tiêu là ngọn lửa đam mê sẽ lại bùng lên. Đây chính là cách để duy trì nhiệt huyết. Quan điểm đã mất công làm thì phải đặt mục tiêu cao, làm một cách “có đam mê” của tôi đến tận bây giờ vẫn không hề thay đổi.

Nguyên tắc 11: Cân bằng giữa TỰ DO và KỶ LUẬT

Nguyên tắc quản lý số 7 chính là “Free & rules”.
Việc tôi muốn truyền tải ở đây chính là tính quan trọng của việc giữ cân bằng. Tuy không thể xây dựng được “Nguyên lý phát triển” chung cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng có thể khẳng định rằng “Cảm giác cân bằng về mọi mặt chính là yêu tố cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp”. Khi công ty càng lớn, thì yếu tố tự do càng mất dần. Khi mất đi sự tự do thì tốc độ phát triển và tính linh hoạt cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác cũng cần duy trì việc quản lý, vì chìa khóa của sự phát triển chính là việc ta có thể cân bằng được giữa sự tự do và việc quản lý. Có thể nói đối với nhiều công ty khởi nghiệp, việc vận hành rất đơn giản trong thời gian đầu. Chỉ cần bản thân nghĩ rằng ” sẽ làm được” thì sẽ có thể thử bất cứ điều gì. Ngược lại, nếu nhận định là “Không được” thì cũng có thể rút lui nhanh chóng. Cũng như vậy, nhân viên ở mức độ nào đó có thể làm việc một cách tự do và không bị khiển trách ngay cả khi thất bại. Nhờ vậy có thể xử lý linh hoạt với từng trường hợp.
Công ty chúng ta khi mới khởi nghiệp vì chỉ có 7 thành viên sáng lập từ công ty Recruit nên môi trường cũng vô cùng tự do thoải mái. Chính vì vậy mà bầu không khí lúc đó giống như tinh thần hoạt động nhóm thời đại học “Thất bại cũng không sao cứ thử làm đã”. Tuy nhiên, khi tổ chức lớn dần lên thì “sự tự do” này cũng dần mai một. Các quy định hoặc việc tuân thủ pháp lý trở thành ưu tiên hàng đầu và việc đưa ra quyết định không nhanh như trước nữa.
Lý do đầu tiên là bởi vì doanh nghiệp không còn đơn thuần thuộc về các nhà lãnh đạo và nhân viên nữa, khi lên sàn thì công ty sẽ thuộc về các cổ đông. Nên nhân viên không thể tùy ý đưa ra những định hướng đối với công ty được. Ngoài ra, bắt đầu phát hành cổ phiếu, công ty sẽ được đánh giá bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa vào doanh thu.
Hiển nhiên rằng, dù có doanh số tương đương nhau nhưng các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật như ép nhân viên làm việc thêm giờ, hoặc thiếu đạo đức sẽ bị đánh giá thấp hơn.
Thêm vào đó, khi số lượng nhân viên tăng lên thì đương nhiên là sẽ cần phải có quy chuẩn cho tất cả mọi người. Việc mỗi cá nhân tự do làm theo ý muốn của mình sẽ khiến cho việc quản lý trở nên khó khăn, và dẫn đến những tổn thất cho tổ chức. Chính vì thế cần phải tạo ra nhiều quy tắc (rule) và yêu cầu để công ty và nhân viên cùng tuân thủ.
Một khi sự tự do bị mất đi thì động lực cũng sẽ biến mất. Những công ty mà giai đoạn khởi nghiệp có tiềm lực mạnh nhưng khi mở rộng qui mô bị mất tốc độ tăng trưởng thì hầu hết là do nguyên nhân này gây ra. Đây rõ ràng là nguyên nhân gây tổn hại đến sự phát triển của doanh nghiệp, do không ít ý tưởng đột phá mang lại sự khác biệt cho các công ty khác cùng ngành được sinh ra từ môi trường văn hóa mở. Chính vì lẽ đó tôi hiểu rõ những nguy cơ của việc mất tự do. Nhiệt huyết của công ty sẽ mất nếu như việc gì cũng không thể làm, việc gì cũng không thể thay đổi.
Vì thế công ty đã tạo ra rất nhiều cơ hội để nhân viên có thể đề xuất ý tưởng mà mình ấp ủ với lãnh đạo, chẳng hạn như tổ chức cuộc thi “Business contest”, nơi nhân viên đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới, hay cuộc thi viết luận để đưa ra ý tưởng cải tiến từ đó xây dựng chế độ mới tốt hơn cho công ty. Việc mọi người có thể cùng đóng góp ý tưởng một cách tự do, và công ty thay đổi theo những ý tưởng đó là văn hóa đang được hình thành.
Việc đảm bảo trật tự kỷ cương của công ty mà ở đó duy trì 2 khái niệm đối lập là “Tự do và kỷ luật” chính là để xây dựng/nuôi dưỡng tính sáng tạo nhằm hướng tới một công ty lớn mạnh được mọi người công nhận.

Add a Comment

Scroll Up