70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 9)

Nguyên tắc 18. Công tư phân minh

“Lãnh đạo công ty không phân minh” là 1 trong “5 nguyên nhân khiến công ty phá sản” mà tôi đã nghiệm ra khi khởi nghiệp.

“Công tư không phân minh” là từ mà các lãnh đạo thường không muốn nghe hoặc rất khó giải quyết.

Ở các công ty startup thường không tránh khỏi việc người sáng lập hay lãnh đạo có phần nào đó lẫn lộn giữa công và tư. Lí do là bởi khi đó họ luôn đau đáu về công việc của công ty, về nhân viên…bất kể sớm tối. Những cuộc gặp gỡ với khách hàng cũng trở thành việc riêng của cá nhân nên đương nhiên không thể tách bạch.

Quan điểm của tôi là riêng chuyện tiền bạc thì tuyệt đối không được công tư lẫn lộn.

Giả dụ như khi mới thành lập, dòng tiền chưa ổn định thì hối phiếu sẽ bị từ chối thanh toán nếu đến hạn mà không có tiền. Để tránh việc này thì chủ doanh nghiệp có khi phải bỏ tiền túi ra để xử lý. Việc trả lương cho nhân viên cũng tương tự. Tôi luôn tâm niệm rằng dù gặp chuyện gì đi nữa cũng không được phép chậm trả lương. Để giữ được quan điểm đó, thậm chí đã có lúc tôi phải bỏ tiền túi ra để chi trả. Tôi tự trách bản thân vì đã không tách bạch rõ ràng tiền cá nhân và tiền công ty dẫn đến hệ quả nghiêm trọng là không nhìn được dòng tiền, không nắm rõ được thực trạng của công ty.

Cũng có trường hợp ngược lại: lấy của công làm của riêng. Giả sử giám đốc dùng tiền của công ty để tiêu xài hoang phí, nhưng đó là để thiết đãi đối tác làm ăn, thì tôi nghĩ rằng sẽ không có nhân viên nào dám ra mặt phê phán. Tuy nhiên, dù không nói ra thành lời nhưng nhân viên vẫn sẽ để ý và cho rằng: “Thường ngày, giám đốc luôn nhắc nhở nhân viên không được lãng phí tiền bạc của công ty nhưng bản thân ông ấy thì lại đang tiêu xài hoang phí.” Điều đó khiến cho nhân viên không hiểu họ đang làm việc vì điều gì. Nếu nhân viên nghĩ là “mình đang làm việc cho giám đốc….” thì dù giám đốc có nói gì họ cũng không thấu hiểu bởi cảm giác “công ty của giám đốc” chứ đâu phải “công ty của chúng ta”.

Cách tốt nhất để tránh tình trạng công tư lẫn lộn như vậy là khi công khai tình hình kinh doanh của công ty thì phải dùng lý trí để cân nhắc từng hành động sao cho nhân viên không cảm thấy bất mãn. Tôi cho rằng người lãnh đạo phải luôn luôn tự đặt ra các câu hỏi, tự trả lời và đối mặt với mọi thử thách trong kinh doanh.

 

Nguyên tắc 19. Hiểu rõ số liệu trong báo cáo B/S, P/L

Ở chương về công tư phân minh có đề cập đến “vấn đề tiền bạc” nên tôi xin phép được tiếp tục chủ đề này.

Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ với các bạn là: đối với người lãnh đạo thì “Hiểu chính xác sổ sách quyết toán, đặc biệt là B/S và P/L” là kỹ năng bắt buộc.

B/S là viết tắt của Balance Sheet (bảng cân đối kế toán) là một trong những báo cáo tài chính phản ánh tình trạng hoạt động của một công ty. B/S và P/L là báo cáo của cùng 1 công ty trong cùng 1 thời kỳ nên đương nhiên có liên quan đến nhau. Nếu kiểm tra thêm cả báo cáo lưu chuyển tiền tệ (C/F) thì có thể nhìn ra những điểm sai lệch đã được che giấu để làm đẹp báo cáo.

Là một lãnh đạo doanh nghiệp, khi xem báo cáo quyết toán của công ty mình, bạn đã thực sự hiểu từng con số và lý do vì sao có kết quả như vậy chưa? Việc giao phó hết cho kế toán thuế hay kế toán mà không kiểm tra cẩn thận là vấn đề gặp phải do chúng ta không thấy được “hiện thực” từ những con số mách bảo.

Với một người tháng nào cũng đọc kỹ sổ sách kế toán trong suốt 25 năm như tôi thì chỉ cần nhìn lướt qua cũng có thể phát hiện ra số liệu bất thường. Như thể B/S và P/L đang mách bảo tôi là “chỗ này có vấn đề”. Nhờ đọc B/S và P/L mà tôi có thể nhận ra những thay đổi của công ty dù là rất nhỏ. Có trường hợp chỉ đơn giản là tính toán nhầm lẫn nhưng cũng có trường hợp phải đặt dấu hỏi liệu có sai phạm gì không. Sự thay đổi dù rất nhỏ của các con số cũng có thể giúp ta nhanh chóng nhận ra công ty đang tốt lên hay xấu đi.

Ví như cơ thể con người, B/S và P/L giống như các chỉ số trong kết quả xét nghiệm máu. Việc đánh giá xem các chỉ số về Cholesterol và đường huyết có cao hơn so với kết quả những lần xét nghiệm trước hay không sẽ giúp ta có thể phát hiện và chú ý phòng tránh để không bị bệnh. Những nhà lãnh đạo không hiểu hoặc không quan tâm đến B/S và P/L sẽ khó nhận ra ngay được những thay đổi đang diễn ra trong chính bản thân mình dẫn đến hậu quả là khi phát hiện ra thì đã muộn.

Ông Kazuo Inamori của Kyocera tuy xuất thân từ lĩnh vực kỹ thuật nhưng là người vô cùng thông thạo về báo cáo tài chính. Việc hiểu rõ về tài chính giúp ông đặt ra những nghi vấn trong việc quyết toán nhờ đó giúp doanh nghiệp trở nên vững mạnh hơn.

(còn tiếp)

Add a Comment

Scroll Up