“Ngày xưa có một chuyện tình”

“Khuyết một nửa tôi đợi chờ một nửa

Như rằm chờ một nửa của vầng trăng

Như câu hỏi đợi một người để hỏi

Bạn có là một nửa của tôi chăng?”

Ngày xưa có một chuyện tình - Sách Hay

Vẫn là Nguyễn Nhật Ánh với những câu chuyện dành cho tuổi mới lớn, những lần được trở về ngày xưa với các nhân vật trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Vẫn là những câu chuyện nho nhỏ, những trò nghịch ngợm đáng yêu, vẫn duyên, vẫn nhẹ nhàng như giọng văn Nguyễn Nhật Ánh vốn thế. Thế nhưng “Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình” khác với những cuốn sách trước đây của Nguyễn Nhật Ánh vì đó là câu chuyện tình yêu tuổi học trò không còn mơ mộng mà trực diện nói đến các vấn đề về giới tính, về sự hèn nhát và lòng cao thượng, đổ vỡ và hàn gắn trong tình yêu. Với những người lần đầu đọc chuyện của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, khi đọc những chương đầu tiên của cuốn sách này có thể họ đã bỏ giữa chừng và cho rằng đây là chuyện con nít. Thế nhưng với những ai đã thực sự phiêu lưu cùng ngòi bút của tác giả đến những chương sách cuối cùng mới thực sự trải nghiệm được thông điệp rõ ràng của ông: câu chuyện này vốn dĩ chưa bao giờ được viết dành cho trẻ con cả. Nó được xây đắp bởi những chiêm nghiệm, những trăn trở khi trẻ con đã không còn là trẻ con nữa, mà phải bước qua nấc thang thời gian để trở thành người lớn.

Một câu chuyện tình tay ba tuổi học trò…

“Tình bạn là mảnh đất màu mỡ để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình.” Như thường lệ Nguyễn Nhật Ánh đã viết về tuổi học trò, đây là điểm mạnh nhất trong ngòi bút của tác giả, điều này ngay lập tức chinh phục cả trẻ con lẫn người lớn. “Ngày xưa có một chuyện tình” là một chuỗi diễn biến xen kẽ các tình tiết từ thời còn là học sinh đến khi trưởng thành của ba nhân vật chính Vinh – Miền – Phúc. Tác phẩm kể về mối tình thuở thơ ấu của 3 nhân vật: Vinh và Phúc là đôi bạn thân, thế nhưng cả hai đều đem lòng yêu thương cô bạn Miền học cùng lớp mình.

Vinh thích Miền, ngay từ lúc mới là cậu học sinh cấp hai, bất chấp bạn bè xa lánh, bất chấp những trận đòn oan từ ông anh côn đồ của Miền chỉ để được chơi với Miền, được gần Miền. Rồi cứ thế, như một mầm cây lớn dần theo năm tháng, cái tình cảm giản dị mà chân thành ấy lâu dần trở thành “yêu”. Miền là con gái, nên có sự nhạy cảm hơn bình thường, và nó biết tình cảm của Vinh. Nhưng nó lại gặp Phúc – bạn thân chí cốt của Vinh. Vinh và Phúc là đôi bằng hữu chia ngọt sẻ bùi từng chút, từng chút một trong cuộc sống. Ở Phúc toát ra sức hấp dẫn khiến Miền không sao cưỡng lại được. Ở cái tuổi mới lớn, còn nhiều bỡ ngỡ và sự ngây thơ, Miền bất chấp mọi thứ kể cả Vinh để ở bên Phúc. Còn Phúc, tuy biết Vinh thích Miền, nhưng bản thân nó cũng không cản nổi tình cảm của mình dành cho Miền. Nên nó ích kỷ, đến bên Miền. Tình cảm của Vinh được thể hiện ngay từ những chương đầu của tác phẩm, còn tình cảm của Phúc thì âm thầm, lặng lẽ và khó đoán. Miền và Phúc trở thành một cặp, trong sự đau lòng của Vinh. Hiển nhiên ta có thể hình dung ra việc Vinh ở giữa không hề dễ dàng gì. 

Mô típ chọn người mình yêu hay người yêu mình đã trở nên quá quen thuộc trong những cuốn tiểu thuyết mình đã đọc. Nhưng với 3 nhân vật này, và với ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, ông đã tạo ra hoàn cảnh không thể tội nghiệp hơn giữa họ. Bởi lẽ cuộc đời luôn có cái giá của nó, số phận mỗi nhân vật thì nằm trong tay tác giả. Vinh không nhận được tình cảm của Miền thuở ban đầu, và Phúc thì không thể ở bên Miền nửa về sau.

Một tình yêu ngang trái…

Chuyện tình tay ba tưởng chừng như sẽ làm mất đi vĩnh viễn tình bạn nhưng không, bằng tất cả lòng cảm thông và sự cao thượng của Vinh, chúng nó vẫn giữ nguyên vẹn được thứ tình bạn đẹp đẽ đó. Cho đến ngày Phúc bỏ đi không một tin tức, để lại cả một dấu lặng trong lòng người đọc, đặc biệt là với Miền. Điều đó đã làm đảo lộn cuộc đời của cả 3 đứa Vinh – Miền – Phúc. Tuổi học trò kết thúc khi Miền có thai, sinh em bé và Phúc biến mất khỏi thị trấn Gò Rùa.

Sau khi Phúc biến mất, Vinh một mình trống trải suốt những năm tháng còn lại của thời học sinh. Một thời gian sau, Miền trở về nhưng không tiếp tục đi học nữa, thay vào đó Miền ở nhà trông bé Su – con của Miền và Phúc. Thế mà Vinh vẫn mặc, vẫn muốn cưới Miên dù biết cuộc hôn nhân ấy là tình cảm từ một phía, chấp nhận bé Su và nhận mình là cha của đứa bé. So với bao nhiêu chàng trai soái ca, học giỏi, tốt bụng hay được miêu tả trong những câu chuyện ngôn tình khác vốn không được cô gái nhân vật chính yêu thương, Vinh may mắn hơn khi cuối cùng cũng cưới được Miền. Vinh biết, nó vẫn yêu Miền như ngày nào. Miền cũng vậy. Cô yêu Phúc dù với Phúc với cô lại chỉ như một cơn cảm nắng chợt đến chợt đi. Cô tìm đủ mọi lý do để tự thuyết phục mình chờ đợi trong suốt tám năm Phúc bỏ đi không một lời chào. Vậy mà khi Phúc trở về, trái tim Miên vẫn cứ loạn nhịp. Nếu nói đúng ra, Miền không nên đến với Vinh khi mà trong lòng cô vẫn chỉ có một tình yêu thời tuổi trẻ. Nhưng vì đứa trẻ, vì cả chính cô nữa, Miền vẫn lựa chọn trở thành vợ của Vinh.

Nhiều năm sau đó, lại một lần nữa sự xuất hiện của Phúc khiến hạnh phúc của Vinh đứng trước tình cảnh tan vỡ. Phúc trở về khi Vinh và Miền đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. 

Có lẽ mọi thứ đã trở nên thật giản đơn nếu như hồi đó, Miền đã không trao trọn vẹn cho Phúc để rồi bé Su ra đời khiến ngày gặp mặt của những người bạn trở nên gượng gạo và khó xử. Tình tiết “ăn cơm trước kẻng” này đã làm cho tác phẩm suýt nữa bị gắn mác 18+. Và cũng từ đây, những dằn vặt trong tâm tưởng của cả ba nhân vật chính được bộc lộ để đến cuối cùng, tất cả đều chọn lựa vì tình yêu, đều tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm thuở thiếu thời ngây dại…

Một cái kết đẹp cho một tình yêu đẹp…

Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi mọi hiểu lầm về lý do Phúc biến mất đã được gỡ bỏ. Phúc khuyên Miền bỏ lại tất cả và ra đi theo mình. Trong cái giây phút chờ đợi giờ bỏ trốn ấy, cô đã nghĩ thật nhiều, về cô, về Phúc, về Vinh và cả bé Su. Cô đã nhận ra trái tim mình bây giờ hướng về ai. Trong Ngày xưa có một chuyện tình, đoạn tự sự của Miền về quyết định chọn ai chỉ xuất hiện ở đoạn cuối và nói lên tất cả những gì cô nghĩ xuyên suốt cuộc đời mình. Kết truyện có lẽ đã được đoán trước từ sớm qua cách suy nghĩ, trải lòng và qua những mẩu đối thoại giữa các nhân vật:

Miền: tôi phải làm sao, chẳng nhẽ lại bỏ đi theo tiếng gọi của tình yêu. Còn Vinh, anh sẽ thế nào?

Vinh: vốn dĩ cô ấy đã không yêu mình, có lẽ mình nên lặng lẽ tỏ ra không biết gì, rời đi thôi.

Phúc: mình làm vậy có tàn nhẫn quá không. Rồi thằng bé khi lớn nó sẽ nghĩ gì?

Tác giả đặt dấu chấm hết cho câu chuyện bằng một kết thúc không dang dở như Ngạn và Hà Lan trong “Mắt biếc”, lần này Nguyễn Nhật Ánh đã cho chúng ta thấy một kết thúc khác và theo mình là đỡ day dứt hơn. Với mình, kết chuyện này là một cái kết viên mãn được mở ra cho tất cả. Bởi lẽ ai mà lại không thích một kết thúc có hậu cơ chứ?! Cái kết thúc này của câu chuyện phản ánh đúng một hiện thực rằng tất cả sẽ vì tình yêu, sẽ chọn tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Nhưng mấy ai đủ tỉnh táo để nhận ra rằng “trái tim có ngữ pháp riêng của nó và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy tính mờ đục đó, “yêu” là một động từ bất quy tắc”, và hơn nữa” trong tình yêu luôn tồn tại một quy luật: đau khổ của người này đôi khi là hạnh phúc của người kia và ngược lại”. Vậy đấy, biết làm sao đây khi phải chọn lựa giữa người mình yêu và người yêu mình. Nếu là Miền, bạn sẽ lựa chọn Phúc hay Vinh hay một kết thúc khác?

Tạm kết

Đối với truyện dài lần này, điều làm mình ấn tượng sâu sắc không phải là cốt truyện mà là lối kể mình chưa từng được thấy trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Có thể khi đọc xong, nhiều người sẽ cho rằng cốt truyện này sao mà giống “Mắt Biếc” phiên bản kết thúc có hậu quá, cũng là tình yêu đơn phương, cũng chi tiết “ăn cơm trước kẻng”. Thế nhưng cùng là ngôi thứ nhất nhưng “Mắt biếc” bị bó hẹp trong trong góc nhìn và suy nghĩ của duy nhất nhân vật Ngạn, còn “Ngày xưa có một chuyện tình” được nới rộng ra, kể theo lời của cả 3 nhân vật và thậm chí đến cả nhân vật nhỏ tuổi nhất – người viết lại câu chuyện này. Cách viết này khiến mình có thể hiểu rõ hơn về tâm tư tình cảm của các nhân vật, hiểu tại sao họ lại hành động, lựa chọn như thế. Điều đó khiến mình có sự cảm thông hơn và hiểu nhân vật hơn. Nhân vật đáng yêu, ai cũng có nét đáng thương và đáng trách, có đúng có sai nhưng cả 3 nhân vật chính đều là người dũng cảm. Ừ thì Vinh chính là Ngạn, không khác một tí ti gì về nhân cách lẫn tình cảm trao đi. Ừ thì Miền đã lặp lại bi kịch của Hà Lan không chệch một xíu nào. Nhưng Phúc chính là món quà mà tác giả đã tạo ra; bởi không có anh, Miền chẳng bao giờ biết được trái tim mình hướng về đâu. 

Câu chuyện là một chuyện tình tay ba nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, mọi thứ sao thật dễ dàng và nhẹ nhàng tới vậy? Chuyện được viết hết sức giản dị và hồn nhiên như một đứa trẻ, nhưng lại nhiều sự phức tạp và xúc cảm như một người lớn, câu chuyện là những bài học về cuộc sống, về tình yêu, lòng cao thượng và những gì mà nó có thể mang đến cho chúng ta. Để rồi khi gập cuốn sách lại, ngay cả những tâm hồn mơ mộng nhất cũng phải lặng mình để suy nghĩ, suy nghĩ như một người trưởng thành đích thực. Hơn tất cả, đó là câu chuyện về một tình bạn đẹp, một thứ tình cảm trong sáng của tuổi mới lớn. Dẫu vẫn có những trăn trở, vẫn có cảm giác tội lỗi dằn vặt nhưng người đọc lại thấy hết sức hồn nhiên và dễ chịu bởi những cảm xúc này là của những cô cậu học trò hồn nhiên và tô tư. Họ đi theo tiếng gọi của trái tim. Họ yêu mãnh liệt, yêu trọn vẹn tuổi trẻ của mình và không tính toán. Bởi vậy mà Vinh đã chẳng có hành động dại dột hay ghen tuông nào khi Phúc và Miên yêu nhau, hay khi Phúc trở về. Có lẽ đặt hoàn cảnh vào mình, có lẽ chẳng thể giữ nổi bình tĩnh mất. 

Đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh lần nào mình cũng nhìn thấy chút ít bản thân mình ngày xưa trong đó. Tuy cảm giác đã cũ, man mác buồn nhưng nó chẳng bao giờ phai nhạt, vì nó là một phần tuổi thơ của mình. Khi bạn ở tuổi mới lớn, bạn sẽ cảm thấy tác phẩm như lời kể của những người đã trải đời, bên cạnh đó nó mang lại cái nhìn mới về chuyện tình cảm. Nhưng đối với những người đã trưởng thành, mình nghĩ đây sẽ là một bức tranh hoài niệm. Hoài niệm về thời học trò với những tình cảm ngây ngô mới lớn rồi sâu đậm dần qua thời gian.

Nếu muốn trở về tuổi học trò, hay tìm chút ký ức của quá khứ bị bỏ quên hãy tìm đọc sách “ngày xưa có một chuyện tình” của Nguyễn Nhật Ánh, mình tin là ai cũng sẽ tìm lại được. Hoặc không thì cũng một lần được hóa thân lại thành nhân vật sống với thời thơ ấu đó. Đây một cuốn sách rất đáng đọc với những người đã, đang và sẽ sống trong hạnh phúc với tình yêu của đời mình. 

 

 

Add a Comment

Scroll Up