70 Rules of SEPTENI-Hinerankai (phần 11)

Nguyên tắc 22. Các doanh nhân thành công thường đều rất “chặt chẽ” trong chi tiêu

Tôi nghĩ rằng tất cả những doanh nhân thành công đều vô cùng chặt chẽ và cẩn trọng trong việc đầu tư. Có thể thấy rằng hầu như chẳng mấy ai quá hào phóng và rộng rãi trong chi tiêu mà có thể thành công trong lĩnh vực kinh doanh cả.

Nói đến cụm từ “chặt chẽ” có thể ta sẽ nghĩ ngay đến những người không hề muốn tiêu tiền nhưng tôi lại cho rằng chặt chẽ ở đây chính là không phô trương khoe mẽ. Ví dụ, trước khi lên sàn, công ty gọi được rất nhiều vốn và dùng toàn bộ số tiền huy động đã được để đầu tư với quy mô lớn. Tôi nghĩ bản thân việc này không sai. Tuy nhiên, việc không cân nhắc kĩ càng xem việc đầu tư đó có thực sự mang lại lợi nhuận hay không, số tiền đầu tư đã hợp lý chưa và công ty trong ngành đang chi bao nhiêu tiền cho dự án tương tự… mà triển khai quy mô lớn ngay thì tôi phải gọi đó là “Phô trương”.

Tương tự, giả sử khi hoạt động kinh doanh của công ty đã sinh lợi nhuận và nhà quản lý quyết định dùng lợi nhuận đó để triển khai một hệ thống mới, việc đưa ra quyết định triển khai mà không kiểm tra kỹ nội dung báo giá do đối tác tinh tưởng gửi cũng không phải là cách làm khôn ngoan. Chắc hẳn cũng có một số lãnh đạo nghĩ rằng “Mặc cả giảm giá thì sẽ không hay” hoặc “yêu cầu báo giá dự thầu là thất lễ với đối tác”.

Tuy nhiên, lãnh đạo đâu phải người toàn năng, với lĩnh vực bản thân hiểu rõ thì không nói làm gì, nhưng với lĩnh vực mà bản thân chưa nắm chắc thì cần tìm hiểu xem mức giá đó so với thị trường có phù hợp không, căn cứ của việc đưa ra giá đó là gì để thấy mức giá mà đối tác có thực sự thuyết phục hay không. Nhưng mong các bạn đừng hiểu lầm là không phải lúc nào cũng cần mặc cả. Nếu bạn cảm thấy đã hài lòng với báo giá nhận được rồi thì không nhất định phải làm vậy.

Giả sử xảy ra việc nhà lãnh đạo phán đoán sai và trả 60 triệu yên để mua một mặt hàng chỉ trị giá 50 triệu yên thì tôi tự hỏi 10 triệu yên kia sẽ ảnh hưởng tới đâu. Trong trường hợp này lợi nhuận công ty tất nhiên sẽ giảm sút, lợi tức phải trả cho cổ đông, khách hàng hay nhân viên cũng theo đó giảm đi.

Nếu lãnh đạo sử dùng tiền hoang phí thì người chịu thiệt hại nhất chính là những người đang làm việc và cống hiến cho công ty. Có thể ta sẽ nghe thấy một vài ý kiến rằng “Cũng tốt thôi nếu công ty chi tiền lãng phí nhưng vẫn có lợi nhuận”. Tuy nhiên có rất nhiều công ty đã lâm vào thua lỗ vì cách sử dụng nguồn vốn chưa hợp lý của chủ doanh nghiệp. Nếu nhìn theo cách này thì rõ ràng lãnh đạo phải thật sự “chặt chẽ” để bảo vệ quyền lợi chung của cả công ty và nhân viên của mình.

 

Nguyên tắc 23. Không ngại việc công khai thông tin


Chắc hẳn cũng có những người làm lãnh đạo cảm thấy e ngại việc công khai các thông tin trong doanh nghiệp của mình. Những thông tin liên quan đến cá nhân, thông tin về nhân sự cần phải bảo mật thì là đúng rồi, tuy nhiên có những lãnh đạo không công khai ngay cả những thông tin có thể minh bạch được với lý do không thích bị ý kiến bởi cả bên ngoài hay từ trong nội bộ công ty. Theo tôi điều này còn tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý.

Giả sử lãnh đạo kê khai tiền đi club vào chi phí tiếp khách của công ty nhưng không muốn bị nhân viên biết nên đã không công khai. Ta có thể đặt ra hoài nghi rằng có một lý do nào đó khiến bản thân lãnh đạo muốn che đậy việc này. Chi phí tiếp khách là một loại chi phí không thể thiếu trong kế toán công ty nên nếu nhân viên hiểu rằng hóa đơn đi club là chi phí cần thiết, được chấp nhận cả về mặt nội dung lẫn số tiền thì công khai cũng sẽ không có vấn đề gì cả.

Ngoài ra, cũng có những nhà điều hành không thích công khai sổ quyết toán doanh nghiệp. Đối với người lãnh đạo, sổ quyết toán hàng tháng đơn thuần chỉ là một văn bản mang tính thông báo, nhưng với nhân viên nó chính là thứ biểu thị thành tích của chính họ. Nếu kết quả kinh doanh tăng và lợi nhuận cũng tăng thì đó sẽ là bằng chứng cho sự nỗ lực làm việc của mọi người. Phần tiền lãi đó sẽ được phản ánh trong tiền thưởng. Ngược lại, nếu thành tích kinh doanh đi xuống, hệ số thưởng sẽ giảm đi ít nhiều. Khi tất cả thông tin được công khai như vậy, nếu tình hình kinh doanh chưa được tốt thì mọi người đều sẽ hiểu rằng: Mình cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Công khai cũng chính là việc sẽ bị mọi người quan sát, khi đó chúng ta sẽ thường có xu hướng hành động theo tính thiện. Chính vì ý thức bị quan sát nên chúng ta phải luôn cố gắng làm việc sao cho xứng đáng với lợi ích đang nhận được. Hay nói cách khác, ta sẽ ý thức được giới hạn theo quy định pháp lý để tránh những hành động không chính đáng. Công khai thông tin chính là biện pháp phòng vệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhờ cơ chế công khai mà các thông tin cần thiết và vấn đề được chia sẻ rộng rãi, qua đó nâng cao ý thức tinh thần chủ động đóng góp xây dựng của toàn bộ nhân viên.

Add a Comment

Scroll Up