Start With Why – Bắt Đầu Với Câu Hỏi Tại Sao

Đó là tên một cuốn sách mà nhóm mình mới đọc cách đây không lâu. Mình vô tình biết đến cuốn sách và muốn đọc nó vì tên của cuốn sách trùng với slogan của công ty mình.

Mình đã tò mò rất muốn biết vì sao bác giám đốc lại đặt slogan của công ty như thế, liệu có cái gì đó ẩn chứa đằng sau slogan này không. Và sau khi đọc mình thực sự ấn tượng với những gì mà cuốn sách nói đến, nó giúp mình hiểu ra được tầm quan trọng của việc hiểu được bản chất vấn đề, hiểu ra rằng vì sao nên bắt đầu với câu hỏi Tại Sao dù chỉ là với những thứ nhỏ nhất mình làm.

Cuốn sách có tất cả hơn 330 trang với 14 chương. Nội dung trong cuốn sách đơn giản, dễ hiểu và truyền được cảm hứng cho người đọc. Những lập luận mà tác giả đưa ra trong cuốn sách khá logic, chặt chẽ theo kiểu nói có sách – mách có chứng.

Cuốn sách này thực sự là cẩm nang để trao tặng cho bạn một lý do làm một điều gì đó, bắt đầu một thứ gì đó mà bạn đang thực sự muốn làm. Vì thế mình khuyên các bạn nên đọc nó dù chỉ là một lần – nhất là những ai đang bị rơi vào tình trạng chán chường với những thứ đang có trong hiện tại.

Có khá nhiều quan điểm tác giả đưa ra trong cuốn sách mà bản thân mình thực sự thấy tâm đắc:

1. Tác giả mở đầu cuốn sách bằng việc chỉ ra các hình thức lôi kéo hay được sử dụng trong cả kinh tế lẫn chính trị như:

  • Giảm giá cả, khuyến mại
  • Gây tâm lý sợ hãi: các doanh nghiệp sẽ nhồi nhét vào đầu bạn suy nghĩ rằng nếu bạn ko mua sản phẩm hay dịch vụ thì sẽ có điều gì đó ko hay xảy ra với bạn như kiểu quảng cáo (Cứ sau 36s lại có ai đó chết vì bệnh tim)
  • Sử dụng tham vọng: bằng cách họ đưa ra mục tiêu khiến bạn khát khao đạt được và cung cấp 1 sản phẩm hay dịch vụ để bạn đạt tới điều đó 1 cách dễ dàng(chỉ trong 6 tuần bạn có thể trở nên giàu có)
  • Áp lực ngang hàng: kiểu như nếu sản phẩm này tốt với các chuyên gia thì nó cũng sẽ tốt đối với bạn
  • Sự mới lạ chứ ko phải đổi mới

Các hình thức lôi kéo này chỉ mang lại hiệu quả, cao trào trong ngắn hạn, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng và mang lại một chút thành công ban đầu cho công ty nhưng sẽ không tạo ra sự trung thành từ phía khách hàng đồng thời cũng làm tăng thêm sự căng thẳng- mệt mỏi cho cả người bán lẫn người mua

2. Một nhà lãnh đạo có thể không giỏi trong việc quản lý và điều hành nhưng phải là người giỏi nhất trong việc truyền cảm hứng. Và để truyền được cảm hứng họ đều có một điểm chung là bắt đầu với câu hỏi tại sao. Cuốn sách đã chỉ ra những nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới đã truyền được cảm hứng đến rất nhiều người và khiến họ hiểu rõ được mục đích của hành động –> để từ đó có được sự tin tưởng và trung thành xuất phát từ chính bản thân những người đó mà không vì bất kỳ sự dụ dỗ nào khác từ bên ngoài.

3. Lý do TẠI SAO không phải là cách duy nhất dẫn tới thành công nhưng nó là cách duy nhất để duy trì sự thành công lâu dài, đồng thời giúp cho cá nhân hay tổ chức có được khả năng đổi mới sáng tạo và khả năng hoạt động linh hoạt trong nhiều lĩnh vực.

Ở đây Apple là một ví dụ được tác giả hay nhắc đến trong cuốn sách, là một đại diện điển hình cho việc áp dụng lý do TẠI SAO vào trong tổ chức, trong mỗi sản phẩm mà họ làm

4. Một khái niệm mới được nhắc đến trong cuốn sách, đó chính là Vòng Tròn Vàng. Cấu trúc của một Vòng Tròn Vàng gồm:

  • WHAT(Cái Gì): là cái rất dễ dàng để nhận biết, mọi công ty và tổ chức đều biết họ làm CÁI GÌ
  • HOW(Thế Nào): Thường được dùng để giải thích quá trình sản xuất sản phẩm hay dịch vụ trở nên khác biệt hay tốt hơn. HOW không dễ nhận ra như WHAT, chỉ một vài công ty và cá nhân biết họ làm CÁI GÌ theo cách như THẾ NÀO
  • WHY(Tại Sao): Ở đây là mục đích, nguyên tắc hay niềm tin của bạn như TẠI SAO công ty bạn tồn tại? TẠI SAO bạn bước ra khỏi giường đi làm vào mỗi buổi sáng? Rất ít cá nhân hay tổ chức có thể nói rõ ràng lý do TẠI SAO họ làm NHỮNG GÌ họ làm.

Các cấp độ của VÒNG TRÒN VÀNG tương ứng chính xác với 2 lớp chính của bộ não:

  • Não ngoài tương ứng với cấp độ CÁI GÌ và chịu trách nhiệm cho các suy nghĩ phân tích mang tính lý trí và ngôn ngữ
  • Não giữa điều khiển tất cả các cảm xúc như tin tưởng và trung thành -> nó cũng điều khiển tất cả hành vi của con người và các quyết định của chúng ta nhưng nó không có khả năng về ngôn ngữ.

Thông thường khi cá nhân hay tổ chức suy nghĩ, hành động và tương tác, họ hay bắt đầu từ ngoài vào trong( từ CÁI GÌ đến TẠI SAO) do họ muốn đi từ những cái rõ ràng nhất đến những cái mơ hồ nhất. Chúng ta có thể nói mình làm CÁI GÌ, đôi khi chúng ta nói mình làm nó THẾ NÀO, nhưng hiếm khi chúng ta nói TẠI SAO chúng ta làm nó.

Khi chúng ta giao tiếp từ ngoài vào trong, tức là từ NHỮNG GÌ người ta có thể hiểu được một lượng lớn những thông tin phức tạp nhưng nó lại không thay đổi được hành vi. Nhưng khi chúng ta giao tiếp từ trong ra ngoài, chúng ta đang nói chuyện trực tiếp với vùng não kiểm soát việc ra quyết định và vùng não chịu trách nhiệm cho ngôn ngữ cho phép chúng ta hợp lý hóa những quyết định này.

Những quyết định từ não giữa hay còn gọi là những quyết định từ trái tim thường nhanh hơn và có chất lượng hơn là những quyết định lý trí.

4. Giá trị được định nghĩa như là sự chuyển hóa của niềm tin. Bạn không thể nào thuyết phục ai đó rằng bạn giá trị, và cũng không thể thuyết phục ai đó tin tưởng bạn. Một lý do TẠI SAO chính là niềm tin, làm THẾ NÀO là những hành động chúng ta làm để chứng tỏ niềm tin đó, và CÁI GÌ là kết quả của những hành động này.

Niềm tin là một cảm giác chứ không phải là một kinh nghiệm lý trí, niềm tin bắt đầu khởi sinh khi chúng ta cảm nhận rằng một người hay một tổ chức có sứ mệnh làm điều gì đó khác hơn là những lợi ích chỉ cho bản thân họ, nó tạo ra một cảm giác giá trị- giá trị thực sự chứ không chỉ đo đếm bằng tiền bạc. Khi những nhóm người được tập hợp lại với nhau dựa trên những giá trị/niềm tin chung và từ đó hình thành nên sự tin tưởng thì sẽ tạo ra văn hóa của tổ chức/công ty.

5. Những nhà lãnh đạo kiệt xuất đều có điểm chung là khả năng tìm được những con người phù hợp để tham gia vào tổ chức của họ – những người tin tưởng vào những gì họ tin tưởng. Khi bạn có được tất cả những người phù hợp trong tổ chức của mình, những người có niềm tin vào những gì bạn tin tưởng thì thành công sẽ tự động đến.

6. Mục đích của tuyển dụng không phải là tìm được những người đơn thuần chỉ có những kỹ năng bạn cần mà tìm được những con người có chung niềm tin với bạn, là tìm được những người có đam mê với lý do TẠI SAO của bạn, với mục đích, nguyên tắc hay niềm tin của bạn, những người có thái độ phù hợp với văn hóa của bạn. Những công ty vĩ đại không tuyển dụng những người có kỹ năng tốt rồi mới tạo động lực cho họ mà họ tuyển những người đã có sẵn động lực và giúp họ khơi nguồn cảm hứng

Ở đây tác giả lấy ví dụ về thành công của cuộc thám hiểm do Shackleton dẫn đầu vượt lục địa xuyên qua điểm tận cùng phía Nam của trái đất năm 1914. Shackleton cùng đoàn thám hiểm gồm 27 thành viên đã vượt qua hành trình thử thách và chiếc tàu của họ đã bị nhấn chìm trong vùng nước giá lạnh của biển Weddell tháng 11/1915 và điều phi thường là trong suốt cuộc thám hiểm này đã không có bất cứ ai chết hay bất cứ cuộc nổi loạn nào vì Shackleton đã tìm được những người phù hợp nhất cho chuyến đi, luôn tin tưởng vào Shackleton

7. Một khái niệm mới mà tác giả đề cập đến trong cuốn sách đó là Quy Luật Lan Tỏa.

Dân số chúng ta được chia ra làm 5 phần trải rộng trong một đường cong hình chuông gồm: những người đổi mới(2.5%), người người sớm đón nhận(13.5%), Số đông đi trước(34%), Số đông đi sau(34%), Những người tụt hậu(16%)

Quy luật lan tỏa chỉ ra rằng, nếu bạn chỉ tập trung vào nguồn lực phần giữa tháp chuông ở trên(số đông đi trước và số đông đi sau) thì gần như không thể thành công. Muốn thành công bạn nên tiếp cận vào 2 đối tượng bên trái của tháp chuông(những người đổi mới và những người sớm đón nhận)  vì họ là những người tin tưởng vào những gì bạn tin tưởng, nhận ra được những gì bạn làm và sẵn sàng trả tiền hay chịu những sự bất tiện để trở thành một phần trong nguyên tắc của bạn. Và họ cũng chính là người tự nguyện giới thiệu bạn với những người khác.

8. Nếu nhân viên chỉ được yêu cầu tới công ty làm việc thì đó là tất cả những gì họ làm được, nhưng nếu bạn luôn nhắc nhở lý do TẠI SAO công ty được thành lập và yêu cầu họ tìm cách mang nguyên tắc đó vào cuộc sống trong chính công việc của họ thì họ sẽ còn làm được nhiều hơn thế. Khi nhân viên tới công ty làm việc với mục tiêu đầy ý nghĩa, họ cảm thấy dễ dàng vượt qua những thời điểm gian khó hay thậm chí còn tìm ra cơ hội trong khó khăn, những người làm việc với lý do TẠI SAO thường không bỏ cuộc sau một vài lần thất bại bởi vì họ hiểu được ý nghĩa công việc mình làm.

9. Những tổ chức vĩ đại trở nên vĩ đại bởi vì con người trong tổ chức đó cảm thấy mình được bảo vệ. Một bản sắc văn hóa đậm nét sẽ tạo cho người ta cảm giác mình thuộc về nơi đó, nó khiến mọi người tới công ty với một niềm tin rằng toàn thể ban giám đốc, đồng nghiệp và tổ chức sẽ bảo vệ họ và từ đó mỗi quyết định, nỗ lực, hành vi của mỗi cá nhân sẽ hỗ trợ và bảo vệ cho những lợi ích lâu dài của toàn tổ chức.

10. Những người biết lý do TẠI SAO cần những người biết làm THẾ NÀO

Kiểu người TẠI SAO có những tầm nhìn xa trông rộng và giàu trí tưởng tượng, họ có xu hướng lạc quan tin tưởng rằng mọi điều họ tưởng tượng ra có thể thực sự đạt được, và họ thường tập trung vào những điều mà hầu hết mọi người không thể thấy. Kiểu người TẠI SAO dễ chịu thua thiệt vì nếu họ không có ai được truyền cảm hứng bởi ý tưởng của mình và thiếu những kiến thức để biến nó thành hiện thực thì hầu hết  những người kiểu TẠI SAO sẽ không đi đến đâu cả.

Còn kiểu người THẾ NÀO lại sống thực tế hơn và có cảm nhận rõ ràng về những gì hiển hiện, họ lại tập trung vào những gì hầu hết mọi người có thể thấy, và họ có xu hướng làm tốt công việc xây dựng hệ thống và quy trình cũng như hoàn thành công việc.

Lúc công ty còn nhỏ, người sáng lập thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài(trực tiếp ra ngoài tiếp xúc với khách hàng, bán sản phẩm và tuyển dụng hầu hết các nhân viên) do đó mọi hoạt động của nhà sáng lập cũng là tính cách của công ty. Nhưng khi một công ty phát triển, nhiệm vụ của CEO là trở thành một hiện thân cho lý do TẠI SAO, ông phải nói về nó, truyền bá nó và trở thành biểu tượng cho những gì công ty tin tưởng nhưng các hoạt động trực tiếp của nhà lãnh đạo giảm bớt và xa dần cấp độ CÁI GÌ. Lúc đó nhà lãnh đạo cần đảm bảo những người trong nhóm có chung niềm tin với họ và biết cách làm THẾ NÀO để xây dựng đội nhóm như vậy. Những kiểu người THẾ NÀO có trách nhiệm hiểu được lý do TẠI SAO và làm việc mỗi ngày để phát triển hệ thống và tuyển dụng những con người trực tiếp mang lý tưởng TẠI SAO của họ vào cuộc sống.

11. Trong cuốn sách cũng có nói đến Bài Thử Nghiệm Cần Tây – một thử nghiệm giúp bạn tìm ra chính xác làm CÁI GÌ và làm THẾ NÀO để nhất quán được với lý do TẠI SAO

Nếu bạn biết lý do TẠI SAO trước khi bạn tới siêu thị, nếu lý do của bạn là chỉ làm những gì có lợi cho sức khỏe và tốt cho cơ thể bạn thì khi đó bạn tới siêu thị bạn sẽ chỉ cần mua cần tây và sữa gạo thay vì nghe mọi lời khuyên từ mọi người, vì những sản phẩm này phù hợp với mục đích của bạn. Điều này không có nghĩa rằng những lời khuyên khác là không tốt, nó chỉ không tốt với bạn thôi vì đơn giản là nó không phù hợp.

→ Khi bạn biết cách lựa chọn những quyết định dựa trên lý do TẠI SAO của mình thì bạn sẽ tiết kiệm được thời gian ở siêu thị đồng thời cũng tiêu tốn ít tiền hơn và mang lại hiệu quả cao hơn. Và chỉ cần với cần tây và sữa gạo bạn cầm trong tay, mọi người có thể biết được điều bạn tin tưởng là gì.

12. Tác giả cũng chỉ ra sự khác nhau giữa Thành TíchThành Công

  • Thành tích là điều bạn đạt được giống như một mục tiêu, đó là thứ hữu hình, dễ xác định và đo lường được. Thành tích có được khi bạn đạt được NHỮNG GÌ bạn muốn. Thành tích là NHỮNG GÌ chúng ta đạt được và có vai trò như cột mốc chứng tỏ rằng chúng ta đang đi đúng hướng.
  • Thành công là một cảm giác hay một trạng thái, thành công có được khi bạn biết rõ TẠI SAO bạn muốn những thứ đó. Thành công có được khi chúng ta thức dậy mỗi ngày để tiếp tục theo đuổi lý do TẠI SAO chúng ta làm NHỮNG GÌ chúng ta làm mà không bao giờ kết thúc.

→ Có nhiều người theo đuổi thành công lại nhầm tưởng NHỮNG GÌ họ đạt được là đích đến cuối cùng vì thế họ không bao giờ cảm thấy thỏa mái cho dù chiếc du thuyền của họ có lớn tới đâu đi chăng nữa, chúng ta thường mắc phải một giả định sai lầm là nếu càng có được nhiều thứ thì cảm giác thành công sẽ đến với chúng ta

13. Lý do TẠI SAO của nhà sáng lập phải được hòa quyện vào văn hóa công ty để nó có thể tiếp tục truyền cảm hứng và dẫn dắt ngay cả khi nhà sáng lập không còn hiện diện nữa. Và công ty cũng phải có kế hoạch để chọn ra một nhà lãnh đạo mới được truyền cảm hứng bởi nguyên tắc ban đầu và sẵn sàng dẫn dắt công ty trong thời kỳ tiếp theo.

14. Khi bạn cạnh tranh với người khác sẽ không có ai muốn giúp bạn, nhưng khi bạn cạnh tranh với chính mình thì mọi người đều muốn giúp bạn.

Không quan trọng sản phẩm hay dịch vụ của bạn là gì, không quan trọng quy mô công ty của bạn lớn hay nhỏ, nếu chúng ta có cùng trách nhiệm để bắt đầu với lý do TẠI SAO và truyền cảm hứng cho người khác cùng làm như vậy thì khi đó chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi thế giới.

15. Lãnh đạo không liên quan đến uy lực, uy quyền mà liên quan nhiều hơn tới con người, hỗ trợ cho những ai muốn cống hiến. Để trở thành nhà lãnh đạo bạn cần có người ủng hộ, họ là người tình nguyện theo bạn tới mọi nơi. Họ lựa chọn theo bạn không phải vì bắt buộc mà vì bản thân họ muốn vậy.

16. Thay vì tiếp cận theo hướng CÁI GÌ →  THẾ NÀO→ TẠI SAO thì nên học cách tiếp cận theo hướng từ TẠI SAO →  THẾ NÀO → CÁI GÌ và làm sao để CÁI GÌ và THẾ NÀO luôn nhất quán với lý do TẠI SAO

Cuốn sách này đã thực sự truyền cảm hứng, thay đổi tư duy và giúp mình ngộ ra được rất nhiều điều:

  • Hãy đi tìm câu hỏi tại sao cho bất cứ công việc nào bạn làm, để tìm ra mục đích, để có thể làm việc hiệu quả hơn
  • Muốn thành công trong bất cứ lĩnh vực gì, hãy tìm những người có cùng niềm tin và giá trị sống với bạn
  • Bắt đầu TẠI SAO vào những thứ đơn giản mình làm hàng ngày
  • Hiểu ra vì sao Apple lại có nhiều tín đồ đến thế 🙂

Add a Comment

Scroll Up